Bài tham dự cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của bạn” lần thứ I - năm 2022:

“Ngày mai có khi là kiếp sau”- Hãy để phụ nữ phát huy hết giá trị bản thân

Kim Cúc (Ba Đình, Hà Nội)
Chia sẻ

(PNTĐ) -Tập truyện ngắn “Ngày mai có khi là kiếp sau” của tác giả Ngọc Trần đã để lại ấn tượng đặc biệt cho tôi về những thân thận phụ nữ. Mỗi một câu chuyện là một thân phận phụ nữ rất hiện thực giữa bộn bề hiện thực.

Ám ảnh nhất là câu chuyện về ba thế hệ phụ nữ, với những yêu thương bỏng cháy nhưng lại gây tổn thương cho những người mình thương yêu trong vòng quay nghiệt ngã không lối thoát của cơm áo, tình tiền.

“Ngày mai có khi là kiếp sau” xây dựng chân dung những người đàn bà từ thế hệ trước, hiện tại đến nối tiếp, từ nông thôn tới thành thị, từ những cô gái nghèo ít học đến những người phụ nữ có đủ nhan sắc, trí tuệ, tiền tài. Mỗi người trong số họ đều có bi kịch riêng được xây dựng chân thật, thuyết phục, giàu tính trải nghiệm không bị cảm giác cường điệu hóa. Những bi kịch không giống nhau nhưng đều cùng một xuất phát điểm: Sự bất bình đẳng giới khi xã hội nhiều người còn quen nhìn nhận rằng đàn bà không sinh được con là một cái tội, sinh con gái cũng là một cái tội, không có giá trị giúp đàn ông thăng tiến hay hết giá trị cũng là cái tội, đàn ông cặp bồ tặc lưỡi nghĩ đó là thú vui chốc lát nhưng đàn bà nếu dám vươn lên đòi đáp ứng yêu thương bản năng lại bị tiếng xấu theo suốt đời... Không chỉ chịu những dằn vặt tinh thần, họ còn phải nhận cả những cơn đau thể xác từ người đàn ông bên cạnh và cảm giác mình là đồ bỏ đi khi không còn giữ được chân chồng. Điều đặc biệt, bất bình đẳng giới không chỉ đến từ suy nghĩ của đàn ông mà còn từ chính tư tưởng trọng nam khinh nữ rơi rớt từ thời phong kiến vẫn còn hằn sâu trong một bộ phận phụ nữ, khiến những phụ nữ làm khổ mình, khổ nhau.

Điều tôi thích ở tập truyện ngắn này là trong cả những tác phẩm có cái kết bi kịch không lối thoát, tác giả đều hướng người đọc, đặc biệt là phụ nữ, đến một tinh thần tích cực. Không chỉ một lần thông điệp “Ngày mai có khi là kiếp sau” được đề cập. Đó có lẽ là lý do Ngọc Trần đã chọn nó làm tên tập truyện. Nếu biết đời sống là hữu hạn, ngày mai có thể đến, có thể không, tại sao chúng ta không biết tận dụng từng ngày của kiếp này, để yêu thương, trân trọng bản thân mình, từ đó lan tỏa sự tích cực đến những người xung quanh, thay vì lần lữa, tặc lưỡi rằng: Thôi, để đến ngày mai, ngày mai mình sẽ…?

Mỗi khi đọc truyện hay xem phim, tâm lý khán giả thường tự đặt mình vào nhân vật rồi suy nghĩ, cân nhắc trong hoàn cảnh đó mình sẽ làm gì, làm sao để không rơi vào bi kịch như nhân vật. Những phụ nữ trong “Ngày mai có khi là kiếp sau” đều có điểm yếu, yếu thế trong tinh thần từ tác động của cả khách quan và chủ quan. Đọc “Ngày mai có khi là kiếp sau”, tôi ngẫm ra rằng, cách tốt nhất để phụ nữ được sống trong một môi trường an toàn, được là chính họ, phát huy hết giá trị bản thân, việc đầu tiên là nâng cao nhận thức về bất bình đẳng giới. Bản thân phụ nữ cũng phải nâng cao giá trị bản thân, đầu tư vào học vấn, sức khỏe, phấn đấu một công việc tốt, chăm chút ngoại hình học cách yêu thương mình thay vì suy nghĩ sinh ra là để hy sinh cho gia đình. Thay vì làm dây leo, hãy làm một cây lớn, như thế bạn có thể chống đỡ mưa gió cuộc đời.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

“Cây cam ngọt của tôi”: Khát khao cháy bỏng được yêu thương?

“Cây cam ngọt của tôi”: Khát khao cháy bỏng được yêu thương?

(PNTĐ) -“Cây cam ngọt của tôi” là một cuốn sách rất đáng để đọc. Liệu chúng ta có thể hiểu rằng, đằng sau dáng vẻ nghịch ngợm của một đứa trẻ là những suy nghĩ vô tư, trong sáng, là trí tưởng tượng phong phú mà chúng tạo ra để cảm nhận được niềm vui? Hay những đòn roi, tổn thương mà chúng không đáng được nhận? Đọc cuốn sách, ta như có sự đồng cảm dành cho những đứa trẻ khao khát được yêu thương.
“Trái tim đàn bà” - Phụ nữ yêu thương từ những điều vụn vặt

“Trái tim đàn bà” - Phụ nữ yêu thương từ những điều vụn vặt

(PNTĐ) -Người ta nói, tản văn là ngôn ngữ của trái tim. Đọc những trang viết trong Trái tim đàn bà của Nguyễn Quỳnh Hương, là đi lạc vào trái tim chị với nhiều chiều của nó, nhưng lớn hơn cả là sự nồng ấm, dịu dàng. Chị tinh tế và nhiệt thành trong cách bày biện những câu chuyện của mình. Viết một cách say mê về những điều nhỏ nhặt. Mà những điều nhỏ nhặt ấy lại rất đàn bà.