“Hạnh phúc như một giấc mơ”

Chia sẻ

PNTĐ-Với chàng hiệp sỹ công nghệ thông tin khiếm thị Khúc Hải Vân, có hai người phụ nữ làm thay đổi cuộc đời anh, đó là vợ và mẹ.

 
Nên duyên nhờ tình nguyện
 
Khúc Hải Vân (sinh năm 1982) trong một gia đình viên chức nghèo, có 4 anh chị em ở Hà Nội. Vân thiệt thòi hơn cả khi sinh ra đã mắc chứng viêm màng bồ đào bẩm sinh, đôi mắt hỏng hoàn toàn. Lớn lên, Vân được gửi vào trường mù Nguyễn Đình Chiểu và bắt đầu sống tự lập từ đó.  
 
Năm 2003, Vân thi trượt đại học, cũng là lúc anh bắt đầu tiếp cận với công nghệ thông tin. Thế giới internet và chuỗi lập trình sống động đã cuốn hút Vân ngay từ lần đầu tiên. Năm 2005, Vân thi đỗ khoa Văn học, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội. Đó là thời gian Vân đầu tư viết phần mềm. Càng viết, Vân càng bị hấp dẫn. Trung tâm tin học Tia sáng dành cho người khiếm thị ra đời khi đó trở thành nơi kết nối những mảnh đời khuyết tật, kém may mắn, giúp họ có cơ hội tiếp cận với công nghệ thông tin.
 
“Hạnh phúc như một giấc mơ” - ảnh 1
Hai vợ chồng Khúc Hải Vân –
Hoàng Thị Nguyệt Ánh
 
Năm 2006, Vân ứng dụng công nghệ sách điện tử kỹ thuật số phục vụ lợi ích cộng đồng và vinh dự nhận danh hiệu “hiệp sỹ công nghệ thông tin”. Năm 2009, Hải Vân vinh dự nhận Giải thưởng Chim Én – Giải thưởng vinh danh các cá nhân và tổ chức hoạt động thiện nguyện xuất sắc trong năm.
 
Yêu và cưới Nguyệt Ánh cũng là một cái duyên kỳ lạ mà dự án “Website cho người khiếm thị - Tâm hồn Việt Nam” và bộ phận sách nói do Vân khởi động. Ánh vừa du học ở Nga về, lại khao khát được tham gia các hoạt động vì cộng đồng. Được bạn giới thiệu, Ánh đăng ký làm tình nguyện viên cho dự án. Hôm đầu tiên gặp mặt, Ánh đã gây cảm tình với Vân bằng giọng nói nhẹ nhàng, ấm áp của mình.
 
Trong nhóm, Ánh để ý nhiều nhất đến chàng trưởng nhóm khiếm thị hài hước và làm việc đâu ra đó. Cô không ngờ, Hải Vân mất hoàn toàn cảm giác với ánh sáng lại làm được tất cả công việc của người bình thường: đi lại, sinh hoạt, sử dụng máy tính, soạn và viết nhạc, viết phần mềm… Từ những lời chào hỏi, hai người lại chia sẻ về quan niệm sống, chuyện gia đình, tình yêu, khó khăn trong cuộc sống… Tình yêu cứ thế lớn dần lên, nhưng Hải Vân không dám tỏ tình. “Cô ấy là một cô gái xinh đẹp, sáng mắt, lại thành công trong sự nghiệp.
 
Tất cả những gì cô ấy có đều hơn tôi” – Vân chia sẻ. Một đêm trằn trọc không ngủ được, Vân viết một bài thơ có đoạn: “… Ở nơi nào mà anh chẳng có em/ Cả khi ngủ nữa là khi thức/ Anh đưa tay chạm vào hạnh phúc/ Trái táo hồng treo giữa những cành êm/ Em là ban mai, là chiều vắng, là đêm”.  
 
Bài thơ được Hải Vân ghi lại bằng chất giọng ấm áp của mình trên nền nhạc du dương rồi gửi vào  mail cho Ánh.

