Đột phá về chuyển đổi số trong tuyển sinh năm 2022

Bài và ảnh: Thu Giang
Chia sẻ

(PNTĐ) -Năm 2022, công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng đã có nhiều đổi mới, ứng dụng công nghệ số để hướng đến minh bạch hóa và đảm bảo công bằng nhất cho thí sinh. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác tuyển sinh cũng đặt ra không ít khó khăn cho cả thí sinh lẫn các trường. Phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT).

Đột phá về chuyển đổi số trong tuyển sinh năm 2022 - ảnh 1
Bộ GD-ĐT hướng dẫn thí sinh đăng ký nguyện vọng đại học trực tuyến 2022 theo hệ thống của Bộ

Thưa bà, một mùa tuyển sinh với nhiều thay đổi về mặt kỹ thuật của Bộ GD-ĐT đã hoàn thành. Nhìn lại hoạt động tuyển sinh, theo bà, đâu là những “mặt được”?

Công tác tuyển sinh năm 2022 bước đầu được đánh giá là sự đột phá về chuyển đổi số, đặc biệt là việc thanh toán lệ phí không sử dụng tiền mặt. Về tổng thể, công tác tuyển sinh năm nay có những điều chỉnh tích cực, đặc biệt là sự chuyển đổi mạnh mẽ về ứng dụng công nghệ. Việc tổ chức đăng ký và xử lý nguyện vọng xét tuyển trực tuyến không chỉ bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, giảm thiểu số lượng thí sinh ảo mà còn góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, trong đó đảm bảo việc minh bạch hóa công tác tuyển sinh của cả hệ thống. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh năm 2022 đã được triển khai đồng bộ, triệt để từ đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng xét tuyển và nộp phí xét tuyển, xác nhận nhập học được thực hiện theo hình thức trực tuyến đối với tất cả thí sinh.

Ngoài ra, xét tuyển chung là khâu kỹ thuật để giúp các trường tránh tình trạng một thí sinh trúng tuyển vào quá nhiều trường, mất cơ hội của những thí sinh khác. Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung, xử lý nguyện vọng chung tạo ra sự bình đẳng, công bằng cho thí sinh và cho các cơ sở đào tạo. Đến nay, trên 80% thí sinh đã xác nhận nhập học trên hệ thống. Điều này cho thấy năm nay, tỉ lệ thí sinh ảo đã giảm mạnh so với nhiều năm trước trong xét tuyển đợt 1. Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung giúp đẩy mạnh sự minh bạch trong công tác tuyển sinh trong toàn ngành. Bộ GD-ĐT có cơ sở dữ liệu toàn bộ, đầy đủ, chính xác về kết quả tuyển sinh của các trường, là công cụ hữu hiệu để phân tích chính sách, từ đó có thể kịp thời điều chỉnh những bất cập, hạn chế.

Quá trình triển khai công tác tuyển sinh năm 2022 được đánh giá là giúp phát hiện những vấn đề còn bất cập trong thực tiễn, theo bà đó là gì?

Ví dụ như: Có trường tổ chức xét tuyển sớm theo học bạ dành tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ quá nhiều; có trường không chủ động xác định được số lượng thí sinh nhập học dẫn đến vượt chỉ tiêu. Vì vượt chỉ tiêu nên phải giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, dẫn tới điểm trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT tăng. 

Việc xét tuyển sớm ở một góc độ nào đó gây mất công bằng cho thí sinh, không lựa chọn được các thí sinh có chất lượng tốt nhất. Ngoài ra, chính việc xét tuyển sớm yêu cầu thí sinh phải nộp hồ sơ vào nhiều trường, với nhiều thủ tục khai báo và các minh chứng kèm theo, trong khi theo quy định thí sinh vẫn phải khai báo trên hệ thống chung, từ đó gây nhiễu loạn thông tin, làm cho thí sinh nhầm lẫn, sai sót.

