Vừa nhắm mắt, vừa mở cửa sổ nhìn thế giới

Chia sẻ

PNTĐ-Trong cuốn sách, còn vô vàn những bài học giản dị từ cậu bé 10 tuổi này. Những bài học đều làm trẻ em và người lớn phải có nhiều suy ngẫm...

 
Trong nhịp sống ồn ào, vội vã của cuộc sống hôm nay, đôi khi chúng ta cũng cần dừng lại, tìm đến một nơi nào đó để mua thêm cho mình một chút suy tư, một chút nhớ mong, một chút bình yên cho mình và rồi lại tiếp tục bước đi. Và nơi đó chính là những trang viết trong cuốn sách “Vừa nhắm mắt, vừa mở cửa sổ” của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần.
 
“Vừa nhắm mắt, vừa mở cửa sổ” là truyện của trẻ con với lối viết cổ tích, câu văn đơn giản, trong sáng và đầy cảm xúc. Cuốn sách này đã đoạt giải A trong cuộc vận động sáng tác văn học thiếu nhi năm 2002. Tác phẩm được chia thành nhiều truyện ngắn. Mỗi mẩu chuyện nho nhỏ tuy chỉ là những việc thường ngày, chẳng mấy khác lạ trong đời thường nhưng lại mang đến ý nghĩa thật sâu sắc và thú vị. Cả câu chuyện là cảm nhận của cậu bé 10 tuổi bình thường, giống như những đứa bạn đồng lứa tuổi với thế giới xung quanh.
 
Vừa nhắm mắt, vừa mở cửa sổ nhìn thế giới - ảnh 1
 
Cậu bé ấy kể về chính mình, về những người thân, thầy cô, bạn bè, hàng xóm và những việc xảy đến xung quanh cậu… Có lẽ chính vì cái bình thường, giản dị, hồn nhiên của cậu bé đã tạo nên một sức cuốn hút đến lạ thường, đưa người đọc sống lại cái tuổi thơ vô tư, hồn nhiên, đáng yêu của mình. Những mẩu chuyện ngắn trong cuốn sách không hề vô vị, chúng đã mang lại cho chúng ta những bài học quý giá về cách ứng xử, tình yêu thương…
 
Bài học đầu tiên của cậu bé đó là sự tự tin. Cậu bé có một cái răng khểnh và rất đau khổ khi bị các bạn trêu. Từ đó, cậu ấy rất buồn và cảm thấy thật bất công về những khiếm khuyết trên cơ thể mình. Đọc truyện, chúng ta như soi mình vào gương và thấy rằng cậu bé ấy thật giống chúng ta. Chúng ta luôn muốn mình thật đẹp trong mắt mọi người. Nhưng đôi khi chỉ vì một thứ không đúng với ý mình, hay nói cách khác là không trọn vẹn, chúng ta lại mất niềm tin và không dám để mọi người thấy cái thứ không trọn vẹn của mình. Nhưng nhờ sự động viên của bố, cậu bé đã tự tin hẳn lên và thấy hãnh diện về cái răng khểnh của mình. Không những thế, cậu còn nhận ra sự quý giá của sự đầy đủ và cảm thông cho những người có được cơ thể không hoàn thiện.
 
Bài học thứ hai của cậu là sự quan tâm chia sẻ. Cái cách chia sẻ, quan tâm ngây thơ, trẻ con mà ấm áp của cậu bé làm nhiều người lớn phải suy nghĩ: “Tôi vẫn còn nhớ mẹ thường hay nói khi một ai đó buồn… Họ cần chúng ta dẫn họ lên đồi, cuốc một mảnh vườn, và thỉnh thoảng hỏi có thích ăn bắp rang không”.
 
Bài học tiếp theo cậu bé học được là sự yêu thương. Con người ta không thể sống mà không biết yêu thương, không có những người bạn, người thân yêu xung quanh mình. Để rồi mỗi khi một ai đó thân thương ra đi, chúng ta sẽ khóc, cảm thấy trống vắng. Và để hàn gắn lại tình yêu thương sau khi mắc sai lầm, chúng ta phải xin lỗi. Nếu không lỗi lầm sẽ ám ảnh, day dứt chúng ta mãi. Nhưng trong cuộc sống hôm nay, có ai đã dừng lại để đếm lỗi lầm của mình không? Chúng ta nhiều lúc đã quá thờ ơ mà đi qua lúc nào không biết. Nhưng cậu bé trong truyện lại khác, cậu đã nhận ra lỗi của mình, tuy đáng tiếc là cậu đã không kịp xin lỗi.
 
Trong cuốn sách, còn vô vàn những bài học giản dị từ cậu bé 10 tuổi này. Những bài học đều làm trẻ em và người lớn phải có nhiều suy ngẫm. Cái cách “vừa nhắm mắt, vừa mở cửa sổ” để cảm nhận thế giới xung quanh của cậu bé đã in sâu vào lòng người đọc. Không giống như những người khác cảm nhận bằng thị giác, cậu bé nhắm mắt và sử dụng khứu giác, thính giác để thấy vạn vật.
 
Đây quả là một cuốn truyện hay. Tuy truyện dành cho thiếu nhi nhưng người lớn hãy đọc để suy ngẫm và thấy được cái hồn nhiên, trong sáng của tuổi thơ tươi đẹp.    
 
Đỗ Thị Thùy Linh
Lớp 7A, trường Lê Ngọc Hân

Tin cùng chuyên mục

Phát động cuộc thi “Sáng tác cùng dế”: Cơ hội phát huy tài năng sáng tạo cho trẻ em

Phát động cuộc thi “Sáng tác cùng dế”: Cơ hội phát huy tài năng sáng tạo cho trẻ em

(PNTĐ) - Cuộc thi “Sáng tác cùng dế” do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Thời báo Văn học nghệ thuật phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Truyền thông Tri thức số (TTS) và CinePlus phát động hôm 30/3 hứa hẹn trở thành một bệ phóng cho sự sáng tạo và phát triển tài năng của trẻ em Việt Nam, góp phần nâng cao ý thức cộng đồng về văn hóa đọc và văn học nghệ thuật.
“Cây cam ngọt của tôi”: Khát khao cháy bỏng được yêu thương?

“Cây cam ngọt của tôi”: Khát khao cháy bỏng được yêu thương?

“Cây cam ngọt của tôi” là một cuốn sách rất đáng để đọc. Liệu chúng ta có thể hiểu rằng, đằng sau dáng vẻ nghịch ngợm của một đứa trẻ là những suy nghĩ vô tư, trong sáng, là trí tưởng tượng phong phú mà chúng tạo ra để cảm nhận được niềm vui? Hay những đòn roi, tổn thương mà chúng không đáng được nhận? Đọc cuốn sách, ta như có sự đồng cảm dành cho những đứa trẻ khao khát được yêu thương.
“Trái tim đàn bà” - Phụ nữ yêu thương từ những điều vụn vặt

“Trái tim đàn bà” - Phụ nữ yêu thương từ những điều vụn vặt

Người ta nói, tản văn là ngôn ngữ của trái tim. Đọc những trang viết trong Trái tim đàn bà của Nguyễn Quỳnh Hương, là đi lạc vào trái tim chị với nhiều chiều của nó, nhưng lớn hơn cả là sự nồng ấm, dịu dàng. Chị tinh tế và nhiệt thành trong cách bày biện những câu chuyện của mình. Viết một cách say mê về những điều nhỏ nhặt. Mà những điều nhỏ nhặt ấy lại rất đàn bà.