Những người " gieo mầm" thầm lặng

Chia sẻ

Kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam năm nay, ngành GD-ĐT đã tổ chức một chương trình tri ân những đóng góp cao quý của các thầy cô giáo với chủ đề “Gieo mầm”.  Đúng như tên gọi ấy, thời gian qua, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp,  giáo dục là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, các thầy cô giáo vẫn luôn nỗ lực, không ngừng đổi mới sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần gieo những hạt mầm xanh cho tương lai.  

Nỗ lực hết mình vì học sinh thân yêu

Cô Bùi Thị Quỳnh Anh, sinh năm 1988, hiện là giáo viên trường mầm non Tràng An, quận Thanh Xuân. Dịch bệnh Covid-19 khiến trẻ phải tạm dừng đến trường, nhưng không vì thế mà cô Quỳnh Anh nghỉ dạy học. Cô đã đề xuất với Ban Giám hiệu phát huy “Nhóm nhà giáo cùng nhau phát triển”, cùng các đồng nghiệp xây dựng các video trang bị cho trẻ kĩ năng tự phục vụ bản thân, bảo vệ an toàn, tập làm nội trợ, phòng tránh tai nạn thương tích… Trong đó, những giáo viên lớn tuổi có trách nhiệm phối hợp lên ý tưởng, xây dựng kịch bản, lựa chọn các nội dung phù hợp cho video, giáo viên có khả năng nói tốt, tự tin, lên hình ấn tượng sẽ thực hiện việc quay video, giáo viên có khả năng về công nghệ thông tin hoàn thiện kĩ thuật, dựng hình...

Sau khi đã xây dựng được các video, cô cùng tổ chuyên môn đề xuất với Ban Giám hiệu xây dựng kho học liệu chung cho toàn trường. Các nội dung trên trang web được công khai, phụ huynh dễ dàng truy cập trong việc khai thác các video, thông tin của trường để phối kết hợp trong việc chăm sóc - giáo dục trẻ tại nhà. Nhằm tăng cường sự tương tác với phụ huynh, học sinh cũng như giúp trẻ có thêm nhiều kỹ năng, nhiều hoạt động bổ ích trong thời gian trẻ nghỉ ở nhà phòng chống dịch, cô Quỳnh Anh còn phát động cuộc thi như: “Chiến sĩ nhỏ chống dịch”, “Hè vui an toàn, học ngàn điều hay”, phong trào thi đua “Bé ngoan, biết nói lời hay, làm việc tốt”… Với những sáng tạo của mình, cô Quỳnh Anh đã đạt giải xuất sắc “Nhà giáo Thanh Xuân tâm huyết, sáng tạo” năm học 2020-2021.


Cô giáo Nguyễn Thị Hiền Lương, Hiệu trưởng trường tiểu học Vân Canh, huyện Hoài Đức lại được biết tới với phong trào xây dựng trường học hạnh phúc. Khi cô mới đảm nhiệm vị trí hiệu trưởng, con đường đất phía trước trường chỉ rộng 4m, gập ghềnh, bụi bặm.

Cô Hiền Lương đã đề xuất chính quyền địa phương cấp kinh phí, cải tạo mở rộng đường thành 8m. Dọc hai bên đường, cô huy động nguồn xã hội hóa để mua sơn và cùng các giáo viên vẽ tranh bích họa. Nhờ đó, con đường trở nên thân thiện đón học sinh tới trường. Bên cạnh đó, cô còn cùng các đồng nghiệp cải tạo các cầu thang cũ trở thành “Cầu thang biết nói” với từng bậc thang được sơn, vẽ các công thức toán sinh động để học sinh vừa đi vừa học bài. Cô cải tạo thùng đựng rác thành “Ngôi nhà kế hoạch nhỏ”, cải tạo các ghế đá thân thiện, hành lang thân thiện, thư viện xanh.

