Thạc sĩ Trần Thị Ái Liên: Dạy kiểu "cấm ăn" là vi phạm nhân quyền của trẻ

Chia sẻ

PNTĐ-4/5, bà Trần Thị Ái Liên, Thạc sỹ về Chính sách công từ University of Carlifornia, Berkeley (Hoa Kỳ), đã có buổi nói chuyện với gần 1000 cha mẹ về phương pháp kỷ luật con không nước mắt.

 
Với thông điệp “Con luôn luôn tốt, chỉ có hành động là xấu”, thạc sỹ Ái Liên muốn các bậc cha mẹ tin rằng, bất kỳ đứa con nào cũng thật tuyệt vời theo cách riêng của bé mà không cần đến đòn roi...
 
Thạc sĩ Trần Thị Ái Liên: Dạy kiểu
Thạc sĩ Trần Thị Ái Liên
 
Trao đổi của PV báo PNTĐ với thạc sỹ Trần Thị Ái Liên:
 
- Nhiều cha mẹ cho rằng, roi vọt mới khiến trẻ sợ và nghe lời. Bà sẽ nói gì để thuyết phục các bậc cha mẹ không cần đến chiếc roi nữa?
 
- Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ đã khuyến cáo không có bất cứ trường hợp nào được coi là chính đáng để dùng bạo lực với trẻ em. Bạo lực, thể chất hoặc tinh thần đều có hại cho sự phát triển cũng như hạnh phúc và thành công trọn đời của trẻ. Ngay cả việc chỉ đánh khẽ hay chê bai nhẹ lời cũng khiến bé căng thẳng.
 
Trong cơ thể bé, hooc môn Cortisol sẽ tăng vọt. Lâu lâu một lần thì tốt, nhưng thường xuyên sẽ làm bé chậm phát triển toàn diện, nghĩa là tim nhỏ hơn, phổi nhỏ hơn, mạch máu nhỏ hơn, hộp sọ bé hơn, vậy thì não cũng nhỏ hơn… Mẹ đánh vì con không chịu học. Vậy thì bé sẽ học cùng Cortisol. Cha đánh vì con không ăn-bé sẽ ăn cùng Cortisol. Bà đánh vì cháu lười tắm-cháu sẽ tắm cùng Cortisol… và bé sẽ chậm phát triển toàn diện.
 
Cha mẹ nào cũng  muốn con ngoan ngoãn, thông minh, tự chủ. Nhưng, sự tự chủ ấy phải đến từ ý thức của chính bé chứ không phải vì nỗi sợ hãi bị roi vọt.
 
- Vậy cha mẹ sẽ phải làm gì để đưa trẻ vào khuôn khổ?
 
- Trong gia đình phải có “luật”- hay còn gọi là quy tắc. Quy tắc này do cha mẹ, con cái cùng thảo luận, thống nhất rồi thực hiện. Nếu quy tắc nào chưa thống nhất thì nhờ khoa học làm trọng tài. Chẳng hạn, con muốn đi ngủ lúc 12 giờ, mẹ muốn con ngủ lúc 9 giờ tối. Khoa học nói trẻ con nên đi ngủ lúc 9 giờ tối thì con phải nghe theo mẹ.
 
Quy tắc phải nghiêm minh - có thưởng phạt rõ ràng nhưng phải rất nhân đạo, thể hiện qua tình thương vô điều kiện và biểu hiện đúng cách. Nghĩa là cha mẹ vui theo cái vui của con, đau theo cái đau của con, hiểu theo cách hiểu của con... chứ không phải là ép buộc con phải vui theo cách của bố mẹ và không được giận trong trường hợp này hoặc phải vui trong trường hợp khác.
 
Thạc sĩ Trần Thị Ái Liên: Dạy kiểu
Thạc sĩ Trần Thị Ái Liên trong buổi nói chuyện với gần 1000 cha mẹ
về phương pháp kỷ luật con không nước mắt.
 
- Cụ thể là như thế nào?
 
