Kỷ luật không nước mắt

Chia sẻ

PNTĐ-90% cha mẹ thú nhận sử dụng đến đòn roi và những lời dọa nạt để dạy cọn. Có lẽ vì thế, khái niệm “Kỷ luật không nước mắt” khiến phần lớn cha mẹ hào hứng và… hoài nghi.

 
Nuôi dạy con trong áp lực
 
Có một điểm khác nhau rõ ràng, dễ thấy giữa cha mẹ Việt và cha mẹ “Tây”, mong muốn của cha mẹ Việt khi dạy con là muốn con phải nghe lời, trái lại, cha mẹ “Tây” chỉ mong con họ sẽ hợp tác với mình. Xuất phát từ mong muốn đó, thay vì trao đổi, lắng nghe, tìm hiểu tâm trạng, sở thích, thói quen của con để tìm cách thương lượng và thỏa hiệp, cha mẹ Việt thường áp đặt, ra lệnh và… “dùng bạo lực” để con phải nghe lời và tuân theo những quy tắc và “luật lệ” mà bố mẹ chúng đặt ra.
 
Kỷ luật không nước mắt - ảnh 1
Ảnh minh họa
 
Thêm vào đó, vây quanh cha mẹ Việt là quá nhiều áp lực, áp lực đến từ chính bản thân bố mẹ khi họ mong con lớn lên tài giỏi xuất chúng, phải “bằng bạn bằng bè”, áp lực đến từ ông bà, từ thầy cô giáo, từ những người lạ, từ môi trường, lối sống; cha mẹ Việt đang “đặt” lên đôi vai tí hon của những đứa trẻ những kỳ vọng quá lớn lao và to tát, không như cha mẹ phương Tây, họ chỉ mong con cái khỏe mạnh, thích một món ăn nào đó, hay cười, thân thiện với mọi người… những “kỳ vọng” tưởng như hết sức tầm thường và vặt vãnh.
 
Chính những sự khác biệt cốt lõi đó tạo nên quan điểm dạy con của bố mẹ chứ không phải những kiến thức nằm trong sách vở hay các bài báo khoa học. Và để áp dụng “kỷ luật không nước mắt” với con, bố mẹ trước hết cần cởi bỏ những áp lực cho chính mình.

Đối đầu hay đối thoại?
 
Trong buổi nói chuyện về chủ đề “Kỷ luật không nước mắt” gần đây, diễn giả Trần Thị Ái Liên, một chuyên gia có hơn 6 năm làm việc cùng Viện Nhi khoa Hoa Kỳ đã chia sẻ một vài phương pháp khá cụ thể để bố mẹ đạt được mục đích của mình mà không phải dùng đến roi vọt hay bạo lực với con.
 
Theo chị, “thần chú” mà các cha mẹ luôn cần phải nhớ là: “Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho con”; hãy luôn coi con là một người bạn chứ đừng biến con thành “nô lệ” tuân theo mọi nguyên tắc và khẩu lệnh của mình. Bởi vì, một đứa trẻ bị áp đặt có thể sẽ là một em bé biết vâng lời, nhưng một đứa trẻ được dạy dỗ trên nền tảng tôn trọng cá nhân và bình đẳng của bố mẹ sẽ được hình thành ý thức và quan điểm cá nhân rất tốt, biết lựa chọn đúng sai, tốt xấu để lớn lên tự chủ và độc lập.
 
Để làm bạn với con, bạn nên có những quy tắc ứng xử, sinh hoạt rõ ràng trong gia đình và chính mọi người trong nhà phải là tấm gương thực hành những nguyên tắc đó, vì nêu gương tốt là một trong những nguyên tắc giáo dục trẻ hiệu quả hàng đầu.
 
Nếu bạn muốn can thiệp vào những hành động của con, hãy luôn dành thời gian thông báo và chuẩn bị tinh thần cho con rồi mới can thiệp để bé biết mình được tôn trọng và ý thức rõ hơn được việc mình phải làm. Đừng nổi khùng nếu con bạn khóc khi bị can thiệp, hãy cho con quyền được khóc, vì khóc là cơ chế sinh tồn của bé, nên để cho bé khóc qua cơn tức giận rồi giải thích, chia sẻ với bé sau đó, không nên dồn dập “gửi” tới bé quá nhiều thông điệp và lời răn dạy khi bé không đủ bình tĩnh và nóng giận.
 