Điều thú vị là toàn bộ hoạt động cải tạo trường này đều được các cô dồn hết tâm huyết triển khai trong thời gian học sinh phải nghỉ học tránh dịch. Cô chia sẻ, tới đây, khi được quay trở lại trường, nhìn thấy ngôi trường mới này, các em hẳn sẽ vui và hạnh phúc lắm.

Còn thầy giáo Nguyễn Văn Nghiệp, Hiệu trưởng trường THCS Phú Châu, huyện Ba Vì cũng là một tấm gương tiêu biểu “người tốt, việc tốt” trong ngành Giáo dục được học sinh, đồng nghiệp và nhân dân tin yêu. Từ thực tế phong trào học tập của nhân dân trong xã Phú Châu, huyện Ba Vì có thời điểm chưa tốt, chất lượng giáo dục trong các nhà trường còn thấp, học sinh chưa chăm học, không ít gia đình người lớn chưa quan tâm đến việc học tập của trẻ em ngay trong nhà mình, thầy Nghiệp đã có sáng kiến phát động phong trào “Tiếng trống học bài” vào các buổi tối tại các cụm dân cư trên địa bàn xã Phú Châu.

Thầy đề xuất Đài truyền thanh thu âm một đoạn nhạc trong bài hát “Dòng máu lạc hồng” và lời phát thanh viên “Đã đến giờ tự học buổi tối, học tập suốt đời - chìa khóa của mọi thành công, học cho bản thân và những người xung quanh hạnh phúc, xin mời tất cả chúng ta cùng nhau tự học, cùng nhau tự học” và sau đó là 1 hồi trống. Nhiều năm qua, hàng tối, tiếng trống học bài ấy đã đều đặn vang lên, trở thành hiệu lệnh chung, thống nhất trong toàn xã, nhắc nhở mỗi người dân có ý thức tự học. Mô hình “Tiếng trống học bài” của thầy đến nay đã được nhiều xã trong huyện triển khai hiệu quả, tác động tích cực đến tinh thần tự học của các em học sinh, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trong thôn, xóm.

Đó chỉ là 3 trong rất nhiều gương nhà giáo của Thủ đô luôn tâm huyết sáng tạo, hết mình cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Theo ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, chính sự lao động tận tụy, trách nhiệm và tình yêu nghề, những đóng góp thường ngày của mỗi nhà giáo, mỗi cán bộ quản lý cho từng giờ học tốt, cho mỗi bước trưởng thành của học sinh, trong việc xây dựng nhà trường, trong các hoạt động xã hội đã làm nên những thành tích mới của ngành Giáo dục.

Cô Bùi Thị Quỳnh Anh, giáo viên trường mầm non Tràng An, quận Thanh Xuân trong một tiết dạy họcCô Bùi Thị Quỳnh Anh, giáo viên trường mầm non Tràng An, quận Thanh Xuân trong một tiết dạy học (Ảnh: NVCC)

Những lá thư truyền đi tình yêu nghề

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều quan tâm chăm lo tới đội ngũ nhà giáo, có các chính sách hỗ trợ ngoài lương để nhà giáo tăng thêm thu nhập như giáo viên được tính hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên… Tuy nhiên, thực tế lương giáo viên, nhất là giáo viên mầm non vẫn còn thấp, đời sống của nhiều giáo viên vẫn còn khó khăn.


Song, điều đáng quý, các giáo viên không vì rào cản vật chất làm ảnh hưởng tới tình yêu nghề của mình.

Nhà giáo Chu Cẩm Thơ đến nay đã 18 năm cống hiến trong nghề sư phạm. Cô luôn tâm niệm: “Thầy giáo có thể thay đổi thế giới” và “Muốn làm nghề cho tốt thì cần phải yêu nghề”. Tình yêu với nghề ấy của cô đã được giãi bày qua những lá thư cô viết để chia sẻ với các đồng nghiệp, sinh viên sư phạm… Tháng 3/2013, khi đang là giảng viên của khoa Toán Tin - trường đại học Sư phạm Hà Nội, cô đã cùng các cộng sự sáng lập trường Alphaschool với khát vọng về một mô hình trường học tự chủ về chương trình, nơi các học sinh được học vì đam mê, tự tìm thấy mình và được tiếp sức để phát triển. Sau gần hai tháng, ngôi trường đã quy tụ được nhiều đồng nghiệp trẻ yêu nghề.

