Hoàn thành mục tiêu xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia: Cần giải pháp đồng bộ

Chia sẻ

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều cố gắng để hoàn thành mục tiêu xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, toàn thành phố đã đạt tỷ lệ 71,6%, cao hơn so với Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND ngày 5-4-2012 của HĐND thành phố yêu cầu đạt 65%-70%. Thực tế lại có sự không đồng đều ở các cấp học, các địa phương với nhiều nguyên nhân.

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, rất cần những giải pháp đồng bộ cả trước mắt và lâu dài cho vấn đề này.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố khảo sát cơ sở vật chất tại Trường Tiểu học Thủ Lệ (quận Ba Đình).Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố khảo sát cơ sở vật chất tại Trường Tiểu học Thủ Lệ (quận Ba Đình).

Chưa đồng đều ở các cấp học

Giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội cho thấy, đến tháng 5-2020, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn thành phố đạt 71,6%. Tuy nhiên, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia chưa đồng đều ở các cấp học, địa phương.

Đại biểu chuyên trách Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Phạm Thị Thanh Hương cho biết, khối trường mầm non hiện khó khăn nhất, mới đạt 61,5%. Đáng lưu ý, tại quận Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm chưa có trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Một số quận, huyện có tỷ lệ trường đạt chuẩn thấp như: Ba Đình (50%), Mỹ Đức (59%), Phú Xuyên (55,1%), Ba Vì (48,2%).

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) Nguyễn Thị Hương chia sẻ, mặc dù trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, song do nằm trên địa bàn có biến động dân cư lớn, học sinh tăng nhanh nên sĩ số trung bình hiện là 53 học sinh/lớp, vượt nhiều so với quy định.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến (thành viên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội) nhận định, các trường khu vực nội thành thường thiếu diện tích sân chơi. Các trường ở ngoại thành thì thiếu phòng học, phòng bộ môn, thiết bị đồ dùng dạy học. “Nguyên nhân do dân số cơ học tăng nhanh, nhiều chủ đầu tư dự án khu đô thị mới không thực hiện cam kết xây trường học. Ngoài ra, việc huy động xã hội hóa còn khó khăn. Có doanh nghiệp hứa hỗ trợ nhưng khi khởi công xây trường vẫn chưa chuyển kinh phí. Trong khi đó, lại không có chế tài xử lý việc này”, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Chử Xuân Dũng, đối với các quận, việc mở rộng trường với giải pháp nâng tầng để tăng diện tích sử dụng cũng gặp khó khăn, bởi Bộ Xây dựng phải xem xét với từng dự án cụ thể. Cùng với đó, việc thẩm định hồ sơ xây dựng, hồ sơ phòng cháy, chữa cháy mất nhiều thời gian, dẫn đến chậm tiến độ các dự án xây dựng mới và sửa chữa trường học.

“Các quận thì thiếu đất, các huyện thì thiếu tiền cùng với nhiều quy trình thủ tục hành chính, dẫn đến chậm trễ trong xây dựng, cải tạo, sửa chữa trường học. Từ đó kéo theo tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn thành phố chưa như mong muốn”, ông Chử Xuân Dũng thông tin.

Cần có cơ chế, chính sách phù hợp

Theo Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng (thành viên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố), để bảo đảm chỉ tiêu xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia đồng đều ở các cấp học, đối với các quận nội đô như: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng không còn quỹ đất, cần áp dụng giải pháp nâng tầng và lắp thang máy. Các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Tây Hồ cần kiến nghị sớm di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường để dành quỹ đất xây trường học.

Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Văn Thắng đề xuất, trước mắt, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố cần phân luồng tốt để học sinh sống ở đâu học ở đó, hạn chế học trái tuyến. Đồng thời rà soát tổng thể các trường được phép nâng tầng, đề xuất cơ chế đặc thù hoặc phân cấp về thủ tục để việc xây, sửa trường học của Hà Nội được thuận lợi hơn.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương (Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố) cho rằng, cần đẩy mạnh việc kêu gọi xã hội hóa ở tất cả các cấp học và đầu tư xây dựng đạt chuẩn ngay từ đầu. Bởi hiện tại, việc thu hút nguồn lực này mới làm nhiều ở khối mầm non.

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Thanh Bình cho biết, ngoài những giải pháp trên, các sở, ngành, quận, huyện cần đôn đốc chủ đầu tư các khu đô thị nghiêm túc xây dựng trường học như cam kết; tham mưu với UBND thành phố không giao dự án mới khi chưa hoàn thành việc xây trường học ở dự án đã triển khai.

“Đối với khu vực ngoại thành, ngoài việc UBND các huyện bố trí vốn xây dựng trường theo thứ tự ưu tiên, thì UBND thành phố cần rà soát tổng thể, từ đó kiến nghị với HĐND thành phố những cơ chế, chính sách phù hợp thực tiễn nhằm hoàn thành mục tiêu xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia các cấp học”, ông Nguyễn Thanh Bình nói.

Được biết, Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BXD về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình, có hiệu lực từ ngày 1-7-2020. Theo đó, các trường phổ thông được xây dựng tối đa 5 tầng. Đây sẽ là cơ sở quan trọng giúp các trường học ở nội thành Hà Nội nâng tầng, giải quyết tình trạng thiếu lớp, quá tải học sinh như hiện nay.

VIỆT TUẤN/HNM

Theo http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Giao-duc/970828/hoan-thanh-muc-tieu-xay-dung-truong-cong-lap-dat-chuan-quoc-gia-can-giai-phap-dong-bo

Tin cùng chuyên mục

Kế hoạch hoạt động cùng con của “mẹ bỉm”

Kế hoạch hoạt động cùng con của “mẹ bỉm”

(PNTĐ) - Trước giờ, nghe đến cụm từ “kế hoạch” chúng ta hẳn sẽ nghĩ rằng dành cho người lớn. Nhưng theo “mẹ bỉm” Hồng Phấn (trú tại TP Hồ Chí Minh) xây dựng kế hoạch tuần để áp dụng cho con là việc làm khoa học, cần thiết.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có tân Tổng giám đốc

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có tân Tổng giám đốc

(PNTĐ) - Ngày 26/4/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định 1279/QĐ-BGDĐT bổ nhiệm Ông Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật làm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam kể từ ngày 15/5/2024. Thời hạn giữ chức vụ là 5 năm.