Thay đổi quan niệm bất bình đẳng giới trong trường học

Bài và ảnh: Hoàng Lan
Chia sẻ

(PNTĐ) - “Con gái thể thao thì sao? Thể thao thì thêm cao”, đó là câu cổ động của các học sinh nữ trường THCS Phú Châu, huyện Ba Vì hướng tới mục tiêu thay đổi quan niệm xã hội về khả năng của các em gái trong việc tham gia thể thao và phát triển ngang bằng như các em trai trong trường học.

Thay đổi quan niệm bất bình đẳng giới trong trường học - ảnh 1
Học sinh trường THCS Phú Châu diễn tiểu phẩm tuyên truyền về việc con gái có quyền chơi thể thao bình đẳng như con trai

Theo TS Trần Văn Lam, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD-ĐT, công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học có vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe, phát triển thể chất của trẻ em, học sinh, sinh viên. Qua nghiên cứu cho thấy: Sức khỏe, thể chất của trẻ em, học sinh, sinh viên (HS, SV) là nhân tố quan trọng có ảnh hưởng lớn đến khả năng học tập, sáng tạo, phát triển năng khiếu, thẩm mỹ của các em và giúp các em đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Mặt khác trình độ học vấn, sự hiểu biết và kĩ năng sống của các em cũng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cá nhân và cộng đồng. 

Tuy nhiên, hiện nay công tác giáo dục thể chất (GDTC) và thể thao trường học còn nhiều hạn chế và yếu kém: Chương trình môn học GDTC, phương pháp dạy học và cách kiểm tra, đánh giá còn nhiều bất cập, thời lượng ít (2 tiết / tuần); hoạt động thể thao trường học nội dung còn nghèo nàn, hình thức hoạt động đơn điệu; nhận thức về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học của cán bộ giáo viên, giảng viên và học sinh, sinh viên chưa đầy đủ…

Trong bối cảnh đó, Tổ chức Plan International Việt Nam đã triển khai dự án “Không gian thể thao an toàn, thân thiện và bình đẳng trong các trường học tại Hà Nội” trong hơn 3 năm từ 2019 đến 2022 tại 20 trường THCS ở Ba Vì (trong đó có trường THCS Phú Châu) và Hà Đông. Thông qua nhiều hoạt động, dự án đã thúc đẩy các không gian thể thao dễ tiếp cận, an toàn, thân thiện và bình đẳng giới trong trường học nhằm tạo cơ hội bình đẳng cho các em gái tham gia như các em trai.

Tại buổi tổng kết dự án vào ngày 24/11 vừa qua, đánh giá cho thấy, đến nay, đã có hàng trăm trận bóng đá giao hữu được tổ chức giúp kết nối, chia sẻ giữa học sinh nam, học sinh nữ, cha mẹ và thầy cô, giữa gia đình và nhà trường. Hàng nghìn buổi sinh hoạt của 20 Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi để giúp các em gái, các em trai có thêm các kỹ năng chơi thể thao, rèn luyện sức khỏe, cũng như trang bị các kỹ năng sống để các em trở thành những người truyền lửa, lan tỏa các thông điệp về an toàn, thân thiện và bình đẳng giới tới các bạn học sinh trong toàn trường, tới cha mẹ, thầy cô và tới cộng đồng. Song song với đó, hơn 220 ngày hội thể thao vui, sự kiện truyền thông cấp trường đã được tổ chức để lan tỏa các thông điệp về an toàn, thân thiện và bình đẳng giới tới 31.000 học sinh nam nữ trên địa bàn huyện Ba Vì và quận Hà Đông.

Đồng thời, dự án đã huy động sự tham gia của hơn 35.000 cha mẹ học sinh thông qua ngày hội thể thao vui, các trận giao hữu bóng đá, các buổi nói chuyện tại cuộc họp phụ huynh trong năm học. Thông qua các hoạt động này, cha mẹ đã có nhận thức tốt hơn và thay đổi quan niệm bất bình đẳng trong tham gia thể thao đối với con gái, đối với học sinh yếu thế, giúp cha mẹ đồng hành cùng với con trong việc thúc đẩy an toàn, bình đẳng trong trường học và trong cộng đồng.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.