Điều đó đã tạo cảm hứng để cô đã viết một bức thư với nhan đề “Tâm sự với những ai chọn Nghề dạy học”: “Nếu một người thợ may vụng, họ sẽ làm hỏng một cái áo/Nếu một thợ xây kém tay nghề, họ sẽ làm hỏng một cái nhà/Nếu một bác sĩ sai sót có thể họ sẽ làm mất một tính mạng/Nếu một người thầy tồi, rất có thể họ sẽ làm hỏng nhiều thế hệ…”. Theo cô, người thầy, trong mọi hoàn cảnh, hãy luôn đem đến những điều đúng, tốt đẹp cho các học sinh để các em “lớn lên” mạnh mẽ, nhân ái.

Với cô giáo Giang Thị Kim Anh, giáo viên trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Thanh Xuân, tình yêu với nghề có thể tìm thấy ngay từ trang giáo án. Cô chia sẻ: “Tôi đã dùng những năm tháng hoa mộng để miệt mài với những trang giáo án. Những giáo án ấy được tôi (và những đồng nghiệp của tôi) viết tay, nắn nót. Cẩn thận từng tý một. Nó là mảnh hồn của tôi đấy - bao dự định, thương yêu, xúc cảm, triết lý cuộc đời… được gửi cả vào đây”. Và để rồi, khi đã hết mình cống hiến với nghề, phần thưởng họ nhận về, không phải là danh hiệu, tiền mà chính là tình yêu của học trò dành cho mình.

Cô Kim Anh tâm sự: “Có một thứ tôi muốn giữ cả phần xác lẫn phần hồn. Đó là một bức vẽ vụng dại, nét vẽ nguệch ngoạc của một học trò lớp 10 họa Tôi của ngày hôm qua: Kính cận, tóc xoăn, đầu bẹp, áo dài có một ngôi sao giữa ngực đang mỉm cười tươi tắn… Bức họa chẳng giống tôi mấy (nó đẹp hơn tôi nhiều) nhưng mỗi lần thấy nó, lòng tôi lại đột nhiên vui sướng nghĩ đến ước mơ xanh của một thời còn nhỏ. Con đường đi, lòng tôi đã quyết: Giáo án dạy Yêu Thương sẽ là giáo án số 1 rồi số 2, 3, 4… sẽ là dạy kiến thức đi thi…!”.

Phát biểu tại chương trình “Thay lời tri ân” được tổ chức tối ngày 14/11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định: “Nhà giáo là một nghề cao quý”, sự cao quý đó, không phải tự nhiên mà có, cao quý vì nó tạo dựng nên con người. Tôn sư thường đi với trọng đạo, thầy được tôn quý vì là người có đạo đức và kiến thức, đem chúng truyền dạy cho học trò.

Muốn dạy cho học trò thành người, giỏi nghiệp, nhà giáo phải học tập rèn luyện, phải hoàn thiện bản thân, phải mẫu mực, vì mẫu mực mà trở nên cao quý”. Theo vị Bộ trưởng: “Nhà giáo làm hết chức phận của mình, hoàn thành công việc khó của sự dạy học, đó đã là quý. Nhà giáo làm việc tốt, làm một cách xuất sắc, điều đó càng quý hơn, vì nhà giáo hoàn thành xuất sắc công việc thì sẽ tạo nên sự xuất sắc cho nhiều người, nhiều học sinh. Trong những hoàn cảnh khó khăn, éo le, nhiều thử thách, vẫn làm tốt, làm xuất sắc công việc, đó là điều đặc biệt xuất sắc và phải được ca ngợi…”.

HOÀNG LAN

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.