Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp THPT tại Thủ đô:

Còn nhiều trăn trở sau 1 năm đổi mới

Thu Giang
Chia sẻ

(PNTĐ) -Năm học 2022-2023 là năm thứ 3 ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT), nhưng với cấp THPT đây là năm đầu tiên triển khai. Nhìn lại sau 1 năm thực hiện, bên cạnh những tín hiệu tích cực, Chương trình GDPT mới ở Thủ đô vẫn còn nhiều tồn tại trên con đường đổi mới.

Còn nhiều trăn trở sau 1 năm đổi mới - ảnh 1
Học sinh trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) học tập trải nghiệm.
Ảnh: Web nhà trường

Những kết quả ban đầu
Đánh giá kết quả sau 1 năm triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới (Chương trình GDPT 2018), ông Lê Hồng Vũ, Phó trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD-ĐT) Hà Nội cho biết: Từ những nỗ lực của toàn ngành đã có những tín hiệu tích cực đáng ghi nhận. Trong chương trình mới, học sinh được học các môn theo nguyện vọng, sở trường, chất lượng học tập của học sinh đã có sự thay đổi rõ rệt. Kết quả sơ kết học kỳ 1 năm học 2022-2023 cho thấy tỷ lệ học sinh yếu, kém ở các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học giảm chỉ còn 0,1%- mức thấp nhất từ trước đến nay.

 Theo Phó trưởng phòng Giáo dục Trung học, tuyển sinh đầu cấp, tổ chức lớp học đã đáp ứng nhu cầu học tập, định hướng nghề nghiệp của học sinh. Nhờ quyết tâm chỉ đạo và sự vào cuộc của các nhà trường, công tác tuyển sinh năm học 2022-2023 về cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra. Đối với các môn học chưa có giáo viên đã được nhiều trường chủ động khắc phục bằng cách sử dụng giáo viên hợp đồng để đáp ứng nhu cầu lựa chọn của học sinh (môn Âm nhạc có 16 trường, Mỹ thuật 14 trường).

Về Chương trình SGK mới, xuất phát từ nhu cầu thực tế của mỗi nhà trường, việc lựa chọn SGK cho Chương trình GDPT mới về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu giảng dạy của giáo viên. Đối với việc nâng cao chất lượng đội ngũ, đổi mới sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn, theo yêu cầu của chương trình mới, người giáo viên phải chuyển mạnh từ vị trí “người dạy” sang vị trí là người “tổ chức, kiểm tra, định hướng” hoạt động của học sinh, thực hiện hiệu quả hơn, triệt để hơn yêu cầu về phương pháp dạy học “học qua làm”, trong khi vẫn phải tiếp tục thực hiện Chương trình hiện hành 2006 là thách thức không nhỏ. Do đó, công tác bồi dưỡng, tập huấn chuẩn bị cho giáo viên kiến thức, kỹ năng cũng như làm quen với các bộ SGK mới đã được Thành phố quan tâm, chỉ đạo triển khai từ rất sớm.

Ông Lê Hồng Vũ cho biết, kế hoạch tổ chức phong trào “nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng chia sẻ trách nhiệm” của Sở GD-ĐT Hà Nội cùng một loạt tiết dạy minh họa được tổ chức với sự tham gia của giáo viên các môn học trên toàn Thành phố đã trở thành cách làm hay và cũng rất riêng của Hà Nội, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ, đổi mới sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn đáp ứng được yêu cầu của Chương trình. Từ phong trào này, các hoạt động giao lưu, chia sẻ, những kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động chuyên môn, hỗ trợ nâng cao chất lượng chuyên môn đã được thực hiện. Điển hình như Trường THPT Việt Đức cử đoàn giáo viên tham gia hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy tại Trường THPT Minh Phú trong thời gian 1 tháng; trường THPT Cầu Giấy, THPT Bất Bạt chia sẻ kinh nghiệm giờ dạy qua các bài giảng trực tuyến…

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, khi triển khai chương trình mới, việc chuyển đổi phương thức người học từ truyền thụ kiểm tra về các kiến thức sang tổ chức định hướng hỗ trợ vai trò của người giáo viên và các nhà quản lý giáo dục đã có sự thay đổi rất lớn. Đánh giá kết quả năm đầu tiên thực hiện chương trình này, Ủy ban giám sát Quốc hội nhận định, chương trình đã tạo ra sự đổi mới, không khí mới theo hướng tích cực, có chuyển biến khả quan và đặc biệt là việc chọn SGK địa phương đi vào nền nếp. 

Vẫn còn nhiều tồn tại và nhiều việc phải làm
Bên cạnh những thành công ban đầu, sau 1 năm triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới tại Thủ đô cũng cho thấy vẫn còn những tồn tại và nhiều việc cần phải làm trong những năm tiếp theo. 

