Bài tham dự cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của bạn” lần thứ I - năm 2022:

“Phụ nữ hiện đại - Nghĩ giàu và làm giàu” - Hành trình đến với thành công và sự quyết đoán

Chia sẻ

(PNTĐ) -Tôi rất thích cuốn “Phụ nữ hiện đại - Nghĩ giàu và làm giàu” của tác giả người Mỹ Sharon Lechter. Bởi ngưỡng mộ hình ảnh những bông hồng thép, những tấm gương về những phụ nữ hiện đại dám sống có hoài bão, dám chinh phục và khẳng định vị thế của mình trong công việc để đạt tới thành công.

Tác phẩm ra đời như một “kim chỉ nam” tạo động lực thúc đẩy những người phụ nữ trên thế giới có thể tự phá bỏ tư duy “trọng nam khinh nữ”, cổ vũ họ tự đứng lên chống lại và vượt qua bạo lực gia đình, tự tháo mình khỏi những xiềng xích cổ hủ lạc hậu về một thế giới mà ở đó “đàn bà giỏi hơn đàn ông thì gia đình khó mà hạnh phúc”, hay “phụ nữ chỉ là cái bóng của đàn ông”… Những quan niệm mang tính kìm hãm ấy đã tồn tại bao đời vô tình đã biến những người phụ nữ trở nên thụ động, lo lắng, sợ hãi và nhiều khi chính họ lại tước đi cơ hội khẳng định bản thân, đánh mất thành công trong công việc, cuộc sống mà lẽ ra họ phải được hưởng.

Trong xã hội xa xưa và cũng không hiếm hình ảnh của những người phụ nữ sống trong thời đại ngày nay, đặc biệt là những người phụ nữ sinh ra và lớn lên ở những vùng, miền kinh tế, văn hóa, cơ sở vật chất còn lạc hậu như miền núi quê tôi. Không khó bắt gặp hình ảnh của những người mẹ, người vợ, trẻ em gái, họ sống với tâm thế thụ động, họ chỉ biết chấp nhận số phận mà không dám bày tỏ hay phản kháng, đấu tranh để có được một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Chính vì vậy, khi đọc tác phẩm của Sharon, tôi dường như nhìn thấy một chút ánh sáng le lói trong đường hầm chật hẹp. Trong cuốn sách của mình, tác giả tập trung vào ngợi ca những hình mẫu thành công điển hình của những doanh nhân nữ trong môi trường quốc tế. Ở họ, đều có một điểm chung không do dự, không chần chừ mà lại dư thừa tố chất quyết đoán - một tố chất vô cùng quan trọng tạo cho người phụ nữ tâm thế của một người dám đương đầu, dám chịu thất bại và chắc chắn thành công luôn chờ đợi họ ở phía trước. 

Cuốn sách như đem lại nguồn cảm hứng không chỉ cho cá nhân tôi mà tôi nghĩ nó sẽ có tính chất lan tỏa những điều tốt đẹp tới triệu triệu phụ nữ trên khắp thế giới. Chỉ cho độc giả thấy, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều định kiến xã hội nhưng vẫn có rất nhiều những tấm gương phụ nữ lập nghiệp thành công.

Như câu chuyện của Mergie Aliprandi, một tấm gương phụ nữ đã quyết định xây dựng một doanh nghiệp ngành tiếp thị trực tuyến. Bà khởi nghiệp gần như từ con số không khi trong tay bà gần như không có một chút “vốn liếng” nào về thương trường lẫn tiền bạc. Bà phải trải qua một quá trình khởi nghiệp đầy rẫy những khó khăn, thử thách, nhưng ý chí giúp bà không bỏ cuộc, và bà đã trở thành nữ quản lý của đội ngũ tiếp thị trực tuyến lớn nhất thế giới với hàng trăm ngàn người. Bà đã từng chia sẻ nếu bà bị ảnh hưởng bởi những lời dị nghị, những lời bàn ra tán vào của những người xung quanh, hay bị chi phối bởi lời của đứa con trai nhỏ tuổi “Mẹ ơi, mẹ đừng đi” thì có lẽ bà sẽ không thể có được sự thành công của ngày hôm nay. 

Trong cuốn sách, tác giả cũng từng chia sẻ có rất nhiều phụ nữ có suy nghĩ giống mình trước kia, đó là “luôn đặt bản thân mình sau cùng, khi đã ưu tiên chăm lo cho gia đình”. Thế nhưng nhiều năm về sau bà đã tìm ra được mục tiêu cuộc đời mình là “học cách chăm sóc bản thân tốt hơn”. Khi phụ nữ tự yêu thương bản thân mình đó cũng chính là lúc họ đã tìm ra lối đi và tự tạo dựng sự nghiệp. Một người phụ nữ đẹp là khi họ có tri thức, họ tự chủ về kinh tế và tự xây dựng hạnh phúc cho mình.

Sharon Lechter cùng tác phẩm của bà đã dạy tôi rằng: “Cuộc sống là một dòng chảy với rất nhiều ngã rẽ và đôi khi những ngã rẽ ấy không bằng phẳng mà rất gập ghềnh. Thế nhưng, để không lãng phí những đặc ân mà tạo hóa ban tặng khi bản thân mình được góp một phần nhỏ bé vào vẻ đẹp của một nửa thế giới thì tại sao tôi lại sống mà không dám ước mơ?”. Tôi sẽ cố gắng, không lùi bước, không chần chừ. Tôi sẽ luôn bước về phía trước và cống hiến hết mình cho những lý tưởng, hoài bão mà tôi đã lựa chọn 16 năm nay, đó chính là: Luôn không ngừng gieo những hạt mầm xanh tươi trên những dải núi quanh co nơi tôi sinh sống. Ở đó, tôi có những em học sinh thân yêu, có những cô học trò luôn cần tôi yêu thương, bảo vệ và tôi mong muốn truyền những cảm hứng tốt đẹp nhất về giá trị người phụ nữ cần được trân trọng trong xã hội của chúng ta.

Phạm Thị Yến  
(Giáo viên trường THCS 19/5 huyện Mai Sơn - tỉnh Sơn La)

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

“Cây cam ngọt của tôi”: Khát khao cháy bỏng được yêu thương?

“Cây cam ngọt của tôi”: Khát khao cháy bỏng được yêu thương?

(PNTĐ) -“Cây cam ngọt của tôi” là một cuốn sách rất đáng để đọc. Liệu chúng ta có thể hiểu rằng, đằng sau dáng vẻ nghịch ngợm của một đứa trẻ là những suy nghĩ vô tư, trong sáng, là trí tưởng tượng phong phú mà chúng tạo ra để cảm nhận được niềm vui? Hay những đòn roi, tổn thương mà chúng không đáng được nhận? Đọc cuốn sách, ta như có sự đồng cảm dành cho những đứa trẻ khao khát được yêu thương.
“Trái tim đàn bà” - Phụ nữ yêu thương từ những điều vụn vặt

“Trái tim đàn bà” - Phụ nữ yêu thương từ những điều vụn vặt

(PNTĐ) -Người ta nói, tản văn là ngôn ngữ của trái tim. Đọc những trang viết trong Trái tim đàn bà của Nguyễn Quỳnh Hương, là đi lạc vào trái tim chị với nhiều chiều của nó, nhưng lớn hơn cả là sự nồng ấm, dịu dàng. Chị tinh tế và nhiệt thành trong cách bày biện những câu chuyện của mình. Viết một cách say mê về những điều nhỏ nhặt. Mà những điều nhỏ nhặt ấy lại rất đàn bà.