Đảm bảo “4 đúng”, “3 không”, “2 phát huy” trong tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2025

HẠ THI
Chia sẻ

(PNTĐ) - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ diễn ra trong hai ngày 26-27/6, thực hiện theo “4 đúng”, “3 không” và “2 phát huy”.

Thông tin tại Hội nghị - tập huấn quy chế và nghiệp vụ tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025,  Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh yêu cầu chung của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng, hiệu quả, đúng quy chế, giảm áp lực, giảm tốn kém, đảm bảo độ tin cậy, đảm bảo chất lượng.

Đảm bảo “4 đúng”, “3 không”, “2 phát huy” trong tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2025 - ảnh 1

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị - tập huấn.

Từ yêu cầu chung này, Thứ trưởng chỉ đạo cần tập trung làm tốt 8 nhóm vấn đề cả cho công tác chuẩn bị và trong chỉ đạo triển khai. Trong đó, trước hết là làm tốt việc tổ chức dạy học, ôn thi.

Theo Thứ trưởng, muốn thi tốt phải dạy và học tốt. Từ đầu năm học cho tới lúc chuẩn bị thi, đề nghị lãnh đạo Sở GDĐT, các phòng chuyên môn chỉ đạo việc dạy học tốt đối với lớp 12. Dạy đúng giờ chính khoá, đổi mới phương pháp.

“Nếu thầy cô hàng ngày, hàng kỳ, cả năm học dạy học tốt rồi kỳ thi sẽ không còn áp lực”, nhấn mạnh điều này, Thứ trưởng cũng nhắc tới dự lệnh sang năm sau khi hoàn thành chương trình học sẽ tổ chức thi tốt nghiệp THPT sớm hơn, để việc ôn thi không phải kéo dài.

Cùng với quá trình dạy học, ôn tập, Thứ trưởng đề nghị các Sở GDĐT quan tâm tới nhóm vấn đề thứ 2, đó là tổ chức thi thử đối với 100% học sinh, với tinh thần tổ chức thi thử nhưng vận hành thật, đánh giá thật, làm bài thật và sử dụng kết quả thi thử để phân loại học sinh, trên cơ sở tiếp tục bổ sung kiến thức. Việc tập dượt cũng giúp cho giáo viên làm quen với phương thức tổ chức thi mới của năm nay.

Công tác chuẩn bị từ sớm, từ xa, kỹ lưỡng là nhóm vấn đề thứ 3. Theo Thứ trưởng, qua thực tiễn, công tác chuẩn bị cần kỹ lưỡng, toàn diện từ cơ sở vật chất, con người, đến phương án dự phòng… trong đó chuẩn bị về nhân lực, con người là quan trọng nhất. Trong công tác chuẩn bị cần dự báo được tình huống và dự báo đúng tình hình.

Đảm bảo “4 đúng”, “3 không”, “2 phát huy” trong tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2025 - ảnh 2

Đại biểu dự hội nghị - tập huấn.

Các nhóm vấn đề tiếp theo được Thứ trưởng yêu cầu cần tập trung thực hiện, gồm: khâu chỉ đạo sâu sát, toàn diện, trọng tâm trọng điểm; công tác phối hợp nhịp nhàng giữa các các ngành, địa phương, trong đó ngành Giáo dục phải chủ động đề nghị phối hợp; yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ tinh thông và đúng quy chế; làm tốt công tác truyền thông, truyền thông chủ động, kịp thời và hiệu quả; dự báo những vấn đề khó khăn, phức tạp, những vấn đề dễ xảy ra sai sót, rủi ro nhất để có phương án phù hợp.

4 nội dung về công tác ra đề, in sao đề thi, coi thi, chấm thi cũng được Thứ trưởng lưu ý cụ thể với nguyên tắc, làm thi không có vấn đề nhỏ hay lớn mà tất cả đều quan trọng và tuyệt đối không lơ là.

Thứ trưởng nhắc lại quan điểm “4 đúng”, “3 không” (“4 đúng” là: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng và đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm để kịp thời xử lý tình huống, sự cố bất thường. “3 không” là: Không lơ là, chủ quan; không căng thẳng, áp lực thái quá; không tự ý xử lý tình huống, sự cố bất thường) đã được quán triệt quyết liệt trong trong tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Nhấn mạnh đây vẫn là tinh thần của Kỳ thi năm 2025, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đồng thời đề cập thêm “2 phát huy” cần được làm tốt trong Kỳ thi năm nay. Đó là, phát huy tinh thần trách nhiệm, chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng chỉ đạo, lực lượng tham gia tổ chức kỳ thi và phát huy ý thức tự giác, tuân thủ quy chế của thí sinh.

Tin cùng chuyên mục

Tạo động lực, nguồn lực và không gian phát triển cho giáo dục đại học

Tạo động lực, nguồn lực và không gian phát triển cho giáo dục đại học

(PNTĐ) - Dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) bổ sung nhiều nội dung mới, đồng thời lược bỏ các quy định không còn phù hợp như: Phân loại trường theo định hướng, điều kiện thành lập trường thành viên, quy định bắt buộc hội đồng trường với trường thuộc lực lượng vũ trang, thủ tục mở ngành, phân hiệu, kiểm định… nhằm chuẩn hóa hệ thống, giảm thủ tục và thống nhất quản lí.
Thúc đẩy phong trào “Bình dân học vụ số: Vai trò chủ lực của ngành Giáo dục trong chuyển đổi số

Thúc đẩy phong trào “Bình dân học vụ số: Vai trò chủ lực của ngành Giáo dục trong chuyển đổi số

(PNTĐ) - Phong trào “Bình dân học vụ số” không chỉ đơn thuần là một hoạt động chuyên môn, mà còn là sứ mệnh chính trị - xã hội của ngành Giáo dục trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Đây là bước kế thừa và phát triển trong thời đại mới, nơi tri thức, kỹ năng số trở thành công cụ tối quan trọng để nâng cao dân trí, phát triển kinh tế và bảo đảm công bằng xã hội.