Làm bố đơn thân: Một vai... mười gánh

Chia sẻ

PNTĐ-"Làm bố đơn thân thì một vai phải gánh tới... mười gánh". Đó là lời tâm sự của hai trong số những người đàn ông chấp nhận làm single dad (người bố đơn thân) mà tôi biết.

 
Trước cái chết, chỉ nghĩ về con
 
Cho tới tận bây giờ mỗi lần nhắc đến giải thưởng "Người đàn ông được yêu thích nhất" của CLB Tâm Giao là tất cả hội viên đều nhớ đến anh Vũ Mạnh Ca (P. Xuân La, Q. Tây Hồ, HN). Đó là một người đàn ông đặc biệt không chỉ bởi tài ăn nói, năng nổ trong các hoạt động của CLB, sống chân tình, tốt bụng; mà còn là một ông bố đơn thân hiếm thấy.
 
 Cách đây hơn 10 năm, vợ anh Ca đột ngột ra đi sau một tai nạn giao thông để lại cho anh bốn đứa con (hai trai, hai gái) còn nhỏ dại. Nỗi đau mất vợ quá lớn khiến anh có lúc tưởng như ngã gục. Ai cũng nghĩ anh sẽ phải tìm một phụ nữ về chung sức nuôi dạy các con và bầu bạn trong cuộc sống thế nhưng anh quyết ở vậy.
 
Làm bố đơn thân: Một vai... mười gánh - ảnh 1
Ông Bính – người bố đơn thân “hoàn hảo”
 
 Anh bán nhà ở trong phố, lấy tiền ra ngoại thành mua đất làm nhà và dồn vốn mở một cửa hàng cơ khí nhỏ để làm kế sinh nhai cho năm bố con. Có tay nghề, anh nhận làm gia công ốc vít, đồ gia dụng bằng inox. Vừa lo kinh tế, vừa thực hiện vai trò làm cả cha lẫn mẹ khâu vá quần áo cho các con, nấu nướng, giặt giũ, vậy mà anh vẫn âm thầm vượt qua tất cả. Thương cảnh "gà trống nuôi con", Ban chủ nhiệm CLB Tâm Giao đã vài lần giới thiệu một số hội viên nữ cùng hoàn cảnh nhưng anh chỉ dừng lại ở việc kết bạn giao lưu. Lý do duy nhất của anh là: "nếu đi bước nữa mấy đứa trẻ sẽ thiệt thòi. Bởi có vợ thì phải thêm trách nhiệm mới và san sẻ tình cảm".
 
Cách đây ba năm, anh phát hiện ra mình mắc bệnh ung thư và bí mật giấu bệnh để các con khỏi lo lắng. Một lần vào viện thăm anh, Ban chủ nhiệm CLB Tâm Giao đã lặng đi khi anh tiết lộ ý nghĩ muốn tự vẫn. Anh bảo đã tính kỹ rồi, gia tài hiện có của anh khoảng hơn 1 tỷ đồng, nó sẽ giúp bốn đứa con ổn định cuộc sống sau này thay vì đổ hết vào chữa chạy căn bệnh ung thư không có cơ hội sống cho anh. Phải khó khăn lắm, Ban chủ nhiệm mới thuyết phục được anh từ bỏ ý nghĩ đó mà yên tâm chữa bệnh. Năm 2011, trước khi ra đi người bố đơn thân này vẫn nặng mang nỗi lo cho con cái dù giờ đây các con anh đã có thể tự lập vững vàng trong cuộc sống.
 
Sau mỗi câu thơ là người phụ nữ vô hình
 
Trong căn nhà vắng ở ngõ 328, Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, HN) ông Lê Sỹ Bính ngồi thả hồn vào những câu thơ do mình sáng tác bên cạnh những lồng chim đủ chủng loại. Đó là niềm vui mà ông bố đơn thân khiếm thị tự tạo ra cho mình để làm phong phú cuộc sống trong ngôi nhà vắng.
 
 Cưới nhau năm 1973, đôi vợ chồng khiếm thị ấy đã để lại cho người thân không ít lo lắng, bởi ba đứa con (hai gái, một trai) ra đời sau đó. Người ta lành lặn nuôi con còn khó, đằng này lại khiếm thị. Ấy thế nhưng, họ vẫn vượt qua mọi khó khăn cùng nhau làm lụng nuôi con. Tạo hoá không cho họ đôi mắt tinh tường nhưng đền bù lại sự nhạy cảm ở những giác quan khác, vậy nên cuộc sống của họ vẫn ổn trong sự khâm phục của mọi người. Bất ngờ, năm 2002, vợ ông đổ  bệnh rồi qua đời.
 
"Vợ mất, cảm giác như mình đi trên cuộc đời chỉ còn một chân, ba đứa con nói là lớn nhưng chưa đứa nào tự lập được. Thương con, không muốn cuộc sống của chúng xáo trộn bởi cảnh “dì ghẻ con chồng”, tôi chấp nhận sống một mình nuôi con. Làm mẹ đơn thân chỉ một vai hai gánh nhưng làm bố đơn thân phải gánh đến... mười gánh" - Ông Bính tâm sự.
 
