Nghệ thuật "thu nhỏ" mâu thuẫn
ĐSGĐ-Thay vì “chuyện bé xé ra to”, tại sao mỗi cặp vợ chồng khi có mâu thuẫn không thử làm ngược lại. Mâu thuẫn lớn “thu” thành mâu thuẫn nhỏ, mâu thuẫn nhỏ “xé ra” thành… không có gì.
Đến gặp chuyên gia tư vấn hôm đó là một phụ nữ trẻ. Cô năm nay mới 33 tuổi còn chồng cô 39 tuổi. Cưới nhau được 10 năm, họ đã có hai mặt con đủ nếp, tẻ. Những tưởng hạnh phúc vậy là đủ đầy nhưng dần dần, tình cảm giữa họ bắt đầu trục trặc. Nhịn mãi, nấn ná mãi cho tới lần cãi nhau đó, cả hai cùng không chịu được nữa. Giọt nước tràn ly, họ ký đơn ly hôn cái roẹt. Ngày hôm sau đem đơn tới tòa án thì hôm trước người vợ tới phòng tư vấn tâm lý. Để tránh bị “hiểu lầm”, chị thanh minh luôn: “Em đến không phải vì ân hận đâu nhé. Em chẳng sợ gì mà không ly hôn. Điều em muốn được nghe tư vấn là nên ứng xử thế nào với các con. Em sẽ nói với chúng ra sao về việc bố mẹ sắp tan đàn xẻ nghé”.
![]() |
Ảnh minh họa |
“Trước khi đưa ra lời khuyên, nếu không phiền, em có thể cho tôi biết nguyên nhân hai vợ chồng em ly hôn được không? Giống như bác sỹ, để có thể bốc thuốc đúng, chúng tôi cần biết nguồn gốc gây bệnh?”- tôi nói với khách hàng.
“Vâng, em chẳng ngại gì cả. Đã quyết ly hôn thì còn gì mà xấu hổ, che đậy nữa. Nhưng, để cho em nghĩ xem bắt đầu từ đâu bởi mọi thứ đều lặt vặt, chẳng ra đâu vào đâu để mà kể cho rõ ràng cả”-người phụ nữ đáp.
Hai vợ chồng cô lấy nhau trên cơ sở tình yêu. Nhưng, như cô trình bày, nếu xét về can, mệnh thì họ lại rất xung khắc. Anh là mệnh Mộc, còn cô là mệnh Hỏa. Hai vợ chồng cô lại nằm trong tứ hành xung. Trong cuộc sống hàng ngày, anh thích nóng thì cô thích lạnh, anh thích phim hành động thì cô yêu phim tâm lý Hàn Quốc. Anh thích ăn đồ quay rán thì cô thích luộc, hấp… Tóm lại là ông chẳng bà chuộc, chẳng đâu vào đâu. “Ngày trước, vì yêu mà chúng tôi bỏ quá cho nhau. Nhưng, sau này, khi đã có hai mặt con, tình yêu nhạt dần thì sự khắc khẩu, khắc tính ấy lại khiến cả tôi và anh ta lúc nào cũng như hai con thú, chỉ chực xông vào nhau”-cô nói.
Để minh họa cho điều đó, cô kể lại một trong số rất nhiều lần cãi vã giữa hai vợ chồng. Chuyện nào có gì. Buổi tối, hai vợ chồng vẫn còn rất ngọt ngào với nhau. Rồi anh nhờ cô “mát xa mát gần” vì cả ngày đi làm, anh thấy xương khớp trong người có vấn đề. Vừa hay lúc đó cô mới thay chiếc váy xa tanh màu hồng mới mua, nửa kín nửa hở rất chi là duyên dáng. Cô còn đang ngất ngây nghĩ đến “hồi kết” lãng mạn đêm nay thì đột nhiên anh túm lấy bàn tay cô, khụt khịt cãi mũi. Rồi anh hét lên: “Tay em tanh quá”.
