Gỡ khó cho trường nghề

Chia sẻ

Cùng với khó khăn thường nhật, dịch Covid-19 kéo dài càng ảnh hưởng không nhỏ tới công tác tuyển sinh ở nhiều trường nghề. Tuy nhiên, thay vì chấp nhận hoàn cảnh, nhiều trường đang nỗ lực gia tăng mức độ tiếp cận và thu hút thí sinh.

Học sinh trường CĐ Nghề công nghệ cao Hà NộiHọc sinh trường CĐ Nghề công nghệ cao Hà Nội

Còn nhiều chỉ tiêu “trống”

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) Hà Nội, năm 2020, mạng lưới 21 trường trung cấp (TC), cao đẳng (CĐ) công lập thuộc Thành phố đặt mục tiêu tuyển gần 19.000 chỉ tiêu. Tính đến tháng 9/2020, các trường đã tuyển sinh được 2.514 người học trình độ CĐ, đạt 31,5% kế hoạch; 6.520 người học trình độ TC, đạt 60,6%... Tính chung, kết quả tuyển sinh của 21 trường nghề công lập từ đầu năm 2020 đến nay mới đạt 48,2% chỉ tiêu.

Lý giải cho sự khó khăn này, theo ông Phạm Quang Vinh, Hiệu trưởng trường TC nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long, dịch Covid-19 đã khiến nhiều lao động bị mất việc, còn thị trường lao động cũng không có nhiều cơ hội việc làm. Vì thế, nhiều người hoang mang, gặp khó khăn định hướng, chuyển đổi nghề nghiệp.

Bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH Hà Nội đưa ra nguyên nhân về việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông vẫn chưa được thực hiện hiệu quả khiến đa phần học sinh sau khi tốt nghiệp THPT chọn học tiếp lên đại học dẫn tới tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM: Hiện nay, thị trường lao động Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng nhiều lao động chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Trong khi đó, hệ thống giáo dục nghề nghiệp lại chưa thể lôi cuốn, hấp dẫn được người học. Vì thế, tuy nhiều học viên sau khi ra trường có việc làm nhưng cơ hội thăng tiến lại hạn chế. Đặc biệt, trong bối cảnh Việc Nam đang hội nhập sâu, rộng, lao động trong nước sẽ phải cạnh tranh với lao động từ nhiều quốc gia khác tới làm việc. Sức ép cạnh tranh này càng lớn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều người có nguy cơ bị mất việc làm.

Biến khó khăn thành động lực

Trong mặt bằng khó khăn chung của hệ thống trường nghề, Hà Nội vẫn có nhiều trường TC, CĐ qua 9 tháng đạt chỉ tiêu đáng khích lệ, ở mức trên dưới 70% như CĐ Cộng đồng Hà Tây 78,8%; CĐ nghề Việt Nam - Hàn Quốc TP Hà Nội 78%, CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội 69,3%... Trường TC nghề Tổng hợp Hà Nội 116,9%, TC nghề Giao thông công chính Hà Nội 73,8%, TC nghề Cơ khí I Hà Nội 69,9%...

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, hiện nay, ghi nhận một thực tế là đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức ở một bộ phận giới trẻ. Nhiều bạn đã sớm nhận ra cơ hội khi theo học trường nghề như chi phí học tập thấp, có cơ hội sớm được gia nhập thị trường lao động. Vì thế, nếu các trường biết cách tiếp cận thí sinh, quảng bá thương hiệu và có nhiều hỗ trợ thiết thực đối với người học thì sẽ gia tăng sức hút và góp phần tăng tỷ lệ học sinh chọn học nghề lên cao hơn.

Đây cũng chính giải pháp được trường CĐ Công nghệ quốc tế Lilama 2 chọn thực hiện. Trước tình hình nhiều người thất nghiệp vì dịch Covid-19, trường CĐ Công nghệ quốc tế Lilama 2 đã triển khai dự án đào tạo miễn phí, hỗ trợ ăn ở và bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp cho người thất nghiệp hoặc chưa có việc làm vì dịch Covid-19.

Theo thạc sĩ Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng trường CĐ Công nghệ quốc tế Lilama 2, trường đào tạo 15 khóa học cho 4 ngành nghề, gồm lắp đặt – vận hành và bảo trì hệ thống điện khí nén, kỹ thuật hàn, kỹ thuật gia công cơ khí , kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển tự động hóa. Học viên được đào tạo trong thời gian 2 tháng, sau khi tốt nghiệp sẽ nhận chứng chỉ sơ cấp nghề và được bố trí việc làm. Ngoài việc không phải đóng học phí, mỗi học viên còn được hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/ngày, tiền lưu trú, đi lại là 500.000/tháng và hỗ trợ khoảng gần 3 triệu đồng sau khi tốt nghiệp. Bằng cách này, trường đã tạo được sức hút và thể hiện sự “đồng hành” với người lao động trong giai đoạn khó khăn.

Năm 2019, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã cho ra mắt phiên bản nâng cấp ứng dụng chọn nghề - chọn trường trên thiết bị di động. Thông qua ứng dụng, học sinh có thể dễ dàng đăng ký dự tìm hiểu ngành/nghề đào tạo, trường đào tạo, khai báo thông tin đăng ký trường và ngành/nghề muốn theo học. Từ đó, các trường sẽ xem xét phản hồi và gửi thông báo trúng tuyển tới thí sinh. Chỉ khi nhập học, học viên mới phải trực tiếp nộp hồ sơ giấy. Tính đến giữa năm 2019, đã có hơn 900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được cấp tài khoản để tự động cập nhật lên ứng dụng này.

Theo ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, hình thức xét tuyển trực tuyến rất thuận tiện, nhanh chóng cho cả thí sinh và các nhà trường, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19. Bên cạnh đó, trường nghề cũng có lợi thế là có thể tuyển sinh quanh năm, theo nhiều đợt. Vì vậy, chỉ cần các trường mạnh dạn đổi mới, linh hoạt phương thức tuyển sinh sẽ gia tăng cơ hội tiếp cận thí sinh.

TRUNG THU

Tin cùng chuyên mục

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có tân Tổng giám đốc

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có tân Tổng giám đốc

(PNTĐ) - Ngày 26/4/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định 1279/QĐ-BGDĐT bổ nhiệm Ông Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật làm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam kể từ ngày 15/5/2024. Thời hạn giữ chức vụ là 5 năm.