Một trong những phản ánh về tuyển sinh năm nay là hệ thống kỹ thuật rối, gây thiệt thòi cho thí sinh khi có thí sinh đỗ thành trượt. Thực tế có trường hợp thí sinh như vậy hay không? Bộ GD-ĐT, các trường đã có những hỗ trợ như thế nào với những trường hợp thí sinh như vậy?

Kết quả trúng tuyển của thí sinh được công bố là dựa trên các thông tin từ dữ liệu kết quả thi tốt nghiệp THPT, cơ sở dữ liệu ngành, do thí sinh cung cấp (khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên) và các dữ liệu khác cùng các quy định tuyển sinh của cơ sở đào tạo; chỉ cần hơn kém 0,01 điểm hoặc tiêu chí phụ là đã có thể đỗ hoặc trượt, có thể trúng tuyển/không trúng tuyển ở trường này hay trường khác.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh năm 2022 được triển khai đồng bộ và triệt để. Có những thời điểm có tới hàng trăm ngàn lượt truy cập trong cùng khoảng thời gian trên Cổng thông tin tuyển sinh và Cổng dịch vụ công quốc gia dẫn tới khó có thể tránh khỏi việc xuất hiện một số vấn đề phát sinh hay sai sót. Tuy nhiên, tất cả các trường hợp sai sót hay khó khăn đều được tích cực khắc phục, giải quyết. Qua đó đảm bảo đầy đủ quyền lợi chính đáng của thí sinh ngay trong năm nay. Trong quá trình tổ chức đăng ký xét tuyển, lọc ảo và công bố kết quả, Bộ GD-ĐT đều đã hướng dẫn để tổ kỹ thuật và các trường đại học phối hợp sửa các lỗi nhầm lẫn, sai sót trong quá trình nhập dữ liệu của thí sinh nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của thí sinh. Đến nay, hầu hết các trường hợp sai sót đã được giải quyết, số còn lại đang được các trường tiếp tục rà soát và xử lý.

Ngoài một số khó khăn trong thanh toán phí xét tuyển trực tuyến (do nền tảng thanh toán trực tuyến quốc gia và một vài kênh thanh toán trực tuyến) và lỗi hiển thị thông tin trúng tuyển trong sáng ngày đầu tiên thí sinh xác nhận nhập học (ngày 18/9), cho tới thời điểm này, hệ thống đăng ký thi và xét tuyển của Bộ GD-ĐT không có bất kỳ lỗi nào gây thiệt thòi cho thí sinh.

Xin cảm ơn bà!

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10 năm học 2024-2025

Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10 năm học 2024-2025

(PNTĐ) - Để chuẩn bị triển khai công tác tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025, Sở  Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã xây dựng tờ trình UBND thành phố Hà Nội về phương án thi và được UBND Thành phố chấp thuận. Theo đó, năm học 2024-2025, Hà Nội tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập với ba môn gồm Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.
Để không rơi vào cảnh đỗ thành trượt

Để không rơi vào cảnh đỗ thành trượt

(PNTĐ) - Thời điểm này, nhiều trường đại học đã bắt đầu triển khai thực hiện xét tuyển sớm đại học. Theo đó, nhiều học sinh dù chưa tốt nghiệp THPT nhưng đã có đủ điều kiện trúng tuyển đại học theo phương thức xét tuyển sớm bằng học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, chứng chỉ ngoại ngữ... Tuy nhiên, nếu không cẩn thận những học sinh này cũng có thể rơi vào cảnh đỗ thành trượt.
Học sinh Hà Nội giành 2 giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia

Học sinh Hà Nội giành 2 giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia

(PNTĐ) - Trong 3 ngày (20, 21, 22/3/2024), tại tỉnh Bắc Giang, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) tổ chức Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023-2024. Kết quả tại cuộc thi này, học sinh thành phố Hà Nội đã xuất sắc giành 2 giải Nhất, 1 giải Ba.