Quả là tối hôm đó, cô nấu món canh cá. Đôi tay làm bếp làm sao tránh khỏi dính mùi nọ, vị kia. Cô cũng đã chú ý rửa sạch tay chân nhưng không hiểu sao, anh vẫn chê có mùi. Từ chỗ dịu dàng như cô tiên, sau lời chê bôi của anh, cô bỗng thấy mình “quê quê”. Thế là cô nổi sung lên: “Tay tôi tanh đấy. Tôi bẩn đấy. Nhưng đôi tay này lam lũ cả ngày chứ không như anh, chỉ ăn trắng mặc trơn”. Nghe vậy, anh lập tức vằn mắt quát lại: “Tôi ăn trắng mặc trơn lúc nào. Không có tôi lăn lưng làm việc thì cái nhà này treo niêu lâu rồi. Chỉ có cô là vô ơn, là loại gái khinh chồng”. Thế là từ một chuyện nhỏ là cái tay có mùi tanh, câu chuyện đã được đẩy đi một hướng khác. Kết quả hôm đó, hai vợ chồng cô mỗi người một phòng, cái váy xa tanh bị cô cởi ra và vứt luôn vào… sọt rác.
![]() |
Ảnh minh họa |
Gần 10 ngày sau vợ chồng cô vẫn còn chiến tranh lạnh. Những vụ cãi nhau như thế giữa hai vợ chồng cô không hiếm. Lại một lần khác xảy ra giữa bữa cơm tối. Anh vừa bưng cơm lên miệng, nhai được mấy miếng bèn chê cơm cô nấu hơi nát. Ức vì đã làm việc vất vả, chồng không khen thì thôi còn chê bai, cô đốp luôn: “Vợ anh già rồi, bây giờ phải ăn cơm nát chứ không như ai đó, ăn tiệc ngập răng rồi bây giờ về nhà chê bôi”.
Mặc dù cô không nói rõ “ai đó” là ai nhưng chồng cô cũng đủ thông minh để hiểu vợ đang ám chỉ mình. Anh bèn đặt bát cơm xuống bàn, hỏi lại: “Cô bảo ai ăn tiệc ngập răng. Tôi đây chưa nhẫn tâm tới mức chỉ biết hưởng thụ cho riêng mình nhé”. Không hưởng thụ sao càng ngày anh càng béo trắng ra, lại còn mỡ máu nữa. Vợ anh nhé, cứ ăn cơm đều đặn ở nhà thì có cho tiền cũng không mắc bệnh được”. “Cái bệnh mỡ máu” mà cô đem ra chỉ trích anh ấy-vừa được anh phát hiện trong đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ ở cơ quan. Mới hôm qua, cô hãy còn an ủi và nhờ người mua lá về đun chữa bệnh cho anh, nay đã trở thành vũ khí để cô “đâm” bạn đời.
Bữa cơm tối hôm đó lẽ ra vui vẻ thì lại trở thành thảm kịch. Anh hất tung mâm bát ra sàn. Hai đứa trẻ khóc không thành tiếng…
Cho tới cái lần cãi nhau cuối cùng này thì họ quyết định ly hôn. Giọt nước tràn ly cũng chẳng có gì lớn. Buổi chiều, cô nhắn tin cho anh đón con vì cô bận họp. Anh nhắn lại là anh cũng bận, em nhờ bà ngoại đón giúp vậy. Thế là cô cay cú, cô nghĩ rằng cả năm mình đón con không sao, nhờ chồng có một hôm mà “lão ý” dám sai luôn bà ngoại. Cô nhắn lại: Anh chết đi. Cái nhà này không cần một người vô tích sự như anh. Chồng cô đáp: Cô láo vừa thôi. Đồ không tôn trọng chồng. Cô phản kháng: Tôi thế đấy. Đúng là tôi ngu mới lấy anh. Tin của anh: “ngu thì chia tay đi”. Cô trả lời: “Chia tay thì chia tay. Anh tưởng tôi sợ chắc”. Và thế là tối đó, lá đơn ly hôn đã được viết ra với hai chữ ký hãy còn tươi rói mầu mực.
