Ở nơi dạy làm cô giáo mầm non

Chia sẻ

PNTĐ-Ít ai biết rằng, để trở thành cô giáo mầm non, nhiều giáo sinh tuổi 18 chưa từng làm mẹ sẽ phải trải qua một giai đoạn đào tạo bài bản với hàng chục môn khác nhau…

 
Chưa có con, đã tập làm mẹ
 
Học trò đầu tiên của các giáo sinh trường Trung cấp sư phạm mẫu giáo nhà trẻ Hà Nội không phải những em bé mà là… búp bê. Hôm nay, các bạn được cô giáo Bùi Thị Thúy Ái, trưởng bộ môn Giải phẫu sinh lý, vệ sinh phòng bệnh và dinh dưỡng trẻ em dạy cách vệ sinh phòng bệnh cho trẻ. Cũng là rửa tay, rửa mặt, đánh răng, súc miệng… nhưng làm sao cho đúng cách, cho sạch thì không phải ai cũng biết. “Nguyên tắc là rửa từ chỗ sạch tới chỗ bẩn, rửa dưới vòi nước chảy. Rửa tay phải theo quy trình 6 bước như ngành y quy định…” - cô Ái hướng dẫn. Cứ thế, các giáo sinh thay nhau tập “rửa” cho búp bê trước, khi nào thành thục mới được phép áp dụng trên trẻ.
 
Trung cấp sư phạm mẫu giáo nhà trẻ Hà Nội là nơi đào tạo giáo viên mầm non cho thành phố Hà Nội. Mỗi năm, từ ngôi trường này có khoảng hơn 300 học viên tốt nghiệp, tỏa đi khắp các cơ sở giáo dục. Cô Nguyễn Thị Anh Thư, phó hiệu trưởng cho biết: Để trở thành cô giáo mầm non, giáo sinh cần 2 năm đào tạo với 1500 giờ tại trường sư phạm và 1000 giờ kiến, thực tập ở trường mầm non, bao quát tất cả kỹ năng chăm sóc giáo dục trẻ từ 0 đến 6 tuổi.
 
Ở nơi dạy làm cô giáo mầm non - ảnh 1
Các cô giáo mầm non tương lai lớp G37 chuẩn bị đồ dùng
để tập dạy trên trẻ
 
Từng bài học được thiết kế rất tỉ mỉ. Chẳng hạn cách cô bế trẻ sơ sinh ra sao, quấn tã, đặt bé nằm thế nào để bé không trớ, không sặc nước bọt. Muốn biết nguyên nhân nảy sinh, tồn tại phát triển tâm lý trẻ theo từng giai đoạn, cô phải học môn tâm lý; Môn giáo dục lại trang bị cho cô kỹ năng hướng dẫn trẻ học thông qua các trò chơi. Môn giải phẫu sinh lý cung cấp kiến thức căn bản về cơ thể người. Các cô còn được học đủ cả “cầm, kỳ, thi, họa” qua các môn đàn, hát, văn học, tạo hình…
 
“Cô ơi, em gặp chuyện buồn, thật khó có thể cười tươi với các bé”, “Sắp tới giờ đi ngủ nhưng bé vẫn ngậm cơm, làm sao em không nổi giận được?” - đã có rất nhiều giáo sinh hỏi cô Trần Thị Khánh Tri-tổ trưởng bộ môn Tâm lý giáo dục những câu như vậy.
 
Một nguyên tắc đặc trưng của nghề mầm non mà các giáo sinh phải nằm lòng là luôn đặt nỗi buồn bên ngoài cửa lớp. Các em cũng phải rèn cách tự cân bằng tâm lý để trong mọi hoàn cảnh không bị “bùng nổ”. “Khi trẻ không chịu ăn, các em hãy tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra với trẻ. Có thể thức ăn không hợp khẩu vị, có thể trẻ mệt, có thể chính trẻ cũng đang buồn bực, giận hờn… Từ đó, các em bình tĩnh hóa giải vấn đề thay vì trút giận, đánh đập trẻ như hành vi của một vài bảo mẫu “con sâu làm giầu nồi canh” thời gian gần đây” - cô Tri hướng dẫn.
 
