Cuộc đua vào lớp 10 tại Hà Nội:

Quá tải vì thiếu trường trong nội đô

Nguyễn Mai
Chia sẻ

(PNTĐ) -Ngày 18/5, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (GD-ĐT) cho biết sẽ công bố số lượng học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 của các trường THPT công lập năm học 2023-2024. Dự báo năm nay, tỷ lệ “chọi” vào trường công lập khốc liệt không kém năm ngoái do áp lực đầu vào lớn. Số lượng học sinh tăng gấp đôi, trong khi trường học không tăng.

Quá tải vì thiếu trường trong nội đô - ảnh 1
Tỷ lệ chọi vào các trường công lập tại Hà Nội luôn đứng đầu cả nước.
Ảnh: minh họa

Căng thẳng chạy đua giai đoạn “nước rút”
9h30, con chị Nguyễn Thu Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) mới kết thúc ca học cuối cùng trong ngày, về đến nhà đã 10h đêm. Sau khi ăn uống, tắm rửa, nghỉ ngơi, 11h đêm con chị lại tiếp tục ngồi vào bàn học. “Biết là con rất căng thẳng, mệt mỏi, nhưng kỳ thi vào lớp 10 THPT đã đến gần, không còn cách nào khác là phải cố gắng. Tôi bảo con, các bạn ai cũng đang gắng sức chạy, con chỉ cần dừng lại trên đường đua là sẽ bị tụt lùi nên con không còn lựa chọn nào khác là phải học”- chị Phương chia sẻ.

Chị Phương cho biết, con chị đặt nguyện vọng 1 vào một trường cấp 3 nằm trong top 1, trong khi sức học của con cũng chưa thực sự xuất sắc, chỉ “mấp mé” ngưỡng đỗ so với điểm chuẩn năm ngoái nên càng phải cố gắng.

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, kỳ thi vào lớp 10 THPT của Hà Nội sẽ diễn ra. Rất nhiều phụ huynh có con học lớp 9 của Hà Nội cũng có chung tâm trạng với chị Phương. Nhiều gia đình đã thuê gia sư về dạy cho con 1 thầy, 1 trò tại nhà để “vực” những môn học còn yếu. Các học sinh học ngày học đêm để chuẩn bị cho một kỳ thi được đánh giá là “khốc liệt” hơn cả kỳ thi vào đại học.

Năm học 2022-2023, tỷ lệ chọi vào lớp 10 công lập ở Hà Nội được xem là cao nhất trong vòng 7 năm qua với tỷ lệ trung bình là 1/1,54. Theo đó, 40% học sinh Hà Nội đã không có cơ hội vào học lớp 10 ở trường THPT công lập. Một số trường đứng đầu danh sách tỷ lệ chọi cao như: THPT Yên Hòa: 1/3,03; THPT Chu Văn An 1/2,87; THPT Sơn Tây (1/2,73), THPT Nhân Chính (1/2,53)… 

Việc lựa chọn vào các trường học công lập vẫn được đa số phụ huynh và học sinh hướng đến vì mức học phí phù hợp với kinh tế nhiều gia đình, trong khi học phí các trường tư thục cao gấp 3-4 lần. Chính vì vậy, năm nào “cuộc đua” vào lớp 10 tại Hà Nội cũng hết sức “khốc liệt”, nhất là trong bối cảnh quá tải trường học đang diễn ra ở các quận nội đô. 

Thiếu trường công lập khiến kỳ thi đầy áp lực 
Trao đổi với PV, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, có nhiều lý do dẫn tới áp lực quá lớn trong kỳ thi vào lớp 10 THPT của Hà Nội, trong đó, có việc thiếu trường học công lập trong nội đô. Điều này xuất phát từ lý do dân số vượt quá ngưỡng dự báo. Trong đó, người dân di cư tự do kèm theo cả gia đình đông hơn cả. 

Ngoài ra, phát triển Thủ đô Hà Nội trong những năm qua chủ yếu theo mô hình khu đô thị mới. Trong khu đô thị mới, theo quy định được ổn định dân số theo một ngưỡng nhất định và cân đối về nhu cầu trường học theo ngưỡng từng khu đô thị. Nhưng thực chất, nhiều khu đô thị tồn tại vấn đề lớn, đó là khi giao cho chủ đầu tư đã không kiểm soát tiến độ và không lựa chọn được phương thức xây dựng trường học hợp lý. Từ đó dẫn đến việc, dân đến ở nhưng chủ đầu tư vẫn không xây trường học, hoặc  xây chậm. Cùng với đó, trong các khu đô thị thời gian qua có hiện tượng điều chỉnh quy hoạch, mà phần lớn điều chỉnh là tăng số tầng của các nhà ở, dẫn tới dân số tăng, trong khi  trường học không tăng.