Sau khi đã hiểu hết câu chuyện của vợ chồng cô, tôi bèn hỏi: Em còn yêu chồng không? Cô đáp: Chẳng biết. Nhưng đã quyết ly hôn thì không thể xuống nước được. Tôi lại bảo: Vậy thì em cứ để lá đơn nằm im trong ngăn kéo thêm một thời gian nữa. Giờ, hãy thử làm theo “kế” của nhà tư vấn, khi nào kế không còn hiệu quả mới nghĩ đến ly hôn. Và cô đồng ý.
![]() |
Ảnh minh họa |
Kế mà nhà tư vấn nói với cô chẳng có gì là khó cả. Đơn giản chỉ là hãy cố gắng thu nhỏ mâu thuẫn lại. Tại sao từ một việc cãi nhau bé tỉ ti mà hai vợ chồng cứ đẩy vấn đề lên. Từ việc cái kim kéo lên thành cái đinh, từ cái đinh thổi lên thành giáo nhọn. Anh góp ý tay cô chưa sạch, cô có thể giải thích cho anh rằng em đã rửa rồi. Nhưng nếu anh vẫn thấy mùi khó chịu thì em sẽ rửa thêm lần nữa là xong. Anh chê cô nấu cơm nát, cô có thể bảo em lại nghĩ thế này ăn cũng ngon. Lần sau em sẽ để ý hơn nhưng em bây giờ cũng yếu rồi, ăn cơm khô quá cũng khó nhai lắm.
Tương tự như vậy, tại sao từ việc không đón được con, hai vợ chồng lại chuyển thành ân hận vì lấy nhau. Rồi xông vào nhau mà mắng mỏ, dằn vặt nhau. Chuyên gia tư vấn khuyên, khi có mâu thuẫn, cô đừng làm gì, nói gì cả, nhất là lúc tức giận. Thay vào đó, cô hãy lánh “ra một chỗ khác”, hít thở thật sâu. Khi nào bình tĩnh thì mới quay lại giải quyết vấn đề. Lúc giận, cô thấy vấn đề to như ngọn núi nhưng rất có thể, khi suy nghĩ lại, cô thấy tất cả chỉ bé như hạt cát, có thể dễ dàng thổi bay khỏi đầu.
Người phụ nữ ấy ra về và một thời gian sau trở lại. Cô ngượng ngùng bảo: lá đơn ly hôn ấy bây giờ vẫn đang nằm trong ngăn tủ nhà cô. “Đêm đó, từ văn phòng tư vấn tâm lý về, tôi nằm trên giường, nghĩ về cuộc sống của mình. Quờ tay sang hai bên thấy các con đang ngủ ngon lành, tôi bỗng chột dạ. Quả thật, khi ký vào lá đơn ly hôn, tôi không thấy gì ngoài cảm giác phải chiến thắng đối phương. Nhưng khi bình tĩnh lại, tôi lại sợ. Tôi sợ hai vợ chồng chia tay thì các con sẽ khổ. Chúng sẽ lớn lên ra sao đây. Và cả tôi nữa, chỉ một loáng thôi mà tôi thành người phụ nữ không có chồng….
Và thế là cô tìm kế hoãn binh. Cô im lặng và anh cũng vậy. Dường như anh cũng không muốn ly hôn nên thấy cô không động đậy, anh cũng… tảng lờ luôn. Một ngày, hai ngày rồi ba ngày, họ quyết định nói chuyện thẳng thắn với nhau. Cuối cùng, hai vợ chồng cô thống nhất từ nay sẽ không “chuyện bé xé ra to nữa”. Khúc mắc ở đâu, họ sẽ giải quyết ở đó. Anh vẫn phải chữa bệnh mỡ máu nhưng cô sẽ không chê bôi rằng anh ăn sung mặc sướng lắm vào. Cô có “chót” mặc quần áo hơi nhầu, anh sẽ không mắng cô là óc thẩm mỹ thấp mà chỉ bảo em chú ý chọn bộ nào đẹp đẹp mà mặc để bố con anh còn ngắm.
“Chỉ là mấy lời nói thôi mà sao lại có thể giữ cho vợ chồng ấm êm, các anh nhỉ?”-cô hỏi nhưng đã không cần nghe câu trả lời của nhà tư vấn nữa.
Hạnh Phúc