“Hạnh phúc khi con không cần mẹ bên cạnh!”
PNTĐ-Được mẹ động viên, Thịnh hăm hở theo đuổi nghề làm bánh vốn bị cho là chỉ dành cho phái nữ rồi nhanh chóng trở thành một trong những học viên xuất sắc nhất lớp...
“Chỉ cần con học hết phổ thông”
Nguyễn Đức Thịnh ra đời khi gia đình còn nghèo khó. Bà Bùi Phương Thảo - mẹ anh làm công nhân nhà in Tạp chí cộng sản, bố làm công nhân trong một công ty may. Sinh Thịnh được 3 tháng, bà đau xót khi biết tin con bị sẻ hàm ếch bẩm sinh. 6 tháng tuổi, Thịnh lại mắc bệnh đường ruột nguy hiểm, từ đó bệnh viện Nhi T.Ư trở thành nhà thứ hai của anh. Năm 14 tuổi, bà Thảo đưa con đi vá lại miệng ở bệnh viện Tai mũi họng T.Ư. Từ đó, Thịnh bắt đầu nói tròn vành rõ tiếng, nhưng đi liền sau đấy là bệnh tim.
![]() |
Nguyễn Đức Thịnh (áo trắng) cùng các học viên |
Dù con đau ốm liên miên, bà Thảo vẫn cho con đến trường đều đặn. Bà khuyến khích con tập thể thao, khích lệ Thịnh chơi đá bóng cùng bạn bè, ở vị trí thủ môn. Vị trí đó vừa hợp với sức khỏe của Thịnh, vừa thỏa mãn niềm đam mê thể thao của anh. Nó không khiến anh bị lạc lõng trong lớp. Sau mỗi trận đấu bóng, bà Thảo lại hỏi han con, cho con thỏa sức tâm sự đồng thời tập luyện khả năng phát âm, giao tiếp. Ngày Thịnh kết thúc lớp 6, dù con đủ điều kiện lên lớp 7, bà Thảo vẫn cương quyết xin cô giáo cho Thịnh ngồi lại lớp. Bà hiểu hơn ai hết thực lực của con.
Phát hiện ra sở thích nấu ăn của con, ngay sau khi con tốt nghiệp phổ thông, bà Thảo khích lệ Thịnh theo học trường Trung cấp Hoa Sữa. Được mẹ động viên, Thịnh hăm hở theo đuổi nghề làm bánh vốn bị cho là chỉ dành cho phái nữ rồi nhanh chóng trở thành một trong những học viên xuất sắc nhất lớp.
“Bố mẹ chỉ đi cùng con một đoạn đường nhất định”
Ngay khi Thịnh tốt nghiệp trung cấp, bà Thảo đã “đẩy” con lên Sapa làm không công cho trường Hoa Sữa. “Nhiều người lo lắng hỏi tôi, nhỡ Thịnh sẽ đau ốm, vất vả hay kiệt sức ở vùng sâu, vùng xa thì sao? Tất nhiên là tôi lo lắng, nhưng đời sẽ dạy nó nhiều điều hơn những gì gia đình và nhà trường đã dạy. Tôi luôn dạy con đi bằng chính đôi chân của mình, không được đi bằng đầu gối và đầu lưỡi. Bao bọc con chỉ khiến con ỷ lại vào gia đình. Bố mẹ không phải cây cầu cho con đi qua, bố mẹ chỉ đi cùng các con đến một đoạn đường nhất định, rồi con sẽ phải bước tiếp.
Với tôi, các con có nghề nuôi sống bản thân chính là cách thiết thực để chúng trả ơn bố mẹ” – Bà Thảo trải lòng.
Những ngày Thịnh đi làm thuê cho cơ sở làm bánh cách nhà 5-10km. Ngày nào cũng lọ mọ đi từ 3 giờ sáng. “ Nhìn cái dáng gầy gò, bé nhỏ của con đi liêu xiêu trên đường vắng, tôi xót lòng ghê gớm. Nhất là những buổi sáng mùa đông cắt da cắt thịt. Nhưng càng thương con, tôi càng muốn con chiến thắng mọi khó khăn để khôn lớn”.
Gian khó giúp Nguyễn Đức Thịnh ngày càng dày dạn kinh nghiệm, “học lỏm” được nhiều bí quyết của các bậc tiền bối. “Vốn liếng” ấy đủ để Thịnh mạnh dạn mở cơ sở làm bánh cho riêng mình. Bà Thảo chắt chiu tiền, đầu tư cho con mạng máy tính kết nối internet để con trai giao lưu, học hỏi bạn bè. Cái tên nick “Chat A Thinh” dần thân quen, trở thành tên cơ sở làm bánh sau này. Bà Thảo sắm sửa cho con từ cái lò nướng đến cái khuôn bánh, soạn thảo “giáo trình” cho con trai trong buổi dạy đầu tiên: nội dung học là gì, cách xưng hô ra sao, cách tạo không khí thân thiện thế nào… Thịnh dần ra dáng một thầy giáo trưởng thành, vui tính và nhiều kinh nghiệm. Học viên của Thịnh có hàng ngàn người, đến từ mọi vùng miền, với đủ trình độ khác nhau.
Giờ anh đã có sự nghiệp và một mái ấm nhỏ của riêng mình. Bà Thảo mãn nguyện: “Hạnh phúc nhất là lúc này, khi nhìn thấy con trưởng thành và không cần đến bố mẹ bên cạnh”.
Lê Bích