Phòng chống bạo lực học đường, vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên

Hạ Thi
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trước tình trạng bạo lực học đường, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên diễn biến phức tạp; tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng gia tăng, ngày càng trẻ hóa, ngày 26/1/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng, chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên.

Phòng chống bạo lực học đường, vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên - ảnh 1
Tuyên truyền về TTATGT cho học sinh PTHT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: PV

Bạo lực học đường: Giảm độ tuổi, tăng đối tượng nữ sinh tham gia
Thống kê cho thấy, năm 2023 đã xảy ra nhiều vụ việc bạo lực học đường (BLHĐ) có tính chất nghiêm trọng và để lại hậu quả đau lòng cho gia đình và xã hội như: Tình trạng học sinh trầm cảm, tâm thần, thậm chí tìm đến cái chết vì BLHĐ; tình trạng giáo viên bị học sinh BLHĐ… Dư luận vẫn không khỏi xót xa khi nhắc đến các vụ việc đau lòng đã xảy ra như: Nữ sinh N.T.Y.N học sinh lớp 10A15, Trường THPT Chuyên Đại học Vinh (TP Vinh, Nghệ An) tự tử vào tháng 4/2023. Nguyên nhân là do em bị BLHĐ trong một thời gian dài. Hay, trường hợp em V.T.K, học sinh lớp 7 Trường THCS Đại Đồng (huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã bị nhóm bạn đánh hội đồng dẫn đến bị rối loạn tâm thần (tháng 9/2023).  

Hay vụ việc một cô giáo ở Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) bị nhóm học sinh lớp 7 chốt cửa, dồn vào góc lớp, chửi bới, ném dép vào đầu khiến cô giáo ngất xỉu tại chỗ. Vụ việc diễn ra vào tháng 12/2023 đã khiến dư luận bức xúc trên nhiều diễn đàn.

Thừa nhận tình trạng BLHĐ đang diễn biến phức tạp, tại kỳ họp Quốc hội diễn ra tháng 11//2023, trong phiên trả lời chất vấn về tình trạng BLHĐ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết: Từ ngày 1/9/2021- 5/11/2023, cả nước xảy ra 699 vụ BLHĐ, liên quan hơn 2.016 học sinh. Đặc biệt gia tăng đối tượng học sinh nữ tham gia vào các vụ BLHĐ với 854 em. Bình quân, cứ 50 cơ sở giáo dục xảy ra 1 vụ BLHĐ. Tình trạng BLHĐ xảy ra cả trong và ngoài trường học, khiến ngành giáo dục rất lo lắng, tìm mọi cách để cùng các địa phương xử lý. 

Đề cập đến nguyên nhân, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng có nhiều yếu tố. Về phía trường học có trách nhiệm phát hiện, xử lý những tình huống bạo lực. Tuy nhiên, giáo viên, hiệu trưởng khi phát hiện vụ việc còn lúng túng về kỹ năng xử lý. Nguyên nhân tiếp theo là vấn đề tâm lý của học sinh khi phải trải qua quá trình dịch bệnh kéo dài, học sinh học online lâu. Cùng với đó, tâm sinh lý của tuổi đang trưởng thành cũng là yếu tố góp phần nảy sinh BLHĐ.

Nguyên nhân từ phía gia đình, tư lệnh ngành giáo dục cho rằng bạo lực gia đình cũng là yếu tố chi phối mạnh mẽ. Thống kê của Tòa án nhân dân tối cao cho thấy hàng năm có 220.000 vụ ly hôn, trong đó 70-80% có liên quan bạo lực gia đình. Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, học sinh trong các gia đình này có thể vừa chứng kiến bạo lực gia đình, vừa bị bạo lực, bỏ rơi. Môi trường gia đình như vậy dẫn đến tỉ lệ học sinh liên quan BLHĐ rất lớn. Cùng với đó, mạng xã hội, phim ảnh liên quan bạo lực tập thể, cũng là nguyên dẫn đến vấn đề BLGĐ. Vì thế, cần có sự phối hợp giữa các ngành liên quan để giải quyết tình trạng BLHĐ. 

Báo động học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật
Bên cạnh BLHĐ, tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật hành chính, gây rối trật tự xã hội, sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật về an toàn giao thông… cũng đáng báo động. Tính riêng trên địa bàn Hà Nội, thời gian qua, tình hình thanh thiếu niên tụ tập gây mất an ninh trật tự diễn biến khá phức tạp; không chỉ gia tăng về số vụ vi phạm, mà còn xuất hiện tình trạng các nhóm thanh niên tụ tập, mang theo hung khí gây rối trật tự công cộng với tính manh động, liều lĩnh; rủ nhau đua xe, cổ vũ đua xe trái phép. Thống kê từ Công an TP Hà Nội qua các vụ việc, vụ án phạm tội đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, mang theo hung khí gây rối trật tự công cộng từ đầu năm 2022 đến nay cho thấy: 34,8% đối tượng vi phạm dưới 16 tuổi, 46% từ đủ 16 đến dưới 18; đối tượng chủ yếu là học sinh cấp THPT; 23,5% trong số đó là học sinh đã bỏ học; hơn 96%, đối tượng chưa có tiền án, tiền sự. 84% các vụ xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân từ trước, sau đó các đối tượng lên mạng xã hội facebook chửi bới, thách thức nhau.

