Chọn theo nghề giáo để trả nợ những ân tình

NGUYỄN MAI
Chia sẻ

(PNTĐ) -Cô giáo Lê Huyền, Phó Hiệu trưởng Trưởng Tiểu học Thụy Lâm A, Đông Anh, Hà Nội chia sẻ, cô chọn theo nghề giáo là để trả nợ ân tình từ chính người thầy chủ nhiệm của mình.

“Nếu không có thầy chủ nhiệm, không có tôi bây giờ…”

Khi nghĩ tới những thầy cô giáo yêu nghề, yêu trò, luôn chăm chút cho đàn em thơ… tôi nhớ ngay tới cô giáo Lê Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường Tiều học Thụy Lâm A, Đông Anh, Hà Nội.

Nói chuyện về nghề dạy, về những cô cậu học trò nhỏ, ánh mắt cô Huyền luôn ánh lên vẻ rạng rỡ, khi thì vui tươi, lúc lại rưng rưng, xúc động… của một trái tim tràn đầy nhiệt huyết, tình yêu với nghề.

Chọn theo nghề giáo để trả nợ những ân tình - ảnh 1
Cô Lê Huyền bên những học trò nhỏ thân yêu của mình

Thật bất ngờ, thời còn đi học, cô Huyền đã từng là một học sinh “cá biệt” và đã có lúc, định bỏ ngang con đường theo nghề giáo.

Cởi mở, không giấu giếm câu chuyện “quá khứ”, cô Huyền chia sẻ, năm cô học lớp 7, cô đã từng là một học sinh bướng bỉnh, nổi loạn nổi tiếng cả trường. Thế nhưng, thầy giáo chủ nhiệm của cô đã rất tâm lý, thấu hiểu, chia sẻ tâm tư của một cô trò nhỏ đang tuổi “ẩm ương”, “kéo” được cô trở lại.

“Nếu không có thầy giáo chủ nhiệm lớp 7, tôi đã chẳng đi nổi con đường học tập, không có tôi bây giờ. Bởi cũng chính vì thầy, mà tôi mới chọn và quyết tâm theo được nghề giáo. Tận trong sâu thẳm trái tim, tôi luôn biết ơn thầy”- cô Lê Huyền chia sẻ.

Cô Huyền cho biết, bố cô là người đã luôn động viên cô đi theo nghề thầy. Lúc cô đăng kí chọn trường để thi đại học, người hướng cô đến với sư phạm là ông. Lúc cô đang chới với trong nghiệp làm thầy với mức lương hợp đồng bèo bọt, đôi lúc có ý định bỏ nghề, bố cô đã hỏi cô: “Ngoài bố mẹ, con nghĩ xem mình được như ngày hôm nay là nhờ vào ai?”.

“Khi tôi lập gia đình, người đầu tiên bố tôi mời, đó là thầy giáo chủ nhiệm cũ của tôi. Bố tôi đã muốn thầy chứng kiến ngày lễ trọng đại, hạnh phúc của cuộc đời tôi, của đứa học trò mà thầy đã có công “cứu vớt”, nối nghiệp thầy. Bố tôi luôn đặt trong lòng một sự kính trọng sâu sắc. Sự kính trọng xuất phát từ tình cảm chân thành của ông vì biết ơn thầy đã đưa tôi từ một “đầu gấu” trường, trở thành một đứa học trò ngoan ngoãn, giỏi giang trong mắt mọi người”- cô Huyền xúc động.

Nhớ mãi món quà là một túi khoai lang

Đã 20 năm trôi qua, kể từ khi là một cô giáo bỡ ngỡ mới ra trường, đã có biết bao buồn vui, kỷ niệm trôi qua. Thế nhưng, trong lòng cô Huyền, những kỷ niệm đọng lại khiến cô cảm giấy xúc động, nhớ nhất vẫn là về những học trò lam lũ, vất vả… Bởi cô  có cảm giác gặp lại hình ảnh của mình năm nào. Và mỗi dịp 20/11, cô lại nhớ tới kỷ niệm túi khoai của người bà lam lũ, nhọc nhằn.