Một nguyên nhân nữa, theo ông Nghiêm, trong khung pháp lý của chúng ta hiện nay có cả trường công lập và dân lập, nhưng lại chưa có chính sách để cân đối giữa trường công lập và dân lập. Thực tế, nhiều gia đình có thu nhập khá, ở các khu đô thị cao cấp muốn cho con học trường chất lượng cao thuộc trường dân lập. Nhưng những người có thu nhập vừa phải, hoặc ở các khu nhà ở xã hội lại muốn cho con học trường công lập. Cần phải có điều tra dân số để xây dựng các trường này cho hợp lý, đặc biệt là trường công lập.

Cũng theo ông Nghiêm, một lý do dẫn tới thiếu trường công lập trong nội đô phải kể đến là do tiến độ di dời các cơ sở công nghiệp, bộ, ngành… ra ngoại thành quá chậm. Phải di dời thì mới có quỹ đất xây dựng trường học và không gian xanh công cộng. 

Cho nên, Hà Nội đã thiếu đất cho xây dựng trường học có thể lại còn tiếp tục thiếu nữa. “Việc thiếu trường học của Hà Nội cần mà phải nhìn vào tổng thể các yếu tố thì mới có giải pháp xử lý các tồn tại hiện nay”- ông Nghiêm nói.

Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh, Hà Nội cho biết, theo thống kê, chỉ có khoảng 60% thí sinh đỗ vào lớp 10 trường công lập, khoảng 40% còn lại, các em sẽ có những lựa chọn khác, hoặc với các trường phổ thông ngoài công lập, hoặc là các trường dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên… Sức “nóng” của kỳ thi vào lớp 10 công lập của Hà Nội đến từ nhiều lý do, trong đó, có nguyên nhân thiếu các trường công lập trong nội thành. Hiện nay, việc xây thêm trường học công lập là mong muốn của nhiều người, tuy nhiên, giữa mong muốn và thực tế không hề đơn giản. 

“Theo tôi được biết, có những nơi đã sử dụng đến hơn 60% nguồn đầu tư cho giáo dục, nhiều quận nội thành thoải mái kinh phí cho xây dựng trường học, nhưng một khó khăn lớn, là quỹ đất. Đây là một bài toán rất khó khăn trong việc tìm lời giải. Nếu Thành phố sắp xếp được quỹ đất, giúp cho các quận, huyện xây dựng được các trường THPT công lập trong địa bàn, hoặc vùng giáp ranh thì sẽ giải quyết được bài toán giảm áp lực cho kỳ thi vào lớp 10 của Hà Nội”- thầy Cường nói.

Tuy nhiên, theo thầy Nguyễn Cao Cường, “sức nóng”, áp lực của kỳ thi vào lớp 10 THPT đôi khi cũng còn đến từ chính phụ huynh học sinh. Trước mỗi kỳ thi, đều có những thông tin về tuyển sinh, các phụ huynh đều có thể tính toán được năng lực của con mình. Thực tế, có không ít những học sinh học lực chỉ ở mức trung bình ở cả 3 môn Toán, Văn, Anh (khoảng 5 điểm), cơ hội đỗ được vào một trường THPT công lập trong nội thành cực kỳ khó. Những trường hợp này, các em có thể lựa chọn các trường ngoài công lập ngay từ đầu, không tham dự kỳ thi vào lớp 10 THPT. Hoặc có những học sinh, việc học tập văn hóa gặp rất nhiều khó khăn, có thể chọn học văn hóa kết hợp với học nghề ở một số trường nghề, hoặc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, hoặc những mô hình học liên thông trung cấp - cao đẳng. Việc định hướng, xác định lộ trình sau khi tốt nghiệp THCS của các nhà trường, cha mẹ học sinh nếu được thực hiện một cách hợp lý thì cũng giảm được áp lực kỳ thi vào lớp 10 cho con em.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phát động ngành Giáo dục ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3

Phát động ngành Giáo dục ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3

(PNTĐ) - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kêu gọi toàn ngành Giáo dục, các cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, học sinh, sinh viên, cùng các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành hãy chung tay, góp sức bằng vật chất, tinh thần, bằng sự hỗ trợ, động viên, kết nối để cùng chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng bão lũ nói chung và với ngành Giáo dục các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc nói riêng.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội phản biện dự thảo Nghị quyết về mức thu học phí

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội phản biện dự thảo Nghị quyết về mức thu học phí

(PNTĐ) - Ngày 11/9, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chất lượng cao của thành phố Hà Nội năm học 2024-2025. Dự kiến dự thảo Nghị quyết sẽ trình HĐND Thành phố khóa XVI xem xét, thông qua vào kỳ họp chuyên đề (kỳ họp thứ 18) của HĐND Thành phố.
Để học thêm không trở thành gánh nặng!

Để học thêm không trở thành gánh nặng!

(PNTĐ) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm. Dự thảo này sau khi được thông qua sẽ thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm. Thời hạn lấy ý kiến đến ngày 22/10/2024.