Để bé học cách chịu trách nhiệm, hãy để cho bé học cách tự quyết định và biết cách lựa chọn, đừng luôn chỉ cho bé một sự lựa chọn duy nhất, hay đưa ra nhiều sự lựa chọn cho bé và khi bé đã chọn thì hãy tôn trọng quyết định của bé và dũng cảm để bé tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình, việc đó sẽ giúp bé ý thức được hậu quả của việc mình làm, điều này giúp bé khi lớn sẽ luôn nghĩ đến hậu quả trước khi quyết định làm một việc gì đó.
 
 Một vài kinh nghiệm dạy con thú vị
 
- Không nên so sánh con với bạn bè để con cảm thấy mình yếu kém.
- Nên lược bỏ chủ ngữ trong các cảnh báo với con, ví dụ: thay vì nói “Con đừng nghịch bẩn”, “Con khóc nhè hư quá”… chỉ nên nói “Đừng nghịch bẩn, con nhé!”… sẽ giúp bé ý thức được hành động xấu, hành động nào không nên làm thay vì tạo cho bé cảm giác bé là một em bé không ngoan và hay mắc lỗi.
- Hãy cùng con xây dựng các quy tắc (thời gian biểu, thời khóa biểu) của gia đình và khi bé đã được góp ý kiến của mình thì việc bạn hướng bé đến các quy tắc đó sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
- Đừng “xâm phạm” các quyền con người của bé, ví dụ điển hình là cấm bé ăn, cấm bé chơi, dọa sẽ bỏ rơi bé…
- Những lúc con phản đối, khóc ăn vạ, hãy im lặng và giúp bé ngồi yên một chỗ để bình tĩnh lại. Sau đó mới tiếp tục giảng giải và thương lượng.
- Không “hối lộ” con theo kiểu ăn cháo ngoan mẹ sẽ thưởng kem hay học ngoan mẹ sẽ mua cho con cặp mới… Bé sẽ không thể hiểu được bản chất của hành động mà mình làm mà chỉ đơn giản là thỏa hiệp để đạt được cái mình muốn.

 

Hoài Anh

Tin cùng chuyên mục

Nhà vắng người giúp việc

Nhà vắng người giúp việc

(PNTĐ) - Mấy hôm nay, Mai mong cô giúp việc như mong mẹ về chợ. Vậy mà tối nay cô giúp việc lại nhắn tin báo: “Tôi xin phép lên muộn thêm mấy ngày nữa vì ở quê chưa xong việc nhà, cô thông cảm nhé”.
Khi công nghệ số “thắp lửa” hạnh phúc gia đình

Khi công nghệ số “thắp lửa” hạnh phúc gia đình

(PNTĐ) - Những màn hình cảm ứng, mã QR, ứng dụng điện tử hay những “tin thật - tin giả” trở thành chủ đề hàng ngày trong các gia đình ở Hà Nội. Từ phong trào “Bình dân học vụ số”, điện thoại không đơn thuần chỉ là để chụp ảnh, gọi điện, mà còn mở ra một không gian, nơi các thế hệ trong gia đình xóa dần khoảng cách, cùng nhau bước trên nhịp cầu số hóa.
Hè cùng con đọc sách

Hè cùng con đọc sách

(PNTĐ) - Đồng hành cùng con, nhất là vào thời gian hè là điều nhiều cha mẹ quan tâm. Chị Trần Dung (Hưng Yên) vừa là mẹ, vừa là gia sư đã giúp con có mùa hè thoải mái nhưng vẫn bổ ích. Và cách chị chọn chính là trang bị cho con thói quen yêu thích đọc sách trong hè.
Chuyện người gieo mầm hiếm muộn

Chuyện người gieo mầm hiếm muộn

(PNTĐ) - Gần 15 năm “bén duyên” với nghề “làm cha” của những đứa trẻ thụ tinh từ ống nghiệm, BSCKI Phạm Văn Hưởng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội không nhớ đã có bao nhiêu cặp gia đình được anh hỗ trợ “kiếm con”.