Tăng học sinh đầu cấp năm học 2024-2025:

Hà Nội khó thực hiện quy định chuẩn 35 học sinh/lớp

Giang Nam
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD- ĐT) vừa ban hành hướng dẫn các Sở GD-ĐT triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với giáo dục tiểu học, trong đó yêu cầu sĩ số bậc tiểu học không quá 35 em/lớp. Với Hà Nội, yêu cầu này khó thực hiện khi số học sinh tiểu học năm nay tăng thêm 7.000 em.

Hà Nội khó thực hiện quy định chuẩn 35 học sinh/lớp - ảnh 1
Nhiều lớp học tại Hà Nội có sĩ số 50 học sinh/lớp. Ảnh minh họa

 Rà soát, quy hoạch hợp lý mạng lưới trường, lớp

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Công văn số 3898/BGDĐT-GDTH gửi các Sở GD-ĐT về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2024-2025. Theo đó, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, để triển khai hiệu quả nhiệm vụ, Bộ GD-ĐT hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ cụ thể; trong đó có nhiệm vụ thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp; củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục. 

Cụ thể, về rà soát, quy hoạch hợp lý mạng lưới trường, lớp, Bộ yêu cầu các Sở GD-ĐT triểu khai rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục tiểu học theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, bảo đảm thực hiện giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc theo quy định tại Luật Giáo dục 2019 và công bằng trong tiếp cận giáo dục, theo hướng thuận lợi cho việc học của học sinh gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông; khắc phục tình trạng nhiều điểm trường lẻ, trường học có quy mô nhỏ, trường học có quy mô lớp học và sĩ số học sinh/lớp vượt quá quy định; tổ chức sơ kết, đánh giá việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục tiểu học của địa phương.

Hà Nội khó thực hiện quy định chuẩn 35 học sinh/lớp - ảnh 2
 Theo Điều lệ trường tiểu học, Bộ GD-ĐT quy định trong năm học 2024-2025, mỗi lớp học có không quá 35 học sinh do một giáo viên chủ nhiệm phụ trách. 

Khi thực hiện quy hoạch, dồn ghép trường, lớp cần ưu tiên thực hiện dồn ghép các trường tiểu học có quy mô nhỏ với nhau bảo đảm thực hiện đúng quy định của Điều lệ trường tiểu học; có thể bố trí điểm trường để tạo điều kiện thuận lợi cho người học (có thể thành lập trường tiểu học liên xã, liên phường) không thành lập trường liên cấp Mầm non-Tiểu học.

Về tăng cường cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, Bộ GD-ĐT yêu cầu bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Các Sở GD-ĐT chủ động tham mưu UBND cấp tỉnh thực hiện rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục tiểu học bảo đảm phù hợp với thực tiễn, có các biện pháp, phương án cụ thể giải quyết vấn đề trường, lớp tại từng địa bàn, đáp ứng nhu cầu đến trường của học sinh và không để tình trạng gây bức xúc trong nhân dân; bảo đảm học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày.

Như vậy, theo Điều lệ trường tiểu học, Bộ GD-ĐT quy định trong năm học 2024-2025, mỗi lớp học có không quá 35 học sinh do một giáo viên chủ nhiệm phụ trách. Mỗi lớp học hoà nhập có không quá 2 học sinh khuyết tật, trường hợp đặc biệt, hiệu trưởng căn cứ vào điều kiện thực tế để sắp xếp, bố trí thêm học sinh khuyết tật trong một lớp học để đảm bảo cho những học sinh khuyết tật có nhu cầu và có khả năng học tập đều được đi học…

Quá tải trường lớp, Hà Nội khó đáp ứng quy định
Trước yêu cầu chuẩn sĩ số lớp học theo quy định 35 học sinh/lớp, Hà Nội rất khó thực hiện, do là một trong những địa phương năm nào cũng có áp lực tăng học sinh đầu cấp với số lượng lớn. 

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, trong năm học 2024-2025, số lượng học sinh vào lớp 1 ở Hà Nội tăng 7.000; lớp 6 tăng 58.000, lớp 10 tăng 5.000 so với năm học 2023-2024. Việc tăng số lượng tuyển sinh đầu cấp năm sau luôn cao hơn năm trước luôn khiến Hà Nội đối diện với việc quá tải trường, lớp vào đầu năm học. Giải pháp để giải quyết trình trạng quá tải là Hà Nội năm nào cũng phải xây thêm trường và thêm lớp học.

Hà Nội khó thực hiện quy định chuẩn 35 học sinh/lớp - ảnh 3
 Việc thực hiện đúng theo quy định chuẩn sĩ số theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT đưa ra 35 học sinh/lớp đối với Hà Nội chỉ thực hiện được đối với trường ngoài công lập, còn trường công lập là bất khả thi

Tuy nhiên, tốc độ xây trường học mới vẫn chưa thể đáp ứng đủ so với tốc độ gia tăng học sinh đầu cấp hàng năm. Hà Nội vẫn chưa đáp ứng đủ trường công lập cho nhu cầu học tập của học sinh hiện nay. Năm học 2024-2025, Hà Nội mới chỉ đáp ứng cho 60% học sinh được vào học trường công lập, còn 40% phải học ở hệ thống ngoài công lập và các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp.

