Đa dạng các ngành học “hot”

Chia sẻ

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là giai đoạn vào mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng. Năm 2020, nhiều trường đại học tiếp tục mở thêm nhiều ngành học mới cũng như đa dạng các phương thức tuyển sinh để thu hút thí sinh…

Thí sinh nhập học trường đại học Kinh tế quốc dân năm 2019Thí sinh nhập học trường đại học Kinh tế quốc dân năm 2019

Nhiều ngành học của kỷ nguyên 4.0

Theo PGS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường đại học Bách khoa Hà Nội, Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo là chương trình mới, lần đầu tiên được đại học này tuyển sinh ở bậc đại học từ năm 2019. Chương trình được thiết kế và giảng dạy bởi các giáo sư hàng đầu trong nước và quốc tế, 100% môn học được dạy bằng tiếng Anh. Sinh viên sẽ được học các kiến thức cơ bản với định hướng khoa học dữ liệu như: Toán, Xác suất - thống kê, Trí tuệ nhân tạo, khai phá dữ liệu, xử lý/biểu diễn dữ liệu lớn, blockchain… song song với việc gia tăng thời lượng thực hành, học thông qua trải nghiệm tại hệ thống các phòng lab nghiên cứu, cũng như tại các công ty, tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực CNTT và TT trong và ngoài nước.

Trường đang tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nhân lực công nghệ cao, trong đó có nhân lực AI để đáp ứng nhu cầu nhân lực của Công nghiệp 4.0. Cùng với Al, năm 2020, đại học Bách khoa Hà Hội còn mở thêm 3 mã xét tuyển mới là Cơ khí hàng không; Hệ thống thông tin và Tin học công nghiệp. Sinh viên sau tốt nghiệp sẽ có cơ hội việc làm và nghiên cứu sinh ở trong nước hoặc nước ngoài, đặc biệt là các quốc gia châu Âu.

Trường đại học Kinh tế quốc dân cũng bổ sung thêm 7 chương trình và ngành đào tạo mới trong năm 2020 gồm 3 chương trình mới đào tạo bằng tiếng Anh: Kiểm toán tích hợp chứng chỉ quốc tế; Kinh tế học tài chính; Logistics và quản lý chuỗi cung ứng và các ngành mới: Tài chính doanh nghiệp; Tài chính công và Ngân hàng; Kiểm toán.

Năm 2020, trường đại học Ngoại thương tuyển sinh thêm 4 chương trình mới đào tạo chất lượng cao gồm Tiếng Nhật; Tiếng Trung; Tiếng Pháp Thương mại và Quản trị khách sạn. Đây được dự báo là những chuyên ngành hot, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường trong tương lai, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với các nước.

Mở rộng cơ hội trúng tuyển đại học

Cùng với mở thêm ngành học mới, các trường đại học cũng bổ sung nhiều phương án xét tuyển đại học. Trường đại học Kinh tế quốc dân dự kiến tổng chỉ tiêu là 5.800, tăng 150 chỉ tiêu (2,7%) so với năm 2019. Trong đó, trường tuyển thẳng 3 đối tượng gồm thí sinh đã tham gia vòng thi tuần cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia" có tổng điểm thi THPT quốc gia năm 2020 của tổ hợp bất kỳ trong các tổ hợp xét tuyển của trường đạt từ 18 điểm trở lên; Thí sinh có Chứng chỉ quốc tế SAT từ 1.200 điểm trở lên và ACT từ 26 điểm trở lên và có tổng điểm thi THPT quốc gia năm 2020 của tổ hợp bất kỳ trong các tổ hợp xét tuyển của trường đạt từ 18 điểm trở lên; Thí sinh có Chứng chỉ IELTS 6.5 trở lên hoặc TOEFL ITP 550 trở lên hoặc TOEFL iBT 90 trở lên và có tổng điểm thi THPT quốc gia năm 2020 của môn Toán và một môn bất kỳ (trừ môn Tiếng Anh) đạt từ 14 điểm trở lên.

Có thể thấy, xu hướng của nhiều trường đại học top đầu là chú trọng năng lực ngoại ngữ của thí sinh. Trường đại học Ngoại thương, ngoài xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 và theo các tổ hợp môn xét tuyển được quy định, cũng sẽ ưu tiên tuyển sinh thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và thí sinh tốt nghiệp hệ chuyên thuộc các trường THPT chuyên.

Không chỉ vậy, năm 2020, nhiều trường đại học còn cung cấp tới 4 phương thức tuyển sinh khác nhau để thí sinh lựa chọn, cũng có nghĩa, cơ hội trúng tuyển của thí sinh càng rộng mở.

Dự báo những ngành học “hot”

Theo bà Đỗ Thanh Tâm, Career Coach - Chuyên gia Tư vấn Hướng nghiệp, Tổ chức Đào tạo Growth Catalyst Vietnam, thời đại công nghệ 4.0 đang dần biến đổi thế giới thực trở thành số hóa. Vì thế, nhóm công nghệ thông tin dự báo là ngành phát triển bậc nhất, ghi nhận sự xuất hiện của nhiều nhóm nghề mới như: Bảo mật mạng, Lập trình ứng dụng di động, Lập trình thiết kế game 3D… Đặc biệt, sự ra đời của các ngôi nhà thông minh, thành phố thông minh, hệ thống website, mạng nội bộ dày đặc của các doanh nghiệp, công ty… khiến nhu cầu được bảo mật thông tin càng cấp thiết hơn bao giờ hết. Vì thế, bảo mật mạng sẽ hot nhất trong nhóm ngành này. Ngoài ra, trong thời đại 4.0, con người sẽ chịu nhiều cạnh tranh, áp lực hơn. Mặc dù thời gian qua đã xuất hiện dây chuyền bằng robot, robot phục vụ bán hàng, robot phiên dịch… nhưng sẽ không có robot nào đủ thông minh, nhạy cảm, thấu hiểu tâm lý con người như các chuyên gia tâm lý. Trong thời 4.0, nhân lực làm việc trong nhóm ngành này sẽ có thêm nhiều cơ hội việc làm.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin, tới đây, thị trường lao động sẽ rộng mở với 5 xu hướng việc làm. Ngoài các “môi trường truyền thống” như các cơ quan, cơ sở sản xuất - kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế, người lao động còn có thể làm việc ở các khu vực kinh tế phi chính thức hay làm việc ở nước ngoài; di chuyển theo nhu cầu thị trường lao động các tỉnh thành, hay khởi nghiệp, tự tạo việc làm.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, để chớp được cơ hội việc làm, ngoài năng lực chuyên môn tốt, bạn trẻ cần có trang bị thêm 4 “vũ khí” là kỹ năng mềm; Kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm lao động; Năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng tốt một ngoại ngữ.

Trung Thu 

Tin cùng chuyên mục

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có tân Tổng giám đốc

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có tân Tổng giám đốc

(PNTĐ) - Ngày 26/4/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định 1279/QĐ-BGDĐT bổ nhiệm Ông Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật làm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam kể từ ngày 15/5/2024. Thời hạn giữ chức vụ là 5 năm.