Dự thảo Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025:

Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc, không còn 2 bài thi tổ hợp

Nguyễn Mai
Chia sẻ

(PNTĐ) -Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành Dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) dự kiến áp dụng từ năm 2025 nhằm bảo đảm thống nhất, đồng bộ với lộ trình triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và lộ trình tự chủ giáo dục đại học. Tuy nhiên đã có những quan điểm trái chiều từ các chuyên gia, nhà giáo trong quá trình lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo.

Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc, không còn 2 bài thi tổ hợp - ảnh 1
Học sinh dự thi tốt nghiệp PTTH năm 2022 ở Hà Nội. Ảnh: Thống Nhất

Phương án thi tốt nghiệp THPT có nhiều điểm mới
Theo phương án Dự thảo thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT, giai đoạn 2025-2030 sẽ giữ ổn định phương thức thi trên giấy; đồng thời tăng cường ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện.

Về môn thi, hình thức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ được tổ chức thi theo môn. Trong đó, các môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử (đối với giáo dục phổ thông); Ngữ văn, Toán, Lịch sử (đối với giáo dục thường xuyên) và các môn học lựa chọn ở bậc THPT gồm: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Thí sinh học chương trình THPT dự thi 4 môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học. Thí sinh học chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT dự thi 3 môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học. 

Như vậy, với sự điều chỉnh này, từ năm 2025, điểm mới nổi bật trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT là Lịch sử sẽ trở thành môn thi bắt buộc và sẽ không còn 2 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội như hiện nay.

ThS Ngô Văn Nghĩa, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Quốc Trinh, Hà Nội cho hay: Nhà trường đã chuyển Dự thảo tới tất cả các cán bộ, giáo viên của trường. Sau đó, họp tổ chuyên môn, thống nhất ý kiến trên cơ sở ý kiến của từng thành viên. Kết quả, 100% đều nhất trí với nội dung dự thảo. Với việc đánh giá kết quả học tập của học sinh sau quá trình học THPT, tôi cho rằng nội dung dự thảo rất ổn, phù hợp, vì đã bao quát được và sẽ đánh giá được chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ngoài ra, nếu các trường vẫn giữ các phương án tuyển sinh như hiện nay, việc cung cấp kết quả cho các trường tuyển sinh cũng sẽ phù hợp, thuận lợi hơn cho các trường. 

Cần cân nhắc, xem xét một số nội dung 
Trong quá trình lấy ý kiến, nhiều nội dung dự thảo nhận được những quan điểm trái chiều, trong đó có nội dung dùng kết quả kỳ thi để xét tuyển đại học, cao đẳng.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho hay, đa số các trường đại học, việc xét tuyển vẫn nên dựa vào kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Chỉ có một số ít những trường, ngành hot, ngành đặc biệt nên có thêm một kỳ thi phụ, hoặc tổ chức kỳ thi riêng. Bởi nếu đề thi phân hóa tốt thì vẫn đạt được cùng một lúc yêu cầu về xét tốt nghiệp cũng như xét tuyển đại học.

Trước nhiều ý kiến phản đối, cho rằng kỳ thi tốt nghiệp không nên kèm theo vai trò tuyển sinh, ông Khuyến cho biết, mình tán thành nội dung này của dự thảo Luật. Bởi phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 29, đó là giảm tối thiểu sự phiền hà cho thí sinh. Tuy nhiên, một số nội dung dự thảo khiến ông Khuyến băn khoăn. Đầu tiên, đó là nội dung môn Lịch sử có thể trở thành một trong 4 môn thi tốt nghiệp THPT.

Ông Khuyến cho hay, vừa rồi, Bộ GD-ĐT cũng đã quyết định đưa Lịch sử trở thành môn học bắt buộc ở bậc THPT. Theo Bộ GD-ĐT, việc điều chỉnh môn Lịch sử từ tự chọn sang bắt buộc sẽ theo các nguyên tắc cơ bản, trong đó, không thay đổi cấu trúc chương trình đã ban hành, củng cố kiến thức phổ thông ở giai đoạn giáo dục cơ bản. Để Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc, Bộ cần điều chỉnh theo hướng không có những kiến thức nâng cao, mà chỉ là kiến thức cơ bản, kéo “giãn” từ bậc THCS (theo thiết kế Lịch sử là môn học tự chọn ở bậc THPT trước đó, kiến thức cơ bản sẽ kết thúc ở bậc THCS). “Bởi nếu là kiến thức nâng cao thì chỉ là môn tự chọn, chứ không thể là bắt buộc được, kể cả trong học hay thi”- ông Khuyến nói.

Cũng liên quan tới môn thi “bắt buộc”, ông Khuyến cho hay. Theo dự thảo, đề thi sẽ được xây dựng theo định hướng chú trọng phát triển năng lực. Đây là xu hướng của thế giới và cũng theo tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, phải hiểu cho đúng điều này, tiếp cận năng lực là khi chương trình có những môn tự chọn, tùy theo năng lực của học sinh; chứ đã là “bắt buộc” thì lại không phải theo năng lực nữa, mà là tiếp cận nội dung. Vì thế, nếu đề thi theo hướng tiếp cận năng lực, trong khi môn học lại là “bắt buộc” thì tôi cho rằng có điểm không hợp lý.

Góp ý về đề thi, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng, để thúc đẩy việc học sinh vận dụng kiến thức vào thực tiễn, nên tăng cường tỷ lệ câu hỏi từ 25% lên 30-40%. Với môn thi, Bộ GD-ĐT nên kết hợp với các trường đại học để xây dựng thành các mã ngành phù hợp yêu cầu tuyển sinh, giúp phụ huynh thuận lợi trong việc lựa chọn.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.