Quyết tâm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn

Chia sẻ

Đó là tinh thần được Bộ GD-ĐT truyền tải tới các địa phương trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp. Thay vì thay đổi thời gian, phương án thi, đến thời điểm này, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết vẫn sẽ tổ chức kỳ thi như kế hoạch đã đề ra trước đó.

Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (Ảnh minh họa)Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT yêu cầu, các địa phương phải chung sức, nỗ lực để cùng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 an toàn, thành công.

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay vẫn sẽ diễn ra vào các ngày 7 và 8/7/2021. Tính đến ngày 26/5, cả nước có 412 thí sinh thuộc diện F0, F1, trong đó có 18 thí sinh diện F0, 394 thí sinh F1, chủ yếu ở 4 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam và Điện Biên. Bộ GD-ĐT hy vọng nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, con số thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ thay đổi theo hướng giảm.

Bài toán đặt ra cấp thiết nhất lúc này chính là phải có các phương án để đảm bảo an toàn cho thí sinh, lực lượng tham gia tổ chức kỳ thi.

Theo phương án của Bộ GD-ĐT, các thí sinh diện F0 sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp. Thí sinh diện F1, F2 được bố trí điểm thi riêng cho từng đối tượng. Địa điểm này được khuyến khích đặt ngay trong khu vực cách ly tập trung để tránh lây nhiễm dịch.Với những địa phương chỉ có 1, 2 trường hợp F1 thì có thể tổ chức một điểm thi cho F1 ở ngoài khu cách ly.

Trong trường hợp bất khả kháng, Bộ GD-ĐT có thể tính đến phương án tổ chức thêm đợt thi, giống như cách đã triển khai trong kỳ thi năm 2020.

Về đề thi, Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ bám sát cấu trúc đề thi tham khảo đã ban hành, bám sát chương trình THPT, tuy nhiên có phần nhẹ hơn, phù hợp với điều kiện học sinh học trong hoàn cảnh có dịch. Nếu phải tổ chức thi nhiều đợt, đề thi sẽ được ra theo hướng đồng đều về độ khó để đảm bảo công bằng cho các thí sinh thi giữa các đợt.

Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Hà Nội có hơn 101.000 thí sinh đăng ký tham dự, tăng hơn 22.000 thí sinh so với năm trước. Hà Nội dự kiến tổ chức 187 điểm thi với hơn 4.200 phòng thi. Hà Nội đã tiến hành rà soát các thí sinh trong diện F0, F1, F2…

Thực hiện Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 12/5/2021 của UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội, Sở cũng đã tiến hành rà soát cơ sở vật chất, địa điểm thi, tập huấn cho cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đã chuẩn bị các phương án ứng phó với các tình huống, diễn biến của dịch Covid-19.

T.T

Tin cùng chuyên mục

Tạo động lực, nguồn lực và không gian phát triển cho giáo dục đại học

Tạo động lực, nguồn lực và không gian phát triển cho giáo dục đại học

(PNTĐ) - Dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) bổ sung nhiều nội dung mới, đồng thời lược bỏ các quy định không còn phù hợp như: Phân loại trường theo định hướng, điều kiện thành lập trường thành viên, quy định bắt buộc hội đồng trường với trường thuộc lực lượng vũ trang, thủ tục mở ngành, phân hiệu, kiểm định… nhằm chuẩn hóa hệ thống, giảm thủ tục và thống nhất quản lí.
Thúc đẩy phong trào “Bình dân học vụ số: Vai trò chủ lực của ngành Giáo dục trong chuyển đổi số

Thúc đẩy phong trào “Bình dân học vụ số: Vai trò chủ lực của ngành Giáo dục trong chuyển đổi số

(PNTĐ) - Phong trào “Bình dân học vụ số” không chỉ đơn thuần là một hoạt động chuyên môn, mà còn là sứ mệnh chính trị - xã hội của ngành Giáo dục trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Đây là bước kế thừa và phát triển trong thời đại mới, nơi tri thức, kỹ năng số trở thành công cụ tối quan trọng để nâng cao dân trí, phát triển kinh tế và bảo đảm công bằng xã hội.