“Hai phía chân trời” - Bi kịch của người Việt xa xứ

Chia sẻ

PNTĐ-Sau rất nhiều chờ đợi, ngày 08/11, dự án phim được thực hiện tại nước ngoài “Hai phía chân trời” sẽ được phát sóng vào giờ vàng VTV1 thứ 5 và thứ 6 hàng tuần.

 
Lý do để chờ đợi “Hai phía chân trời”
 
Cách đây vài tháng, khi những hình ảnh đầu tiên của đoàn phim tại Cộng hòa Séc được đưa lên báo chí, khán giả yêu phim Việt đã có ý chờ đợi. Ngay cả những người không mặn mà lắm với phim truyền hình Việt cũng tò mò xem phim này sẽ khác các phim khác như thế nào. Lý do là hình ảnh trên phim rất đẹp và khác biệt vì được quay tại một vùng đất đẹp của Đông Âu và cũng lâu lắm rồi dàn diễn viên kỳ cựu như Lê Vy, Xuân Bắc hay Mạnh Cường mới tham gia phim truyền hình. Hơn nữa, đây là dự án phim đã được ấp ủ tới 4 năm trời hứa hẹn nhiều thú vị.
 
Có người nói rằng, được đi làm phim tại nước ngoài là điều… sung sướng, nhưng thật ra, để có thể tham gia phim này, các diễn viên đã phải hy sinh rất nhiều. Từ việc dừng lại những kế hoạch tại Việt Nam, đến việc làm việc liên tục trong thời tiết giá lạnh đến tê người, bất đồng ngôn ngữ… Kinh phí làm phim tiền Việt tính đến con số hàng tỉ, nhưng sang đến xứ người, lại thành eo hẹp… Đạo diễn Đỗ Thanh Hải giãi bày, nếu không “liều” thì đã không thể thực hiện được bộ phim này.
 
“Hai phía chân trời” - Bi kịch của người Việt xa xứ - ảnh 1
Xuân Bắc và Vi Cầm trong một cảnh phim “Hai phía chân trời”
 
Nhưng, cái “liều” của các anh là có lý do, khi mà từ nhà sản xuất đến đạo diễn và các diễn viên đều rất tâm huyết muốn nói lên tiếng nói của những người con xa xứ. Để hiểu tận cùng những tâm trạng này, ngay từ năm 2009, đoàn phim nhiều lần đã phải sang tận Cộng hòa Séc, Đức, Ba Lan… để tìm bối cảnh cũng như đời sống của người Việt tại đây.
 
Ngay trong quá trình quay phim, những nỗi đau xa xứ vẫn được đạo diễn bổ sung thêm vào kịch bản để câu chuyện chân thực, sống động hơn và cũng thời sự hơn. NSƯT Lê Vy nhận lời tham gia bộ phim cũng bởi chị muốn có thêm tiếng nói từ chính cuộc sống xa quê hương của mình. Nhà văn Trần Hoài Văn là tác giả của truyện ngắn được chuyển thể “Máu và tuyết”, đồng thời cũng là biên kịch bộ phim cùng biên tập Thùy Linh, người từng nhiều năm sống và học tập tại nước ngoài, rất thấu hiểu cuộc sống xa quê và những khó khăn khi sống và tồn tại nơi xứ người. Đó là những lý do đáng để khán giả chờ đợi về một bộ phim phản ánh chân thực đời sống người Việt xa xứ.
 
Máu và tuyết và những bi kịch khủng khiếp…
 
“Hai phía chân trời” (36 tập) là bộ phim truyền hình dài tập đầu tiên về cuộc sống của người Việt tại nước ngoài. Phim được quay chủ yếu tại Cộng hòa Séc, lấy bối cảnh chính là khu chợ người Việt tại Praha (Trung tâm thương mại SAPA).
 
Câu chuyện bắt đầu với mối quan hệ của Minh (luật sư, do Xuân Bắc đóng), Lê (doanh nhân, do NSƯT Mạnh Cường đóng) và những người bạn cùng chung sức xuất bản tờ báo “Trái tim Việt” với mục đích cung cấp các thông tin giúp đỡ đồng hương hòa nhập với cuộc sống nơi đất khách quê người và tư vấn những kiến thức về luật pháp để giúp bà con người Việt sống và lao động hợp pháp.
 
