Món quà tình yêu cha dành cho con
PNTĐ-Tôi đã không còn xem "Quà của bố" là một cuốn sách, vì nó chứa đựng nhiều hơn những gì một cuốn sách có thể chứa. "Quà của bố” đã mang lại cho tôi rất nhiều suy nghĩ.
Trong vô vàn các cuốn sách của tôi thì tôi biết chắc một điều rằng “Quà của bố” (tác giả Trần Đình Dũng) là cuốn sách gối đầu giường của tôi, là một dòng nước mát lành thấm đẫm tâm hồn tôi. Đúng như tên gọi "Quà của bố" chính là món quà vô giá về tình yêu thương của người cha dành cho những đứa con.
“45000 phút” - Cái tên này đối với mỗi chúng ta có lẽ chỉ là ấn tượng về khoảng thời gian dài dằng dặc nhưng câu chuyện này trong “Quà của bố” lại để lại trong tôi những ấn tượng không phai mờ với bao rung cảm sâu sắc. “45000 phút” là con số mà ông bố vẩn vơ tính lại thời gian đưa con đi học. Trong “45000 phút” đón đưa, bố chưa bao giờ thấy chán, thấy nản, thấy ngại mà luôn háo hức, mê say như buổi đầu nâng bước con đến trường. Cũng "45000 phút" đưa đón ấy, bố thấy được sự thay đổi từng ngày của con. Bố vui vì đã có một khoảng thời gian đặc biệt, một khoảng thời gian dành riêng cho con, cùng con chung bước trên hành trình của cuộc đời.
Qua những dòng chữ, mỗi người đọc đều có thể thấy được “món quà thời gian” mà bố đã trân trọng dành tặng cho con - điều mà không ít ông bố thời hiện đại khó có thể làm được. Chắc chắn rằng, mỗi một người đều có cách thể hiện tình yêu thương con nhưng tác giả Trần Đình Dũng đã chọn làm một người bạn, một người thầy đối với hai con ngay từ bé: chơi đùa cùng con, học tập cùng con, trò chuyện cùng con. Vì vậy, bố Dũng luôn thấy được sự thay đổi của con trai và con gái, những niềm vui và cả những nỗi buồn của con. Giản dị mà cao cả biết nhường nào!
Bên cạnh đó, cuốn sách nhỏ bé này còn gửi gắm những bài học cùng những thông điệp cuộc sống mà bất cứ người cha nào cũng muốn con thấu hiểu. Con cần phải biết cách sống, đầu tiên là biết lễ phép với người lớn, biết chọn bạn mà chơi, biết cư xử đúng mực. Lớn hơn một chút và cho đến lúc trưởng thành, con cần phải biết những điều phức tạp hơn. Con phải biết cẩn trọng trước những lời nói ngọt ngào, giống một cái bẫy phủ đầy mật ong và mở lòng trước những lời phê bình để hoàn thiện bản thân. Điều đó đã được thể hiện qua câu chuyện “Nói với con trai”. Con phải biết nhìn nhận sự thất bại như một bài hoc, một kinh nghiệm sống cần thiết để lớn lên, cứng cáp và mạnh mẽ.
Con cũng phải biết "đau với nỗi đau đồng loại, thương thân phận người nghèo, căm phẫn với sự bất công và buồn phiền với sự cay đắng" để sống, và để vươn lên. Những lời nói này chính là bài học mà cha muốn gửi đến con qua truyện “Bà bệnh”. Nói ra thì dễ, nhưng để làm được lại rất khó.
Thông qua cuốn sách, tác giả cũng đã thể hiện những cách dạy con của riêng mình: nhẹ nhàng, tinh tế nhưng cũng rất sâu sắc. Từ những bức thư ngắn, những lần đưa con đi trải nghiệm cuộc sống, để con tự rút ra bài học của mình, Trần Đình Dũng đã để con phát triển một cách đầy đủ và tự nhiên. Nhưng bên cạnh đó, tác giả cũng thể hiện tình yêu thương đối với con: lo lắng mỗi khi con về muộn hay bị ốm, vui với niềm vui của con, buồn với nỗi buồn của con. Tình yêu mà bố Dũng dành cho hai con là một tình yêu tuyệt đối, vô điều kiện.
Tôi đã không còn xem "Quà của bố" là một cuốn sách, vì nó chứa đựng nhiều hơn những gì một cuốn sách có thể chứa. "Quà của bố” đã mang lại cho tôi rất nhiều suy nghĩ. Từ trước đến nay, tôi là một đứa trẻ sống hời hợt, vô tâm, luôn đón nhận tình yêu thương của cha mẹ như một điều hiển nhiên, luôn giận hờn cha mẹ khi không được đáp ứng những yêu cầu của cá nhân. Nhưng đến khi đọc xong cuốn sách, tôi mới thấu hiểu được tình cảm của bố mình, mới biết thông cảm cho những nhọc nhằn của mẹ cha. Bố tôi không phải là “một Mr hoàn hảo”. Bố có những khó khăn, có những vui buồn, có lúc cáu giận và có cả nỗi sợ hãi vô hình nào đó. Nhưng tôi yêu người bố không hoàn hảo ấy và chính sự không hoàn hảo ấy khiến bố tôi trở thành một ông bố của riêng tôi với những xúc cảm rất đời thường.
Gấp cuốn sách và nhắm mắt lại, những hình ảnh của tuổi thơ lại ùa về trong đầu tôi. Tôi thấp thoáng thấy được hình ảnh của chính mình trong đó: hay nhõng nhẽo, mít ướt và luôn được ở trong vòng tay che chở của bố. Những ngày còn thơ dại và cho đến tận bây giờ, dù tôi có đi đâu, làm gì, bố sẽ không để cho tôi bị tổn thương. Vì thế, nếu được đặt tên cho cuốn sách, tôi sẽ viết tựa đề là “Trái tim của bố” - một trái tim chứa đựng một tình yêu thương vô bờ dành cho những đứa con.
Cảm ơn “Quà của bố” đã giúp một người con vô tâm nhận ra tình yêu thương bất diệt để mỗi ngày trôi qua biết sống ý nghĩa hơn, biết trân trọng những điều mình đang có…
Vân Linh
Lớp 7A0, trường THCS Nguyễn Tri Phương
Lớp 7A0, trường THCS Nguyễn Tri Phương