Giờ đã là 10 năm làm bố đơn thân, thời gian đó đối với ông thật dài. Cũng có không ít người muốn về bầu bạn, đỡ đần, nhưng ông đều từ chối. Con trưởng thành, lựa chọn nghề nghiệp, lập gia đình... Hành trang người bố này dành cho con là tấm lòng tận tuỵ, tình yêu thương vô bờ bến. Những bữa cơm của người cha nấu cho các con sau mỗi ngày học tập, làm việc trở về luôn sẵn sàng và ngon lành. Nhà cửa vẫn được ông lần mò lau dọn gọn gàng để các con cảm giác bình yên, thoải mái nhất mỗi lần trở về tổ ấm.
 
Ba đứa con đều hiểu lòng bố, ngoan ngoãn học hành giờ đều nên người. “Con cả lấy chồng ở Quảng Ninh mở công ty thuỷ sản làm ăn rất tốt, con cái, vợ chồng sống hạnh phúc. Thằng hai cũng đã lập gia đình, hai vợ chồng làm công ty nhà nước, sinh được hai cháu trai. Cô út hiện đang làm việc ở bên Úc, thường xuyên gọi điện về thăm bố" - ông Bính tự hào.
 
Hơn 70 tuổi, giờ ông không còn phải bận tâm lo mưu sinh bởi các con đã có thể lo cho bố đầy đủ. Khi nghe tôi hỏi về việc ông đã bao giờ có ý định sẽ tìm bạn tri kỷ trong tuổi xế chiều, ông cười thú nhận: "Phụ nữ đơn thân khi về già dễ tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống, họ có thể lấy việc chăm cháu, giúp đỡ các con để làm vui. Nhưng đàn ông thì khó, vậy nên rất nhiều người vẫn cần bạn già bên cạnh để bầu bạn và chăm sóc cho mình, tôi cũng không nằm ngoài số đó. Tuy nhiên khi mình chấp nhận sống trọn vẹn cho con rồi thì phải hi sinh hạnh phúc cá nhân thôi”.
 
Niềm vui của ông bây giờ là tham gia vào Hội người mù của quận làm thơ, nuôi chim, hoặc tìm đến thăm thú bạn bè. Nghe ông đọc lại những bài thơ sáng tác mới thấy hết nỗi niềm khao khát và sự hi sinh thầm lặng của người cha đơn thân nuôi con bao năm nay. Bởi đằng sau mỗi câu thơ của ông đều có hình bóng của một người phụ nữ vô hình trong đó, lặng lẽ chia sẻ với ông niềm vui cũng như nỗi cô đơn hàng ngày.
 
Thế mới biết làm cha đã khó, làm cha đơn thân sống vì con cho đến tận cuối đời lại càng gian nan hơn bao giờ hết. Điều đáng trân trọng là dù khó khăn và gian khổ, họ không hề thua kém phụ nữ trong việc tạo cho con cái một tổ ấm đầy tình yêu thương cũng như làm chỗ dựa vững chắc, tin cậy cho con vững bước trên đường đời.
Hạ Thi

Tin cùng chuyên mục

Nhà vắng người giúp việc

Nhà vắng người giúp việc

(PNTĐ) - Mấy hôm nay, Mai mong cô giúp việc như mong mẹ về chợ. Vậy mà tối nay cô giúp việc lại nhắn tin báo: “Tôi xin phép lên muộn thêm mấy ngày nữa vì ở quê chưa xong việc nhà, cô thông cảm nhé”.
Khi công nghệ số “thắp lửa” hạnh phúc gia đình

Khi công nghệ số “thắp lửa” hạnh phúc gia đình

(PNTĐ) - Những màn hình cảm ứng, mã QR, ứng dụng điện tử hay những “tin thật - tin giả” trở thành chủ đề hàng ngày trong các gia đình ở Hà Nội. Từ phong trào “Bình dân học vụ số”, điện thoại không đơn thuần chỉ là để chụp ảnh, gọi điện, mà còn mở ra một không gian, nơi các thế hệ trong gia đình xóa dần khoảng cách, cùng nhau bước trên nhịp cầu số hóa.
Hè cùng con đọc sách

Hè cùng con đọc sách

(PNTĐ) - Đồng hành cùng con, nhất là vào thời gian hè là điều nhiều cha mẹ quan tâm. Chị Trần Dung (Hưng Yên) vừa là mẹ, vừa là gia sư đã giúp con có mùa hè thoải mái nhưng vẫn bổ ích. Và cách chị chọn chính là trang bị cho con thói quen yêu thích đọc sách trong hè.
Chuyện người gieo mầm hiếm muộn

Chuyện người gieo mầm hiếm muộn

(PNTĐ) - Gần 15 năm “bén duyên” với nghề “làm cha” của những đứa trẻ thụ tinh từ ống nghiệm, BSCKI Phạm Văn Hưởng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội không nhớ đã có bao nhiêu cặp gia đình được anh hỗ trợ “kiếm con”.