Trong quá trình làm việc của đội biên tập, nhóm này đã phát hiện ra tay bút nghiệp dư Vinh, một người sống rất có nghĩa khí nhưng có số phận long đong. Vinh (một lưu học sinh ở lại lao động, do Lê Vũ Long đóng) đã được Minh, Lê giúp đỡ vượt qua nhiều thử thách, gian khó. Nhóm bạn Lê, Minh và sau này có thêm Vinh đã giúp đỡ một người phụ nữ Việt có số phận éo le là Tình (do NSƯT Lê Vy đóng). Tình bỏ lại gia đình, chồng con ở quê nhà, vay mượn tiền để cùng con gái vượt biên sang châu Âu với hy vọng đổi đời. Nhưng thay vì tìm thấy một cuộc sống tốt đẹp hơn, Tình đã phải sống trong đau khổ, ân hận vì cái chết của đứa con gái trong giá lạnh băng tuyết và sự mặc cảm tội lỗi với chồng con ở quê nhà…
 
Sau những nỗi đau đó, những người con xa xứ đã vượt lên trên tất cả những cay đắng, mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu, để biết yêu thương và giúp đỡ nhau, trân trọng gìn giữ những giá trị văn hóa và đạo đức truyền thống của dân tộc. Cũng chính sự nhân ái, biết chia sẻ lúc khó khăn mà những người Việt luôn coi trọng đã tác động đến người bản xứ, mở ra nhiều sợi dây tình cảm, những rung động trái tim để tạo nên một bức tranh đa sắc về tình người.
 
Dự án phim “Hai phía chân trời” cũng là bộ phim khởi đầu cho một hướng đầu tư mới của Đài truyền hình Việt Nam vào mảng phim truyền hình. Dự kiến sẽ còn nhiều dự án phim truyền hình có quy mô tương tự như bộ phim “Hai phía chân trời” được VTV thực hiện trong thời gian tới.

Nam Phong

Tin cùng chuyên mục

Siêu mẫu nhí toàn năng mùa 2: Sân chơi nghệ thuật và giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em

Siêu mẫu nhí toàn năng mùa 2: Sân chơi nghệ thuật và giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em

(PNTĐ) - Với sự tham gia của hơn 600 thí sinh trong và ngoài nước, cuộc thi Siêu mẫu nhí toàn năng mùa 2, diễn ra tại Hà Nội vào tháng 5/2025 với thông điệp mạnh mẽ: “Hãy bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp”, đã góp phần truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về trách nhiệm với cộng đồng và môi trường.
Báo Nhân Dân và “một chạm” đặc biệt lan tỏa tình yêu đất nước

Báo Nhân Dân và “một chạm” đặc biệt lan tỏa tình yêu đất nước

(PNTĐ) - Chỉ với một chạm điện thoại, tình yêu đất nước sẽ ngày càng lan tỏa, đó là thông điệp từ dự án “Yêu lắm Việt Nam", kết hợp công nghệ kết nối không dây (NFC) và dữ liệu số mà báo Nhân Dân công bố ngày 17/4 tại Hà Nội. Dự án còn nhằm quảng bá các địa danh lịch sử, văn hóa, du lịch trên mọi miền tổ quốc.
Hoa hậu Nhân ái Đào Thị Ngân: Lan tỏa giá trị nhân văn qua các hoạt động cộng đồng

Hoa hậu Nhân ái Đào Thị Ngân: Lan tỏa giá trị nhân văn qua các hoạt động cộng đồng

(PNTĐ) - Những dự án thiện nguyện không chỉ mang lại sự hỗ trợ thiết thực cho những hoàn cảnh khó khăn mà còn góp phần lan tỏa tinh thần nhân ái trong xã hội. Sau một tuần đăng quang ngôi vị Hoa hậu Nhân ái của cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam 2025, doanh nhân Đào Thị Ngân - Giám đốc học viện Happy Smile đã có những trải lòng chân thật về hành trình đăng quang đầy cảm xúc.