Từ thực tiễn về tổ chức dạy học theo định hướng nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu cho học sinh lớp 10 tại trường THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm, Hà Nội), cô Trần Hải Yến, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong quá trình triển khai đã có các vấn đề khó khăn nảy sinh như: Do những hạn chế của công tác giáo dục hướng nghiệp ở cấp học dưới nên học sinh khi vào lớp 10 chưa thể định hướng nghề nghiệp rõ ràng mà chọn môn thi theo cảm tính. Vì vậy, xuất hiện sự lo ngại của học sinh và gia đình về sự không đồng bộ có thể xảy ra giữa việc lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp năm học lớp 10 với kiến thức cần thiết khi thi tốt nghiệp và tuyển sinh khi học xong lớp 12. Vấn đề học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học tự chọn trong và cuối năm học; hay, nhà trường còn hạn chế về khả năng đáp ứng nguyện vọng học của học sinh (ví dụ như môn Mỹ thuật, Âm nhạc). Vấn đề không thể đồng bộ giữa nhu cầu dạy học và cơ cấu đội ngũ giáo viên hiện có, dẫn tới tình trạng thiếu giáo viên cục bộ… 

Còn cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) lại cho rằng hạn chế của đội ngũ giáo viên khi thực hiện dạy theo Chương trình mới chính là nhiều năm dạy học theo “lối mòn”, dạy học nhiều kiến thức “uyên thâm”, thầy đọc - trò chép, thầy hỏi-trò đáp. 

Theo ông Lê Hồng Vũ, Chương trình GDPT mới yêu cầu người dạy tổ chức các hoạt động để qua đó học sinh học tập, tiếp nhận kiến thức, học qua làm. Nhưng, trong quá trình giao nhiệm vụ cho học sinh, nhiều giáo viên chưa quan tâm đến tính vừa sức, quỹ thời gian của học sinh đã dẫn đến sự quá tải, làm giảm hứng thú học tập của học sinh. Một hạn chế khác là Chương trình GDPT mới hướng đến đánh giá năng lực, phẩm chất người học, nhưng do thói quen học gì thi nấy đã tồn tại khá lâu, nên trong quá trình tổ chức dạy học nhiều giáo viên vẫn coi trọng cung cấp truyền đạt kiến thức hơn là hình thành kỹ năng, phát triển năng lực cho học sinh. Trong chương trình mới cần nhiều hoạt động trải nghiệm, thực hành, thí nghiệm, nhưng những hoạt động này chưa được tổ chức thường xuyên, hiệu quả do nguồn kinh phí hạn hẹp…

Để giải quyết những tồn tại đó, ông Lê Hồng Vũ cho rằng, trong thời gian tới, ngành GD-ĐT cần sớm kiện toàn đội ngũ giáo viên cho các nhà trường; có những hướng dẫn cụ thể để bảo đảm có nguồn kinh phí cho việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh theo yêu cầu của Chương trình mới. Tăng cường cơ sở vật chất, đặc biệt là cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu học tập của môn học như sân bãi đối với môn Giáo dục thể chất. 

Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên trong một số môn học, cô Trần Hải Yến đề xuất giải pháp cấp trên cho phép gửi học sinh có nhu cầu đăng ký học môn nhà trường chưa có điều kiện tổ chức dạy học đi học tại các cơ sở giáo dục khác. Cần đào tạo nguồn giáo viên của các môn học mới như Mỹ thuật và Âm nhạc. Đồng thời cho cơ chế giải quyết kinh phí để nhà trường hợp đồng với giáo viên thỉnh giảng, chuyên gia phối hợp với giáo dục; nâng cao chất lượng hoạt động hướng nghiệp ở cấp THCS. 

Còn theo cô Nguyễn Thị Nhiếp, muốn đổi mới để không bị lạc đường trong quá trình đổi mới, chúng ta phải nhận thức đúng và hành động kiên trì. Cùng với đó cần đổi mới công tác tập huấn, bồi dưỡng; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các nhà trường; hướng dẫn cụ thể giáo viên dạy môn Giáo dục địa phương…

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho rằng, việc nhận thức rõ những nguồn lực ban đầu và xác định chính xác những khó khăn trước mắt và lâu dài đang phải đối mặt là điều cần làm khi triển khai chương trình mới. Đó là cách tốt nhất để chúng ta định hình lại hướng đi và phát huy những thành quả tích cực, khắc phục những tồn tại sau một thực hiện Chương trình GDPT 2018.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.
 Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

(PNTĐ) - Chương trình Camp truyền thông Teenyeeu nhằm giới thiệu hoạt động Dự án Mô hình CLB Teenyeeu 24h là hoạt động thuộc Dự án “Mô hình CLB Teenyeeu 24h thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong xây dựng quy tắc ứng xử tại tổ chức giáo dục dưới góc nhìn giới và nâng cao năng lực truyền thông, góp ý xây dựng pháp luật về giới và tình dục” triển khai tại 3 địa phương là Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Bình từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024.
Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

(PNTĐ) - Năm học 2024 - 2025, học sinh đầu cấp tại Hà Nội tăng khoảng 70.000 (chưa tính học sinh cấp mầm non) so với năm học 2023-2024. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội yêu cầu các đơn vị, trường học tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến để tránh quá tải. Đặc biệt, các trường tuyệt đối không được vận động, quyên góp, thu các khoản ngoài quy định khi tuyển sinh.
Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

(PNTĐ) - Sáng 16/4, Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức lễ ra mắt chuỗi tọa đàm và phát động cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước". Chuỗi tọa đàm và Cuộc thi viết là diễn đàn kết nối các chuyên gia, nhà báo, nhà giáo, phụ huynh, học sinh, sinh viên…