Cô Huyền kể, năm đầu tiên ra trường, cô được phân công làm giáo viên chủ nhiệm một lớp 2. Sắp đến ngày 20/11, vào một buổi chiều muộn, khi cô vừa bước ra khỏi lớp thì thấy một người phụ nữ lớn tuổi, mặc bộ quần áo ở nhà rất cũ. Không biết, bà đã đứng đó đợi cô giáo từ khi nào, vừa nhìn thấy cô, bà đã trao vào tay cô một chiếc túi dứa đựng đầy khoai lang. Cô bối rối không biết cư xử thế nào, từ chối mãi cũng không đành, cuối cùng cô đành nhận.

Sau này cô mới biết, bà là bà nội của cậu bé lớp cô chủ nhiệm. Cậu bé mồ côi cả cha lẫn mẹ, em ở với bà, bà thay cha mẹ chăm lo cho em.

“Khi em bị ốm, tôi đến thăm em, ngồi trên cái chõng tre cọt kẹt, bà cứ nắm mãi tay tôi mà khóc, kể về cậu bé mồ côi xiết bao đáng thương”- cô Huyền tâm sự.

Cuộc sống đã có nhiều thay đổi, mối quan hệ thầy trò cũng có nhiều sắc thái khác xưa, Có những phụ huynh, cả năm học chẳng một lần hỏi thăm thầy cô về việc học tập của con, cũng chưa một lần kiểm tra sách vở của chúng, nhưng đến ngày 20/11 thì túi lớn, túi bé, phong bì đến nhà thầy để bày tỏ mình biết “yêu lấy thầy” và quan tâm đến con cái.

Điều đó dẫn tới, có những thầy cô mặc định sự quan tâm của phụ huynh theo giá trị những món quà của phụ huynh, để rồi đánh giá học trò theo cách mà bố mẹ chúng thể hiện sự “quan tâm”.

Để rồi, trong một giờ học online nào đó, cô giáo nhắc nhở hơi gay gắt với học sinh, vì con liên tục bật micro trong giờ, làm ồn không thể giảng bài được thì phụ huynh đã đăng ngay lên một nhóm trò chuyện kín. Ngay lập tức, cô giáo trở thành trung tâm của những bình luận đầy chỉ trích, xúc phạm.

Buồn đấy, đau đấy, nhưng biết làm sao được khi phụ huynh cho rằng mọi thứ như sự trao đổi, bán mua. Và những ngày lễ, tết, cũng chính những phụ huynh đó vẫn lên mạng viết những lời hoa mỹ, đẹp đẽ, chúc mừng cô giáo của con mình.

 “Xã hội phát triển, cách thể hiện tình cảm cũng không thể dập khuôn mãi trong một lối mòn. Nhưng tôi cho rằng, bất kì là thể hiện theo cách nào thì đều cần xuất phát từ sự chân thành. Với nhiều thầy cô giáo như tôi, một món quà quý không phải ở giá trị vật chất, mà ở tấm lòng, trái tim người trao tặng.“Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”, nhưng hãy “yêu” thầy bằng sự tôn trọng, biết ơn thực sự. Đó chính là món quà quý nhất”- cô Huyền chia sẻ.

Thế nhưng, cô cũng từng chứng kiến, có bác phụ huynh đứng ngoài chợ, nghe mấy người tranh cãi nhau về một cô giáo đã từng chủ nhiệm lớp con mình với nhiều lời chỉ trích đã sẵn sàng lên tiếng bênh vực: “Các ông bà phải nghĩ thử xem, tại sao cô giáo đánh giá con mình như thế? Đừng có nghĩ tại mình không đóng phong bì cho cô. Con tôi đã từng học cô, cô giáo rất công tâm và quan tâm đến học trò, mà nhà tôi chưa bao giờ mua quà cô ngoài cái bưu thiếp con bé tự làm đâu”.

“Tôi, một giáo viên đi ngang qua câu chuyện tình cờ, bỗng dưng thấy được tiếp thêm một nguồn động viên cho nghề mình đã chọn”- cô Huyền chia sẻ và cho biết, dù thế nào, với cô, nghề thầy vẫn luôn đáng trân trọng và tự hào. Mỗi sáng lên lớp, nghe các trò ríu rít: “Em chào cô ạ”, trong lòng cô lại dâng lên một niềm cảm xúc khó tả.

Năm học vừa qua, cô đã dành cả nửa học kỳ kèm một cậu bé nghịch ngợm. Cô cảm thấy xúc động, bởi thấy mình lại đang nối tiếp con đường của người thầy chủ nhiệm lớp 7 tuyệt vời của cô đã đi qua.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.