- Mỗi con người đều có nhu cầu “cần” và “muốn”. Nhu cầu “cần” là được ăn, uống, vệ sinh, yêu thương, tôn trọng, giao tiếp… Muốn là nhu cầu cao hơn, không chỉ ăn no mà ăn ngon, không chỉ uống nước lọc mà uống Coca, cà phê... Nhiều cha mẹ khi con mắc lỗi bèn đánh mắng rồi cấm con ăn. Đó là vi phạm nhân quyền của con. Nếu là tôi, tôi sẽ vẫn cho con ăn phần “cần” nhưng sẽ phạt con không được ăn thứ con “muốn”; vẫn cho con uống nhưng chỉ uống nước lọc chứ không được uống Coca…
 
Nguyên tắc là hình phạt con không được đau, không sợ hãi, không khó chịu. Đừng dùng hình phạt để trả thù, hành hạ con. Tôi đề xuất hai cách phạt. Thứ nhất là Góc bình yên, thường dành cho trẻ là từ 3-10 tuổi. Đó là một nơi yên tĩnh trong nhà, nằm trong tầm mắt của cha mẹ để tránh cho con nguy hiểm nhưng cũng không tạo cho con cảm giác bị bỏ rơi. Khi trẻ phạm lỗi, hãy yêu cầu trẻ ra Góc bình yên ngồi suy nghĩ. Trẻ cứ 1 tuổi thì ngồi 1 phút. Nếu ngồi mà trẻ la hét, không hợp tác thì có thể tăng dần lên tối đa 15 phút. Sau khi ngồi mà trẻ vẫn tái phạm thì để trẻ quay lại Góc bình yên lần 2,3 và có thể ngồi tối đa 20 lần/ngày.
 
Cách thứ hai là dùng Bảng điểm để theo dõi sự tuân thủ “luật pháp” của cả gia đình. Trên đó kẻ các cột cho cha, mẹ, con… Ai làm tốt được điểm cộng, sai bị trừ. Cuối tuần, cộng điểm và khen thưởng theo nhu cầu của từng người.
- Nhiều cha mẹ than, chỉ dùng lời nói dạy con khó hơn rất nhiều so với dung roi vọt…
 
- Đúng vậy. Đánh thì dễ chứ khen hay chê để con tiến bộ cũng phải có nghệ thuật. Khoa học đã chứng minh, được thưởng về tinh thần hiệu quả hơn thưởng về vật chất rất nhiều. Cha mẹ  nên cố gắng nhìn vào những tiểu tiết nhỏ nhất của con để khen. Chẳng  hạn, con không phạm lỗi cũng được khen. Con đi học đúng giờ-tưởng chừng đương nhiên-nhưng cũng khen động viên. Nhiều cha mẹ khen hoài sợ con tự mãn nên cố “cài cắm” vài lời chê để nhắc nhở con. Làm vậy là phản tác dụng. Có mẹ khen: “Chà, hôm nay con dậy sớm vậy. Bình thường dậy muộn lắm cơ mà.” Nghe xong, trẻ thấy ấm ức, không muốn cố gắng nữa.
 
Tương tự, khi chê cũng không nên làm con tổn thương. Hãy giúp con nghĩ rằng con luôn tốt, chỉ có hành vi của con là xấu thôi. Cha mẹ hãy hỏi tại sao con làm như vậy, con muốn gì và bài học rút ra là gì. Con nói: “Con ném bút vì con thấy vui”. Cha mẹ hãy giải thích “Con có quyền tìm niềm vui nhưng bài học rút ra là không tìm vui bằng cách hại mình hoặc người khác (quăng bút sẽ làm bút của con bị hỏng…)”.
 
- Bà có tin “kỷ luật không nước mắt” của mình sẽ được áp dụng thành công không?
 
- Kỷ luật không nước mắt chỉ là phương pháp, giống như ngọn cây. Nếu chúng ta không thường xuyên dùng phương pháp này như một lối sống-giống như thân cây-thì sẽ thất bại. Lối sống đó lại phải dựa trên nền tảng-rễ cây- là triết lý từ chối bạo lực. Cha  mẹ  hãy tin triết lý này là đúng và mạnh mẽ. Giáo dục là một quá trình dài, liên tục và không thể thấy thành quả ngay lập tức được. Hãy kiên nhẫn quan sát, mỗi ngày tốt hơn một tý thì sau 18 năm, thành quả sẽ rất nhiều.
 
Xin cảm ơn bà

Hoàng Lan (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục