Thế giới tuổi thơ đầy mộng mơ
PNTĐ-“Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” đã mở ra trước mắt tôi một thiên đường mới. Tác giả Nguyễn Nhật Ánh đã giúp người đọc tìm lại những hồi ức bị lãng quên...
Có những cuốn sách đọc rồi sẽ quên, nhưng cũng có không ít cuốn sách đọng lại những ấn tượng khó phai trong lòng người đọc khi đã gấp lại những trang viết. Đơn giản, vì nó mang con người đến với những chân trời mới. Với tôi, “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” chính là một cuốn sách như thế.
Tôi tin rằng, những ai đã, đang và sắp đọc cuốn sách này đều sẽ không thể quên được thế giới đầy mộng mơ, tuổi thơ hồn nhiên tich nghịch dưới con mắt của một cậu bé tám tuổi. Cái thế giới ấy chẳng hề xa hoa, bí ẩn hay kì diệu như trong những câu chuyện cổ tích mà thật gần gũi, gắn liền với kí ức tuổi thơ của mỗi đứa trẻ. Đó chính là góc khuất thầm kín trong tâm hồn, là những kí ức chân thật nhất, là tấm gương rọi vào quá khứ, phản chiếu lại biết bao kỉ niệm của một thời thơ ấu đã qua.
Nguyễn Nhật Ánh đã tặng mỗi người đọc một tấm vé để lên con tàu đặc biệt đó, để mỗi chúng ta có thể tìm lại trang sách thời gian nhuốm màu dĩ vãng, trở lại kí ức trong trẻo của tuổi thơ để gột rửa hết những bụi bặm, những lo toan, những bế tắc, những phù phiếm ở thế giới của người lớn. Đừng ai nghĩ rằng đây là cuốn sách vô vị tẻ nhạt chỉ dành cho bọn con nít mà đánh mất đi cơ hội được tìm lại chính mình, tìm về với những ước muốn giản dị mà vô cùng quý giá. Đúng như lời tác giả khẳng định ở mặt sau cuốn sách: “Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai đã từng là trẻ em”.
![]() |
Cuốn sách là câu chuyện về bốn “ông bà cụ non” khoác trên mình màu áo ngây ngô trẻ con: cậu bé Mùi (nhân vật “tôi”), con Tí sún, thằng Hải cò, cô Tủn- hoa khôi của xóm. Hành trình những đứa trẻ ấy trưởng thành đôi lúc mờ ảo như màn sương đêm, đôi lúc lại chân thực, rõ nét đến ngây người. Nó không phải là một hồi ức rực rỡ, đầy ánh hào quang mà chỉ là một nỗi buồn không có nguồn gốc với cuộc sống cũ kĩ cứ lặp đi lặp lại theo một vòng tuần hoàn tẻ nhạt. Hơn tất cả, nét tinh nghịch của cậu bé lên tám còn thể hiện qua những năm tháng mài đũng quần trên ghế nhà trường. Niềm vui duy nhất chính là những lần cãi cọ, tán phét, cấu véo nhau hay chọn những góc tối tăm để không phải lên trả bài.
Có lẽ ai đó cũng đang giật mình xen lẫn ngượng ngùng khi bất chợt gặp lại chính mình của một thời như đã xa xôi lắm. Tôi không quan tâm bạn có chấp nhận điều đó hay không, vì ở cái tuổi ham chơi ấy, đi học như một nghĩa vụ giam cầm ta trước sự hấp dẫn của bao trò chơi … Tôi và rất nhiều người bạn khác đã đánh mất nhiều bài học bổ ích, nhưng tôi chưa từng bao giờ chối bỏ tuổi thơ đó. Chẳng ai là hoàn hảo, nếu bạn không đủ dũng cảm nhìn nhận quá khứ, chấp nhận sai sót thì bạn cũng chỉ đang lừa dối chính mình, đang tự xây cho mình một vỏ bọc giả tạo. Chẳng phải nhà văn đã nói: “Để sống tốt hơn, đôi khi chúng ta phải học làm trẻ con trước khi làm người lớn” thật thấm thía đó sao?
Tác giả đã sử dụng những lời lẽ dường như giễu cợt, bông đùa để tác động đến người đọc, đặc biệt là những bậc cha mẹ. Đó là lời than thở của cu Mùi: “Tóm lại, người lớn thường cho phép mình làm tất cả những gì mình thích, kể cả những ý thích rất là vớ vẩn và cấm trẻ con làm tất cả những gì họ không thích, và sự cấm cản của họ nhiều khi cũng vớ vẩn nốt.” Chỉ vì quá thương con mà cha mẹ thường áp đặt con mình vào những điều tốt đẹp và tránh xa cạm bẫy.
Cũng vì thế mà cha mẹ luôn tự cho mình quyền tước đi sự tự do, sự thất bại của con trẻ và ép chúng vào một khuôn mẫu hoàn hảo chỉ mang lại sự vui vẻ, sung túc. Nghe có vẻ nghịch lý nhưng các bạn chỉ cần nghĩ đơn giản thôi: có món ăn nào dù ngon đến mấy mà bạn ăn hoài không thấy chán, có cuộc sống nào luôn bằng phẳng dẫu trải đầy hoa hồng không khiến bạn thấy tẻ nhạt? Mỗi người chỉ sống một lần, ai lại không muốn được nếm trải mọi vị chua cay ngọt đắng trong đời? Có đứa trẻ nào tập đi mà không vấp ngã, học bơi mà chưa từng uống nước, đọc tròn vành rõ chữ mà chưa từng ngọng nghịu? Câu chuyện dường như nhắn nhủ đến người lớn rằng cha mẹ hãy là một bệ phóng để cho con vươn tới tương lai chứ đừng vẽ sẵn cả một đường đi để con chạy tới đích.
“Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” đã mở ra trước mắt tôi một thiên đường mới. Tác giả Nguyễn Nhật Ánh đã giúp người đọc tìm lại những hồi ức bị lãng quên hay vô tình đánh mất đi trong cuộc sống xô bồ, tấp nập này. Ông đã đưa tất cả mọi người đến nhà ga để trở về tuổi thơ hay chính là bắt đầu hành trình tìm lại chính mình. Để rồi, mỗi hình ảnh đều mang cho ta sự ám ảnh về thời gian đã mất cùng với những ngày tháng vui chơi, những người bạn thân thiết và bao ước mơ, khát khao cháy bỏng.
Đọc “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” bằng trái tim trẻ thơ bạn nhé, để ta yêu và trân trọng hơn những năm tháng tuổi thơ này…
Trần Thu Hương
Lớp 8H, THCS Phan Chu Trinh