 Phổ biến, nhiều quận, huyện có tỷ lệ tăng học sinh đầu cấp cao, sĩ số trung bình lớp học dao động từ 40-50 học sinh/lớp, thậm chí là trên 50 học sinh/lớp. Dẫn chứng từ số lượng giao chỉ tiêu và phân tuyến tuyển sinh lớp 1 năm học 2024-2025 của các quận, huyện của Hà Nội cho thấy rõ tình trạng này. Cụ thể, tại quận Nam Từ Liêm, năm nay, số học sinh trong độ tuổi tuyển sinh qua điều tra trên địa bàn quận là 6.242 em, trong khi số trường tiểu học công lập hiện chỉ có 14 trường, trường ngoài công lập có 12 trường.

Để đáp ứng đủ chỗ học cho số học sinh đầu cấp, quận Nam Từ Liêm đã thực hiện phân tuyến tuyển sinh theo khu vực, trong đó giao 5.276 chỉ tiêu với 111 lớp cho 14 trường tiểu học công lập, trung bình sĩ số 47 học sinh/lớp; giao 3.491 chỉ tiêu với 118 lớp cho 12 trường ngoài công lập (thực hiện tuyển sinh không phân tuyến). 

 Đối với các trường tiểu học công lập, một số trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh khi phân tuyến có sĩ số lớp cao trên 50 học sinh/lớp như: Trường Cầu Diễn, số học sinh trong độ tuổi tuyển sinh qua điều tra trên địa bàn là 863 em, chỉ tiêu giao chỉ có 364 học sinh, với 7 lớp, trung bình sĩ số 52 học sinh/lớp. Trường Đại Mỗ, số học sinh trong độ tuổi tuyển sinh qua điều tra trên địa bàn là 550 em, chỉ tiêu giao chỉ có 500 học sinh, với 9 lớp, trung bình sĩ số 55,6 học sinh/lớp.

Trường Mễ Trì, số học sinh trong độ tuổi tuyển sinh qua điều tra trên địa bàn là 567 em, chỉ tiêu giao chỉ có 385 học sinh, với 7 lớp, trung bình sĩ số 55 học sinh/lớp. Trường Mỹ Đình 2, số học sinh trong độ tuổi tuyển sinh qua điều tra trên địa bàn là 468 em, chỉ tiêu giao chỉ có 312 học sinh, với 6 lớp, trung bình sĩ số 52 học sinh/lớp…

Tại quận Hà Đông, sĩ số lớp tiểu học đầu cấp được giao chỉ tiêu tuyển sinh theo tuyến năm nay cũng ở mức cao, dù năm nay quận đã xây mới thêm 91 phòng học. Cụ thể, năm học 2024-2025, quận Hà Đông có 37 trường tiểu học, 6 trường liên cấp, 1.279 lớp và 55.762 học sinh. So với năm học 2023-2024 tăng thêm 33 lớp, 1.412 học sinh.

Các trường có sĩ số lớp học cao như: Trường La Kê sĩ số lớp đầu cấp tiểu học là 49,5 học sinh/lớp; Trường Nguyễn Trãi có 48,7 học sinh/lớp. Trường Lê Hồng Phong có 46 học sinh/lớp; Trường Văn Yên, Trường Nguyễn Du có 50 học sinh/lớp….

Quận Cầu Giấy, năm nay có tổng số học sinh trong độ tuổi điều tra tuyển sinh lớp 1 có 5.264 em, trong khi quận giao 4.745 chỉ tiêu, 99 lớp cho 13 trường tiểu học công lập, trung bình sĩ số 48 học sinh/lớp.

Như vậy, với thực tiễn này, việc thực hiện đúng theo quy định chuẩn sĩ số theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT đưa ra 35 học sinh/lớp đối với Hà Nội chỉ thực hiện được đối với trường ngoài công lập, còn trường công lập là bất khả thi.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chủ động ứng phó với bão số 4: Cho học sinh nghỉ học khi cần thiết

Chủ động ứng phó với bão số 4: Cho học sinh nghỉ học khi cần thiết

(PNTĐ) - Ngày 19/9, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn gửi công điện cho Giám đốc Sở GD&ĐT nhiều tỉnh, thành phố về việc chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới, có khả năng mạnh lên thành bão. Bộ trưởng yêu cầu các Sở GD&ĐT cân nhắc cho học sinh nghỉ học khi cần thiết, đặc biệt ở các khu vực dễ bị ảnh hưởng do mưa bão.
Cần đánh giá tác động của học phí đến học sinh

Cần đánh giá tác động của học phí đến học sinh

(PNTĐ) - Mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chất lượng cao của thành phố Hà Nội năm học 2024-2025 dự kiến sẽ tăng từ 3-10%. Nhiều chuyên gia cho rằng cần đánh giá tác động thực tiễn khi tăng mức thu học phí.
Phát động ngành Giáo dục ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3

Phát động ngành Giáo dục ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3

(PNTĐ) - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kêu gọi toàn ngành Giáo dục, các cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, học sinh, sinh viên, cùng các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành hãy chung tay, góp sức bằng vật chất, tinh thần, bằng sự hỗ trợ, động viên, kết nối để cùng chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng bão lũ nói chung và với ngành Giáo dục các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc nói riêng.