Số liệu của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cũng cho thấy tình trạng tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên gia tăng. Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn quốc xảy ra 881 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh dưới 18 tuổi, trong đó có 737 vụ do thiếu niên, học sinh dưới 18 tuổi trực tiếp điều khiển phương tiện (hoặc đang đi bộ bị tai nạn), làm chết 378 người, bị thương 658 người. 

Cùng với đó, tệ nạn ma túy cũng đang “tấn công” mạnh mẽ vào đối tượng học sinh, sinh viên. Theo số liệu từ Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTBXH), hiện nay khoảng 95% người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp, trong đó có 70-75% là giới trẻ, học sinh, sinh viên (từ 17-35 tuổi).

Tăng cường sự phối hợp của các ngành
Trước thực trạng BLHĐ, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội gây tác động tiêu cực đến thể chất, tinh thần, đạo đức, lối sống của thế hệ trẻ, làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục và gây lo lắng trong nhân dân, ngày 26/1/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng, chống BLHĐ, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ của các 7 Bộ gồm: Bộ GD-ĐT, Bộ Công an, Bộ LĐTBXH, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Tài Chính; và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đặc biệt, với Bộ GD-ĐT, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quán triệt và chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định, nhiệm vụ, giải pháp về công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống BLHĐ; phòng ngừa tội phạm và phòng chống vi phạm pháp luật; giáo dục đạo đức, lối sống; văn hóa ứng xử, kỹ năng sống trong học sinh, sinh viên… Kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định có liên quan.

Chỉ đạo các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục kỹ năng sống; tăng cường tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên, nhân viên phụ trách công tác tư vấn tâm lý, công tác Đoàn, Hội, Đội về kỹ năng ứng xử với mạng xã hội liên quan đến BLHĐ, giáo dục an toàn, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội đối với trẻ em, học sinh, sinh viên. Tăng cường kỹ năng xử lý các tình huống có liên quan tới việc phát sinh BLHĐ; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục với việc đảm bảo an toàn trường học do mình phụ trách...

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tìm kiếm vẻ đẹp thông minh từ cuộc thi Hoa khôi sinh viên Việt Nam năm 2024

Tìm kiếm vẻ đẹp thông minh từ cuộc thi Hoa khôi sinh viên Việt Nam năm 2024

(PNTĐ) - Ngày 5/12 tại Hà Nội, Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam cùng Cổng tri thức Thánh Gióng, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Sinh viên Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức khởi động Cuộc thi Hoa khôi Sinh viên Việt Nam 2024 (Vietnam Miss University 2024), với chủ đề: “Vẻ đẹp của sự thông minh".
Cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức nhà giáo

Cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức nhà giáo

(PNTĐ) - Vấn đề dạy thêm, học thêm được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm nêu ý kiến và đưa ra chất vấn trong phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo tại Kỳ họp thứ 8 đang diễn ra. Nhiều ý kiến cho rằng, cần nhìn nhận vấn đề dạy thêm, học thêm là một nhu cầu cần thiết của người dạy lẫn người học để quy định cho phù hợp.
Những người đưa đò tận tuỵ gieo ước mơ cho trẻ khuyết tật

Những người đưa đò tận tuỵ gieo ước mơ cho trẻ khuyết tật

(PNTĐ) - “…Sẽ chẳng có hoa hay quà ngày 20/11, không trọn vẹn một câu chúc thầy cô,… nhưng đong đầy trong đó là tình yêu thương, để chúng tôi luôn luôn nở nụ cười tươi…”, đó là tâm sự của cô giáo Phạm Thị Thuý Loan, giáo viên Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập Phú Yên về hành trình gieo yêu thương và ước mơ cho trẻ em khuyết tật của mình.
Sinh viên thế hệ mới: Sáng tạo và nhân văn

Sinh viên thế hệ mới: Sáng tạo và nhân văn

(PNTĐ) - Hành trình Sinh viên Thế hệ mới 2024 đã khép lại sau vòng thi chung kết (được phát sóng trực tiếp trên kênh VTV3 ngày 9/11) giữa ba đội đến từ ba trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Bách khoa TP HCM và Đại học Ngoại ngữ (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội). Các thí sinh cuộc thi đã cho thấy sự sáng tạo và tinh thần dám nghĩ dám làm của Gen Z.