Giúp con cai nghiện game online

Quỳnh An
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nghiện game không chỉ ảnh hưởng tâm sinh lý của trẻ mà còn để lại hệ lụy xã hội sâu sắc. Nhiều vụ án đau lòng xảy ra đặt cha mẹ và xã hội cần phải có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng trẻ nghiện game đang tăng.

Nghiện game online - đánh đổi tương lai

Như con thiêu thân, nhiều học sinh, sinh viên, thậm chí cả người trưởng thành đang đốt sức khỏe, thời gian vào những trò chơi thâu đêm suốt sáng. Đến lớp thiếu ngủ, tiếp thu bài kém, kết quả học tập sa sút, sức khỏe suy giảm, họ giam cầm chính bản thân và nhấn chìm tương lai trong những trò chơi online sau cánh cửa của phòng game. Thậm chí, để có tiền chơi game, nhiều người đã thực hiện hành vi phạm tội.

Mới đây, Công an Thành phố Hà Nội vừa bắt giữ đối tượng Trương Việt Hùng, trú Thanh Châu A, TP Phủ Lý, Hà Nam để điều tra hành vi giết người, cướp tài sản. Thông tin cho biết, do mâu thuẫn cá nhân, nên sáng 12/2024, Hùng đến tòa nhà chung cư nơi chị Q - nạn nhân, sinh sống. Khi thấy chị Q đến vị trí đỗ xe ôtô, đối tượng đã đứng phía sau siết cổ chị đến chết. Sau đó, Hùng đã kéo chị Q vào xe ôtô rồi lái xe sang bên kia cầu Đông Trù. Hùng đã chiếm đoạt 16 triệu đồng của chị Q rồi nạp vào tài khoản để chơi game. Hùng tiếp tục lái xe ôtô đến một chung cư trên địa bàn quận Long Biên cất giấu xe và xác chị Q tại hầm để xe rồi bỏ đi. Đến sáng 13/4, Hùng bắt xe về Hà Nam để chơi game và nghỉ tại đây. Đến ngày 16/4, đối tượng đang đi lang thang ở Quốc lộ 1A thì bị lực lượng công an phát hiện, bắt giữ.

Trước đó, ngày 21/12/2023, do mâu thuẫn trong việc chơi game, một học sinh lớp 10 ở thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định đã bị nhóm bạn học cùng trường đánh hội đồng khiến xương chính mũi bị gãy, phải nhập viện cấp cứu. Cụ thể, khoảng 11h15 ngày 20/12, sau khi hết giờ học, khi em Nguyễn Thành Thương vừa bước ra khỏi lớp thì bất ngờ bị em Bùi Anh Phi (học sinh lớp 10A5 cùng trường) xô ngã rồi đánh tới tấp vào mặt, vào đầu. Sau đó, một nhóm học sinh học cùng lớp em Phi tiếp tục xông vào hành hung em Thương, khiến em này bị thương ở mũi và vùng mặt. Theo gia đình nạn nhân, việc em Thương bị nhóm bạn cùng trường hành hung xuất phát từ việc mâu thuẫn do chơi game trên mạng internet.

Giúp con cai nghiện game online - ảnh 1
Ảnh minh họa

Trước đó, vì nghiện game online, cần tiền tiêu xài, 4 thiếu niên ở TP Hồ Chí Minh đã rủ nhau giật giỏ xách của du khách. Nhóm băng cướp “nhí” này sinh vào các năm 2002, 2003. Tại cơ quan công an, các thiếu niên này khai đã bỏ học, tụ tập chơi game và thiếu tiền nên rủ nhau đi cướp giật. Lực lượng công an đã trả lại tang vật là 7,5 triệu đồng cùng điện thoại cho 2 du khách quốc tịch Mỹ.

Tại tỉnh Quảng Bình, một nhóm trẻ em liều lĩnh dùng búa đập tường rồi đột nhập vào tiệm bán điện thoại của một hộ dân trên địa bàn để trộm 3 điện thoại, bán lấy tiền đi chơi game. Tại cơ quan công an, cả 3 đối tượng chỉ mới 15-16 tuổi, đều khai nhận do nghiện game nên đã cùng hẹn nhau đi trộm cắp…

Nhiều hệ luỵ sức khoẻ tâm thần

Các chuyên gia cảnh báo, nghiện trò chơi điện tử gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng về tâm lý cũng như sự phát triển của trẻ, gây nhiều hệ lụy về sức khỏe tâm thần.

Ở Việt Nam, hiện chưa có thống kê chính thức về số người nghiện game online. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến khám trong tình trạng rối loạn tâm thần, hoang tưởng liên quan tới internet và game online. Trong nhóm 10-24 tuổi có vấn đề về sức khỏe tâm thần, thì nghiện internet và game chiếm tới 43%.

ThS, chuyên gia tâm lý học đường Trần Thị Mạnh Linh cho biết, quá trình trị liệu tâm lý cho nhiều trẻ nghiện game cho thấy, phần lớn trẻ đều cho rằng khi bước vào thế giới ảo trẻ có thể thể hiện được giá trị của bản thân mà không bị phán xét, lâu dần trẻ bị cuốn hút vào các trò chơi game hoặc bị lôi kéo bởi các đội nhóm dẫn đến nghiện game.

Theo Ths Mạnh Linh, một số biểu hiện của trẻ nghiện game như: Lúc nào cũng nghĩ về game, cầm điện thoại liên tục, khi không có điện thoại thì bồn chồn, ủ rũ, khó chịu trong người, dễ cáu giận... từ đó bỏ bê học hành hoặc học cho có. Nếu tình trạng kéo dài có thể dẫn đến kết quả học tập sa sút ảnh hưởng đến tương lai của trẻ hoặc trẻ chống đối gia đình, thậm chí chống đối xã hội, không muốn tiếp xúc với ai, hay cáu bực mình khi bị làm phiền, hoặc có thể dẫn đến trầm cảm, tự tử...