Nếu không yêu-xin đừng ở lại
 
Kiến tập là quy định bắt buộc với các cô giáo mầm non tương lai ngay trong học kỳ đầu tiên nhập trường. Thay vì học lý thuyết ngay, giáo sinh được đưa về các trường để trực tiếp quan sát công việc của cô giáo mầm non trong một ngày.
 
Nhớ lại ngày đầu tiên “học việc” ấy, giáo sinh tên Thủy kể, cô gần như choáng luôn. Bình thường, cô chỉ thấy hình ảnh cô giáo mầm non tươi cười với học sinh, hát  hay, múa cũng dẻo. Nhưng, hóa ra, cô giáo mầm non vất lắm. Nào thì dạy con học con chơi, đến cả con ị, con tè, con nôn trớ cũng tay cô dọn dẹp.
 
Đó là lý do vì sao trong chương trình học làm cô giáo mầm non không thể thiếu phần “giáo dục nghề nghiệp”. Cô Thư kể, có nhiều lý do đưa các giáo sinh đến với nghề. Em thì vì “bố mẹ muốn thế”. Có em do “chẳng thể đỗ vào ĐH”. Tất nhiên, có cả những em chọn nghề vì yêu trẻ thơ. Cô Thư thường nói với giáo sinh nếu đã xác định đây là nghề thì hãy cố gắng khắc phục khó khăn và hết mình với trẻ. Cuối cùng các em sẽ thấy hạnh phúc. Còn nếu không thể chấp nhận, hãy suy nghĩ và chọn lại.
 
Mỗi năm qua đi, thường có một số giáo sinh viết đơn “xin thôi học”. Các cô giáo không buồn mà còn mừng vì với những ai không yêu trẻ, dừng lại đúng lúc là quyết định thông minh.
 
Nhiều người sẽ thấy lạ khi trong phân phối chương trình học làm cô giáo mầm non, không có môn đạo đức. Thực ra, nếu xây dựng đạo đức thành một môn học riêng sẽ rất xáo rỗng. Thay vào đó đạo đức, lương tâm nghề nghiệp được lồng ghép vào từng môn học, từng bài giảng qua mỗi ngày. Đến bây giờ, khi đã ra trường nhiều năm, bạn Hà vẫn nhớ mãi lời cô giáo dạy, tinh tế mà thấm thía lắm. Cùng là đội chiếc mũ cho trẻ, cô chụp lên đầu cháu một cách lạnh lùng khác với cách cô đội nhẹ nhàng. Khi cho trẻ ăn, thay vì thúc thìa vào miệng bé, cô hãy bón từng miếng như mẹ chăm con… “Đáp án” cho mọi ứng xử của cô-không gì khác vẫn là hai từ “yêu trẻ”. Không có thầy cô giáo nào có thể giám sát các em mãi. Chỉ có cái tâm và trái tim yêu trẻ thực sự mới là người thầy tinh tường nhất chỉ bảo các em phải làm gì”-cô Thư nói.
 
Trong tương lai, Hà Nội đang tiến tới mục tiêu tăng tỷ lệ trẻ nhà trẻ ra lớp, làm sao để người mẹ sau thời gian nghỉ sinh không còn phải lo lắng tìm nơi gửi con an toàn. Và những giáo sinh hôm nay vẫn đang học để sẵn sàng làm “người mẹ thứ 2” của các bé.

Hoàng Lan

Tin cùng chuyên mục

 Ngày 4/5, Khai mạc Ngày hội Công nghệ thông tin và STEM năm 2024

Ngày 4/5, Khai mạc Ngày hội Công nghệ thông tin và STEM năm 2024

(PNTĐ) - Ngày hội Ngày hội Công nghệ thông tin và STEM năm 2024 có chủ đề “Đẩy mạnh Chuyển đổi Số và giáo dục STEM trong ngành Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) theo định hướng giáo dục thông minh” diễn ra từ ngày 4-5/5/2024, tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, quận Hà Đông.
Hướng nghiệp sớm: Đúng, nhưng phải trúng!

Hướng nghiệp sớm: Đúng, nhưng phải trúng!

(PNTĐ) - Việc chọn đúng ngành nghề rất quan trọng, vì vậy công tác hướng nghiệp cần được làm từ sớm và có hiệu quả. Tuy nhiên hiện nay, việc hướng nghiệp mới chỉ ở hình thức, chưa thật sự xuất phát từ nhu cầu mong muốn của học sinh.