Hạnh phúc mang tên Sẻ chia
 
Hai năm yêu nhau, trải qua những thăng trầm, không ít lần nói lời chia tay vì vấp phải sự phản đối quyết liệt của gia đình Ánh, hai người mới đến được với nhau. Đám cưới hạnh phúc diễn ra vào tháng 3/2012, dưới sự chứng kiến của hai bên gia đình và đông đảo bạn bè. Cứ sáng sớm, Ánh lại đưa Vân đến nơi làm rồi vòng về cơ quan mình.
 
Thỉnh thoảng buổi tối, hai vợ chồng dắt tay nhau đi dạo, cảm nhận hạnh phúc ngập tràn. Vân cười: “Tôi không hình dung được khuôn mặt vợ tôi như thế nào, nhưng tôi hình dung vẻ đẹp trong tâm hồn cô ấy. Ánh là cô gái dịu dàng và nữ tính nhất mà tôi từng gặp. Cô ấy biết cách để tôi cảm nhận được điều đó. Chỉ một bàn tay đặt lên vai, một cử chỉ âu yếm hay chỉ cần lướt ngang qua, ngồi yên lặng, tôi cũng có thể cảm nhận được cô ấy đang nhìn tôi như thế nào. Hạnh phúc tôi đang có giống như một giấc mơ vậy”.
 
Hai thế giới khác biệt nhau về lối sống, sở thích nhưng lại ghép thành một “cặp đôi hoàn hảo”. Ánh là con út nên được cưng chiều từ bé, lại quen với cách sống phương Tây nên hầu như không biết nấu cơm. Gia đình Vân lại nặng về lễ nghĩa. Cũng may, mẹ chồng là người thấu hiểu, nên cảm thông và giúp Ánh hoàn thành tốt trách nhiệm làm vợ, làm dâu con.
 
Vân đã tìm thấy ánh sáng trong cuộc đời mình, thứ ánh sáng bền bỉ tỏa ra từ tâm hồn bằng những yêu thương và kết nối ấm áp trong cộng đồng... Căn nhà nhỏ trên phố Khâm Thiên có nhiều thế hệ sinh sống luôn đầy ắp tiếng cười. Hai vợ chồng đang có kế hoạch sinh con trong năm tới.

Hồng Nhung

Tin cùng chuyên mục

Nhà vắng người giúp việc

Nhà vắng người giúp việc

(PNTĐ) - Mấy hôm nay, Mai mong cô giúp việc như mong mẹ về chợ. Vậy mà tối nay cô giúp việc lại nhắn tin báo: “Tôi xin phép lên muộn thêm mấy ngày nữa vì ở quê chưa xong việc nhà, cô thông cảm nhé”.
Khi công nghệ số “thắp lửa” hạnh phúc gia đình

Khi công nghệ số “thắp lửa” hạnh phúc gia đình

(PNTĐ) - Những màn hình cảm ứng, mã QR, ứng dụng điện tử hay những “tin thật - tin giả” trở thành chủ đề hàng ngày trong các gia đình ở Hà Nội. Từ phong trào “Bình dân học vụ số”, điện thoại không đơn thuần chỉ là để chụp ảnh, gọi điện, mà còn mở ra một không gian, nơi các thế hệ trong gia đình xóa dần khoảng cách, cùng nhau bước trên nhịp cầu số hóa.
Hè cùng con đọc sách

Hè cùng con đọc sách

(PNTĐ) - Đồng hành cùng con, nhất là vào thời gian hè là điều nhiều cha mẹ quan tâm. Chị Trần Dung (Hưng Yên) vừa là mẹ, vừa là gia sư đã giúp con có mùa hè thoải mái nhưng vẫn bổ ích. Và cách chị chọn chính là trang bị cho con thói quen yêu thích đọc sách trong hè.
Chuyện người gieo mầm hiếm muộn

Chuyện người gieo mầm hiếm muộn

(PNTĐ) - Gần 15 năm “bén duyên” với nghề “làm cha” của những đứa trẻ thụ tinh từ ống nghiệm, BSCKI Phạm Văn Hưởng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội không nhớ đã có bao nhiêu cặp gia đình được anh hỗ trợ “kiếm con”.