"Sức tàn lực kiệt" vì Covid-19

Chia sẻ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho người lao động và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục mầm non tư thục trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19.

Chỉ đạo trên được đưa ra ngay sau khi hàng trăm trường mầm non ở TP Hồ Chí Minh vừa gửi đơn kêu cứu vì đã phải dừng hoạt động liên tục suốt 2 năm qua. Khó khăn của các trường mầm non ở TP Hồ Chí Minh đại diện cho khó khăn mà các trường mầm non ngoài công lập ở Hà Nội cũng đang gặp phải.

Mất hoàn toàn nguồn thu vì phải dừng hoạt động

Kể từ khi đợt dịch Covid-19 bùng phát ở Hà Nội vào tháng 4 đến nay, trường mầm non Họa My, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ đã phải dừng hoạt động hoàn toàn. 7 giáo viên của trường phải nghỉ việc không lương. Cô Nguyễn Thị Minh, Hiệu trưởng nhà trường buồn rầu cho biết: “Trường hoàn toàn không có nguồn thu nên không thể hỗ trợ được gì cho giáo viên”.

Cô Lê Kim Chính, Hiệu trưởng trường mầm non công ty Diêm, phường Đức Giang, quận Long Biên cũng xót xa khi nghĩ về ngôi trường luôn ở trong tình cảnh “cửa đóng then cài” suốt nhiều tháng qua. 14 giáo viên, nhân viên nhà trường tan tác, mỗi người một kế mưu sinh, người bán hàng, người làm giúp việc theo giờ. Bản thân cô Chính cũng phải phụ việc ở cửa hàng bán hoa nhưng bữa có việc, bữa không. Trong các đợt dịch Covid-19 trước, trường còn có thể hỗ trợ cho giáo viên, nhân viên một khoản tiền nhỏ, năm nay hoàn toàn không có gì.

Theo cô Lê Kim Chính, năm 2020, sau đợt nghỉ để dịch phòng, chống dịch, khi hoạt động trở lại, trường chỉ còn 90/115 trẻ tiếp tục theo học. Năm nay nghỉ học dài ngày hơn số trẻ dự kiến “hao hụt” nhiều hơn. Kinh phí hoạt động của trường đều trông chờ vào nguồn thu học phí vì thế sẽ eo hẹp theo dẫn tới đời sống giáo viên cũng bị ảnh hưởng. Nhưng, cô Chính thừa nhận, mình vẫn còn may mắn hơn nhiều cơ sở mầm non khác khi được công ty hỗ trợ địa điểm mở trường nên không phải bạc đầu lo trả tiền thuê địa điểm.

Cô Đào Thị Phương Thảo, Hiệu trưởng trường mầm non Tuổi Thần Tiên, thị trấn Văn Điển, Thanh Trì cho biết: Vì phải đóng cửa trường để phòng, chống dịch nhiều trường mầm non tư thục đang rơi vào tình cảnh không có nguồn thu nhưng vẫn phải bỏ tiền thuê địa điểm, duy trì, vận hành trường hoặc trả tiền lãi khoản vay ngân hàng để đầu tư cơ sở vật chất cho trường trước đó. “Khi xảy ra dịch bệnh, nếu như các doanh nghiệp vẫn có thể chuyển sang hoạt động “3 tại chỗ” hay làm việc tại nhà thì các cơ sở giáo dục phải đóng cửa hoàn toàn. Bậc học mầm non không được dạy online nên hoàn toàn không có nguồn thu”.

Trường mầm non Tuổi Thần Tiên hiện có 135 cán bộ, giáo viên. “Năm ngoái, nhằm các cô có thêm nguồn sống khi trường phải đóng cửa phòng chống dịch, chúng tôi đã mở riêng một trang fanpage nội bộ mua bán hàng online giữa các giáo viên. Nhưng năm nay, vì phải thực hiện quy định giãn cách xã hội, các cô không thể bán hàng được. Dù đang khó khăn, trường vẫn phải cố gắng hỗ trợ một phần lương cho các cô. Tuy nhiên, nếu trẻ tiếp tục nghỉ học kéo dài đến đầu năm sau, chúng tôi sợ sẽ khó cầm cự thêm được nữa”- cô Thảo cho biết.