Ngoài nghiện game, hậu quả của việc nghiện Internet có thể đưa đến tình trạng có những thay đổi tiêu cực về mặt cảm xúc của trẻ như chán nản, cáu gắt, lo âu, căng thẳng... Từ đó, nhiều rối loạn tâm thần như lo âu, trầm cảm có thể xuất hiện và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, sử dụng Internet liên tục, kéo dài còn có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ…

Giúp con cai nghiện game online - ảnh 2
Ảnh minh họa

Cha mẹ cần kiểm soát chặt chẽ

Cùng với các biện pháp quản lý game của Nhà nước, trước tiên, các gia đình cần giáo dục, định hướng con mình ngay từ nhỏ. Những hành vi của cha mẹ đối với con như dỗ trẻ ăn bằng cách cho con chơi game, lấy game để con tự chơi; cha mẹ không quan tâm, giám sát đến con, tự hào khi con chơi thắng hoặc có thể kiếm tiền trên game... chính là khởi nguồn cho chứng nghiện game của trẻ sau này. Nhiều đứa trẻ coi game là thú chơi giải trí, giải tỏa stress, căng thẳng, làm giàu nhanh chóng mà không cần bằng cấp, không bị giám sát, không sợ trách nhiệm.

Ths Mạnh Linh cho rằng, khi thấy con mình nghiện game cha mẹ bình tĩnh tìm hiểu con, có thể bước vào thế giới của con, đồng quan điểm với con, trên cơ sở đó dẫn dắt và chỉ đường cho con để trẻ không lầm đường lạc lối. Chỉ khi bản thân tự ý thức được tác hại lúc đó trẻ mới tự giác, nếu cấm đoán, càng làm cho trẻ có hành vi chống đối, rối ren thêm.

Cha mẹ đừng lạm dụng công nghệ để giao tiếp với con cái, bạn bè trước mặt con mà chủ động tạo thói quen trò chuyện với nhau và với con khi về nhà để giúp con giảm nhu cầu với công nghệ. Khi nói chuyện, cha mẹ cần tránh kết tội game mà bình tĩnh nói chuyện với con về mặt tích cực của game và định hướng vận dụng mặt tích cực đó vào cuộc sống, không nên hoảng hốt, mắng chửi, đánh đập con nếu con có những biểu hiện nghiện game.

Cha mẹ cũng cần xem lại đời sống tâm lý trong gia đình có điều gì khiến trẻ cảm thấy cô  đơn, hẫng hụt không? “Cha mẹ hãy cùng con xây dựng kế hoạch giảm thời lượng chơi game trả lại thời gian cho các hoạt động khác, trong đó có hoạt động học tập và thể chất để có được sự phát triển hài hòa; xây dựng phác đồ can thiệp cho con, không để con sử dụng game với thời lượng quá nhiều như trước. Trên hết, cha mẹ hãy dành thời gian quan tâm, vui chơi, sát sao với việc quản lý thời gian biểu của con em mình” - ThS Mạnh Linh nói.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường những biện pháp quản lý hoạt động kinh doanh liên quan đến các loại game. Trọng tâm là cần nghiêm cấm các doanh nghiệp phát hành các game có nội dung gây cảm giác ghê sợ, rùng rợn, kích động bạo lực, kích thích dâm ô, trụy lạc, trái với truyền thống đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; miêu tả các hành động tự tử, sử dụng ma túy, uống rượu, hút thuốc, khủng bố, hành động ngược đãi, xâm hại, buôn bán trẻ em, đánh bạc và các hành vi pháp luật không cho phép...

Chính quyền các địa phương và các ngành chức năng cần đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong học đường một cách thiết thực, hiệu quả. Chú trọng tuyên truyền về những hệ lụy, tác hại từ việc “nghiện game”.

Cơ quan công an các địa phương cần tăng cường sự kết nối với gia đình, nhà trường, các đoàn thể chính trị xã hội để ngăn chặn tệ nạn “nghiện game” trong giới trẻ. Đó cũng là giải pháp góp phần ngăn chặn hành vi phạm tội, ngăn chặn các vụ việc thương tâm do những đối tượng “nghiện game” gây ra.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội di dời các hộ dân ở chung cư cũ tới trường học để tránh bão

Hà Nội di dời các hộ dân ở chung cư cũ tới trường học để tránh bão

(PNTĐ) - Nhiều hộ dân đã được di dời khẩn cấp khỏi các khu nhà tập thể xuống cấp nghiêm trọng ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) để tránh bão Yagi trong đêm 6/9.  Phường Tân Mai (quận Hoàng Mai) bố trí nơi ở tạm cho các hộ dân chung cư A7 Tân Mai tại 10 phòng học Trường Tiểu học Tân Mai, tránh bão số 3.
Sẵn sàng cho người dân vào tránh trú trong các cơ sở giáo dục có điều kiện cơ sở vật chất an toàn

Sẵn sàng cho người dân vào tránh trú trong các cơ sở giáo dục có điều kiện cơ sở vật chất an toàn

(PNTĐ) - Ngày 7/9/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công điện số 1188/CĐ-BGDĐT gửi Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh/thành phố phía Bắc từ Nghệ An trở ra về việc tăng cường ứng phó với cơn bão số 3. Trong đó yêu cầu triển khai sẵn sàng cho người dân vào tránh trú trong các cơ sở giáo dục có điều kiện cơ sở vật chất an toàn.