Nhà trường ép học sinh đăng ký uống sữa học đường: Phòng GD-ĐT Cầu Giấy nói “không”

Chia sẻ

PNTĐ-Lãnh đạo phòng GD-ĐT Cầu Giấy (Hà Nội) khẳng định: “Không có chuyện giáo viên, nhà trường ép buộc học sinh đăng ký uống sữa học đường..."

  
Theo thông báo ngày 4/9/2019 của trường Tiểu học Trung Yên (quận Cầu Giấy) gửi đến phụ huynh học sinh thì đã gộp khoản thu tiền sữa học đường vào tiền ăn bán trú thành một khoản “tiền ăn bán trú của học sinh” là 31.000 đồng/học sinh/ngày (trong đó tiền ăn 28.046 đồng và tiền sữa học đường 2.954 đồng).
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm học 2018-2019, trường Tiểu học Trung Yên thực hiện thu tiền sữa học đường tách riêng với tiền ăn bán trú, tuy nhiên năm nay hai khoản này được gộp chung thành một khoản là “tiền ăn bán trú của học sinh”. Được biết, mức tiền ăn của học sinh bậc Tiểu học bán trú là 28.000 đồng, trong khi tiền ăn bán trú lại được trường Tiểu học Trung Yên thu 28.046 đồng/học sinh/ngày.
 
Không những thế, phía dưới thông báo này còn có phần Phiếu đăng ký tự nguyện ăn bán trú và uống sữa thuộc Chương trình Sữa học đường Hà Nội.
 
Đáng chú ý, nội dung trong phiếu đăng ký này đưa ra 2 phương án cho phụ huynh đăng ký: Phương án thứ nhất là “Đồng ý cho con ăn bán trú tại trường”; phương án thứ hai là “Không cho con ăn bán trú nhưng uống sữa học đường”. Phần cuối của Phiếu đăng ký có phần Ý kiến khác để phụ huynh đưa ý kiến.
 
Nhiều phụ huynh có con học ở trường Tiểu học Trung Yên nêu ý kiến, trong Phiếu đăng ký nhà trường nên đưa thêm phương án thứ ba với nội dung “Đồng ý cho con ăn bán trú tại trường nhưng không uống sữa học đường”. Như vậy, nội dung trong phiếu đăng ký của nhà trường sẽ rõ ràng và minh bạch. Trong khi đó, nội dung trong Phiếu đăng ký của nhà trường chỉ đưa ra 2 phương án và thêm nội dung ý kiến của phụ huynh thì không minh bạch. Hơn nữa, phương án “Đồng ý cho con ăn bán trú tại trường” trong phiếu đăng ký thì phụ huynh sẽ hiểu là ăn cơm bán trú và uống sữa học đường ở trường.
 
Nhà trường ép học sinh đăng ký uống sữa học đường: Phòng GD-ĐT Cầu Giấy nói “không” - ảnh 1
Nhiều phụ huynh cho rằng nhà trường cần đưa thêm phương án thứ 3 để phụ huynh có sự lựa chọn

 
Một phụ huynh có con học ở trường Tiểu học Trung Yên đang bức xúc khi nhận được tin nhắn qua điện thoại của giáo viên chủ nhiệm với nội dung: “Năm nay, sữa học đường sẽ được phát cùng quà chiều nếu bạn nào không tham gia uống sữa học đường sẽ đồng thời cắt cơm bán trú”. Phụ huynh này chia sẻ: “Tin nhắn của giáo viên gửi cho chúng tôi giống như hình thức ép buộc học sinh phải tham gia chương trình sữa học đường ở trường. Năm ngoái khoản thu tiền sữa học đường được tách riêng với khoản thu tiền ăn bán trú ở trường. Tuy nhiên, năm nay hai khoản thu này được gộp vào một khoản thu, việc này đồng nghĩa với việc ép các em tham gia chương trình sữa học đường”.
 
Từ những phản ánh của phụ huynh, lãnh đạo phòng GD-ĐT Cầu Giấy thông tin, quận Cầu Giấy không áp chỉ tiêu học sinh uống sữa học đường cho các trường và cũng chỉ đạo các trường trên địa bàn quận không đánh giá thi đua đối với giáo viên thông qua tỉ lệ học sinh đăng ký uống sữa học đường.
 
Lãnh đạo phòng GD-ĐT Cầu Giấy khẳng định: “Không có chuyện giáo viên, nhà trường ép buộc học sinh đăng ký uống sữa học đường. Nội dung phụ huynh phản ánh là học sinh không đăng ký uống sữa học đường thì sẽ không được ăn cơm bán trú hoàn toàn không đúng. Bởi qua thống kê, báo cáo của các trường vẫn còn những học sinh ăn bán trú nhưng không uống sữa học đường”.
 
Đối với việc thu gộp tiền ăn bán trú với tiền sữa học đường, lãnh đạo phòng GD-ĐT Cầu Giấy cũng giải thích: Năm ngoái, tiền học bán trú của học sinh Tiểu học quận Cầu Giấy là 28.000 đồng/bữa ăn/học sinh và tiền sữa học đường là 2.954 đồng. Căn cứ vào tình hình thực tế các khoản thu của năm ngoái, nếu học sinh đăng ký ăn bán trú ở trường và đăng ký uống sữa học đường thì số tiền thu sẽ có tổng là 30.954 đồng/bữa ăn/học sinh, như vậy sẽ còn lẻ 46 đồng. Do vậy, năm nay, để thuận tiện cho công tác thu tiền ở các trường, quận Cầu Giấy cho phép mức ăn tối đa cho một học sinh là 28.046 đồng/bữa ăn, còn lại là tiền sữa.
 
“Chương trình sữa học đường là một chương trình nhân văn, chúng tôi cũng chỉ đạo các trường tiếp tục tuyên truyền ý nghĩa nhân văn của chương trình này tới cha mẹ học sinh để tham gia. Có thể hiện nay cách tuyên truyền của các cô chưa được khéo léo, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm với các giáo viên”, lãnh đạo phòng GD-ĐT Cầu Giấy khẳng định.
 
 
Bảo Đan

Tin cùng chuyên mục

Tạo động lực, nguồn lực và không gian phát triển cho giáo dục đại học

Tạo động lực, nguồn lực và không gian phát triển cho giáo dục đại học

(PNTĐ) - Dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) bổ sung nhiều nội dung mới, đồng thời lược bỏ các quy định không còn phù hợp như: Phân loại trường theo định hướng, điều kiện thành lập trường thành viên, quy định bắt buộc hội đồng trường với trường thuộc lực lượng vũ trang, thủ tục mở ngành, phân hiệu, kiểm định… nhằm chuẩn hóa hệ thống, giảm thủ tục và thống nhất quản lí.
Thúc đẩy phong trào “Bình dân học vụ số: Vai trò chủ lực của ngành Giáo dục trong chuyển đổi số

Thúc đẩy phong trào “Bình dân học vụ số: Vai trò chủ lực của ngành Giáo dục trong chuyển đổi số

(PNTĐ) - Phong trào “Bình dân học vụ số” không chỉ đơn thuần là một hoạt động chuyên môn, mà còn là sứ mệnh chính trị - xã hội của ngành Giáo dục trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Đây là bước kế thừa và phát triển trong thời đại mới, nơi tri thức, kỹ năng số trở thành công cụ tối quan trọng để nâng cao dân trí, phát triển kinh tế và bảo đảm công bằng xã hội.