Trường mầm non Tuổi Thần Tiên, thị trấn Văn Điển, Thanh Trì được đầu tư nhiều tỷ đồng, treo biển chào đón năm học mới nhưng vẫn đang “cửa đóng then cài” từ nhiều tháng qua.Trường mầm non Tuổi Thần Tiên, thị trấn Văn Điển, Thanh Trì được đầu tư nhiều tỷ đồng, treo biển chào đón năm học mới nhưng vẫn đang “cửa đóng then cài” từ nhiều tháng qua. (Ảnh: MNTT)

Cần sự hỗ trợ của Nhà nước

Trong thư kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, các trường mầm non ở TP Hồ Chí Minh đã đề xuất nhiều chính sách mong muốn được Chính phủ tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục mầm non tư thục đáp ứng đủ Bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch trong trường học được sớm hoạt động trở lại; Tổ chức đối thoại giữa đại diện các cơ sở giáo dục mầm non tư thục và đại diện các Sở, ngành liên quan để thảo luận các phương án nhằm tháo gỡ khó khăn, đóng góp ý kiến đảm bảo môi trường lớp học an toàn trong mùa dịch và bảo vệ sức khỏe của học sinh, ví dụ tổ chức xét nghiệm định kỳ…

Đây là lần thứ 2 trong 2 năm có dịch Covid-19, tập thể các đơn vị giáo dục ngoài công lập đã phải gửi thư kêu cứu tới Chính phủ. Năm 2020, 150 cơ sở giáo dục ngoài công lập (bao gồm các trường học từ mầm non đến phổ thông, đại học, các trung tâm ngoại ngữ…) cũng cho biết họ đứng trước trước nguy cơ phải sa thải lao động và đóng cửa, phá sản. Ước tính, với khối trường tư nhân, chi phí đầu tư trung bình cho một trường tư chất lượng vừa phải (mức học phí 5-10 triệu/tháng), là khoảng 80-200 tỉ đồng. Trong đó, phần lớn là tiền vay đối với các trường mới xây. Theo các cơ sở giáo dục, nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, 80% số cơ sở giáo dục ngoài công lập được khảo sát bị sụt giảm doanh số trên 50%, và 90% số cơ sở này có nguy cơ phá sản do không cân đối được thu - chi…

Trước những khó khăn của người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở các cấp học có ký hợp đồng lao động nhưng phải tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương do cơ sở giáo dục tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có chỉ đạo nghiên cứu để có các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho nhóm đối tượng này. Tại Hà Nội, HĐND Thành phố cũng đã ban hành Nghị quyết 15/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 quy định một số chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Tại quận Hoàn Kiếm, đến nay đã có 128 trường hợp được nhận hỗ trợ với tổng số tiền là 237 triệu đồng theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết 15/NQ-HĐND nói trên. Quận cũng đã hỗ trợ 17 chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục phải dừng hoạt động để phòng, chống dịch từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 với mức 3.000.000 đồng/người.

Hiệu trưởng Đào Thị Phương Thảo cũng cho biết, hiện nay, các giáo viên của trường đều đã được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, trợ cấp của Liên đoàn Lao động huyện Thanh Trì và hỗ trợ lương của nhà trường. Đây là nguồn động viên rất lớn với các cô giáo, giúp họ cảm thấy không bị bỏ lại phía sau.

Nhiều cơ sở giáo dục khác cũng mong giáo viên của họ sớm được quan tâm, nhanh chóng nhận được mức hỗ trợ như vậy vì hiện nay, tiến độ nhận hỗ trợ giữa các địa bàn còn chưa đồng đều. Bên cạnh đó, thực hiên chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cấp quản lý có thể sớm đưa ra các chính sách hỗ trợ bền vững để các trường mầm non ngoài công lập yên tâm hoạt động trở lại.

HOÀNG LAN

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.
 Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

(PNTĐ) - Chương trình Camp truyền thông Teenyeeu nhằm giới thiệu hoạt động Dự án Mô hình CLB Teenyeeu 24h là hoạt động thuộc Dự án “Mô hình CLB Teenyeeu 24h thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong xây dựng quy tắc ứng xử tại tổ chức giáo dục dưới góc nhìn giới và nâng cao năng lực truyền thông, góp ý xây dựng pháp luật về giới và tình dục” triển khai tại 3 địa phương là Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Bình từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024.
Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

(PNTĐ) - Năm học 2024 - 2025, học sinh đầu cấp tại Hà Nội tăng khoảng 70.000 (chưa tính học sinh cấp mầm non) so với năm học 2023-2024. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội yêu cầu các đơn vị, trường học tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến để tránh quá tải. Đặc biệt, các trường tuyệt đối không được vận động, quyên góp, thu các khoản ngoài quy định khi tuyển sinh.