Nhu cầu lớn nhưng khó tuyển sinh

Chia sẻ

Hậu Covid-19, ngành du lịch đang đứng trước thời cơ để phục hồi nên cũng cần nhiều lao động. Tuy nhiên, có một nghịch lý, cầu có nhưng các trường đào tạo ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn lại gặp khó khi tuyển sinh.

Tuyển sinh không đạt chỉ tiêu

Theo TS.Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định mục tiêu đến năm 2030 “Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới”. Tuyển sinh, đào tạo trong lĩnh vực du lịch là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu này. Tuy nhiên, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã trải qua 2 năm hết sức khó khăn do dịch bệnh. Lần đầu tiên kết quả tuyển sinh các cấp trình độ trong giáo dục nghề nghiệp không đạt mục tiêu đề ra (chỉ đạt 85% kế hoạch năm 2021). Nhiều lĩnh vực ngành, nghề đào tạo gặp khó trong công tác tuyển sinh, trong đó có du lịch, khách sạn, nhà hàng. Vì vậy, hiện nay, khi các hoạt động trở lại bình thường, ngành du lịch đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng lao động.

Theo quy định tại Thông tư số 26/2020/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành danh mục đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, cao đẳng và thực tế tuyển sinh, đào tạo tại các trường, hiện nay có khoảng 35 ngành nghề đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng. Song, số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, tính đến hết tháng 9/2021, thống kê tại 15 cơ sở Giáo dục nghề nghiệp du lịch cho thấy chỉ tiêu tuyển sinh bị sụt giảm 32%; đến hết năm (tháng 12/2021) chỉ tiêu tuyển sinh 2021 chỉ bằng 50% so với năm 2019.

Lý giải cho tình trạng này, đại diện cho Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, cho biết việc tuyển sinh đại học hiện dễ dàng với quy mô và số lượng lớn (luôn chiếm khoảng 50% số lượng học sinh tốt nghiệp THPT hằng năm), phương thức tuyển sinh ngày càng đa dạng với ngưỡng đầu vào thấp, đặc biệt có những trường đại học chỉ lấy điểm đầu vào tương đương đầu vào cao đẳng. Cùng với đó là công tác phân luồng học sinh phổ thông vào học nghề thực hiện chưa tốt (chỉ đạt khoảng 15% so với mục tiêu đến năm 2020 có 30% người tốt nghiệp THCS và 45% người tốt nghiệp THPT vào học nghề).

Bên cạnh đó, theo Ths. Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn, 2 năm qua, hoạt động du lịch gần như tê liệt, nhiều cơ sở kinh doanh phải đóng cửa cũng đã tác động tiêu cực tới tâm lý của người học. “Tâm lý của phụ huynh và học sinh, những người yêu thích ngành du lịch cũng có sự băn khoăn, cân nhắc khi lựa chọn ngành nghề này. Trong hầu hết các chương trình hướng nghiệp ngành nghề được tổ chức cho đối tượng học sinh PTTH, chúng tôi nhận thấy, phụ huynh và học sinh đặt rất nhiều các câu hỏi về vấn đề việc làm sau khi học du lịch, về việc du lịch phục hồi như thế nào, có tiếp tục bị thất nghiệp không?”- bà Xuân chia sẻ.

Theo bà Xuân, việc “chảy máu” nguồn nhân lực du lịch và sự ngần ngại không muốn chọn lựa theo học ngành du lịch của thế hệ tiếp theo sẽ gây ra hệ quả tiêu cực lớn vì với ngành du lịch, nguồn nhân lực không chỉ góp phần quyết định thành công của một sản phẩm du lịch mà còn là thương hiệu du lịch của một quốc gia.

Sinh viên trường cao đẳng Du lịch Huế trong giờ thực hành	ảnh: HuetcSinh viên trường cao đẳng Du lịch Huế trong giờ thực hành  Ảnh: Huetc

Cần chính sách đặc biệt cho người học ngành du lịch

Theo đại diện tập đoàn Sun Group, trong năm 2022, tập đoàn này sẽ cần 624 lao động ngành nhà hàng, bếp; 1.446 lao động vận hành khách sạn. Đến năm 2025 tập đoàn này cần 3.564 lao động ngành nhà hàng, bếp; 9.950 lao động vận hành khách sạn.

Đại diện Công ty CP du lịch quốc tế Lạc Hồng cũng cho biết, nhu cầu nhân lực trong ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn là rất lớn. Cụ thể, đơn vị này liên tục tuyển dụng nhân sự nhưng vẫn không đủ. Để ứng phó với sự thiếu hụt, đơn vị này đã phải chào mời cả những lao động vừa ra trường hoặc đang còn đi học.

Theo Th.s. Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng trường cao đẳng Du lịch Sài Gòn, để có thể tháo gỡ khó khăn, một trong những giải pháp là các cơ sở đào tạo cần tăng cường liên kết với các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lớn cũng cần chủ động liên lạc trực tiếp với các cơ sở đào tạo để đặt hàng các chương trình đào tạo cho nhân sự của doanh nghiệp ngay tại cơ sở để vừa đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh, vừa có thể cập nhật lại kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ sau một thời gian dài ngưng không hoạt động do đại dịch.

Bên cạnh đó, theo bà Xuân, Nhà nước cần ban hành các chính sách đặc biệt dành cho người theo học ngành du lịch để qua đó, thu hút người học. Cơ quan quản lý Nhà nước định hướng việc tăng cường truyền thông đến người học du lịch, gây dựng lại niềm tin cho người học và phụ huynh về ngành du lịch vì đây là giải pháp căn cơ và bền vững.

Bà Xuân cũng cho rằng, các doanh nghiệp du lịch cần có chính sách khuyến khích sinh viên năm cuối thực tập có lương làm động lực cho người học du lịch; đưa các điểm tham quan tại các địa phương vào chương trình thực tập tour của các cơ sở đào tạo, hỗ trợ giảm giá vé tham quan cho sinh viên chuyên ngành du lịch. Có như vậy thì ngành du lịch mới có được một lực lượng lao động kế thừa tiếp tục để đảm bảo ngành phát triển bền vững.

Ths.Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng trường cao đẳng Du lịch Huế cho biết, qua hơn 18 năm hoạt động, trường đã tuyển sinh đào tạo hơn 11.500 học sinh, sinh viên hệ chính quy và hơn 15.600 học viên đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn. Hàng năm, số lượng doanh nghiệp đăng kí tuyển dụng đều vượt quá khả năng cung ứng của nhà trường. Từ đó, bà Phương rút ra kinh nghiệm sự liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp sẽ giúp các trường tăng cường chất lượng đào tạo.

Các cơ sở đào tạo cần chủ động tiếp cận các doanh nghiệp, khảo sát tổng thể các doanh nghiệp có khả năng đáp ứng nhu cầu hợp tác đào tạo và xây dựng khung hợp tác thích ứng với hoạt động của doanh nghiệp. Mặt khác, Nhà nước cần đẩy mạnh những chính sách, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo và nghiên cứu ban hành một số quy định cụ thể quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với sự nghiệp đào tạo.

HOÀNG LAN

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.