Tìm giải pháp khuyến khích nữ sinh viên - học sinh vượt khó, học giỏi

THU MÂY
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 15/10, Hội Khuyến học Hà Nội kết hợp cùng Hội nữ trí thức Hà Nội tổ chức Toạ đàm "Một số giải pháp khuyến khích nữ sinh viên - học sinh vượt khó học giỏi". Toạ đàm được tổ chức nhằm hưởng ứng "Ngày Khuyến học Việt Nam 2/10", kỷ niệm "70 năm ngày Giải phóng Thủ đô". Các đại biểu tham dự Tọa đàm đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả trong việc khuyến khích nữ sinh viên- học sinh nói riêng và học sinh, sinh viên nói chung vượt khó, học giỏi.

Không chỉ đưa ra các giải pháp khuyến khích nữ sinh viên- học sinh vượt khó, học giỏi, Tọa đàm còn tìm kiếm giải pháp chung cho các học sinh, sinh viên khó khăn vươn lên trong cuộc sống, học tập.

Tìm giải pháp khuyến khích nữ sinh viên - học sinh vượt khó, học giỏi - ảnh 1
Tọa đàm có sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, trí thức, đại diện các đoàn thể, tổ chức, các trường học trên địa bàn TP Hà Nội. 

Phát biểu tại toạ đàm, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội Bùi Thị An cho biết: Hà Nội - Thủ đô của cả nước, lãnh đạo thành phố luôn xác định giáo dục là nhiệm vụ hàng đầu trong việc đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô và đất nước.

Những năm gần đây việc đầu tư cho giáo dục lại càng được thành phố chú trọng như trong Chương trình 06-Ctr/TƯ ngày 17/3/2021 của Thành ủy, Hà Nội đã dành hơn 2.500 tỉ đồng để xây 5 trường liên cấp diện tích từ 5 ha trở lên, trong đó có nhiều cấp học như tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông với trang thiết bị hiện đại. Điều đó chứng tỏ cả hệ thống chính trị của Hà Nội đã vào cuộc chăm lo cho ngành giáo dục, biến nhận thức thành kết quả cụ thể.

Tuy nhiên, cũng theo PGS.TS Bùi Thị An, mặc dù kinh tế Thủ đô luôn tăng trưởng, năm sau tăng hơn năm trước, đời sống người dân đã được nâng lên đáng kể nhưng chưa đồng đều giữa nội và ngoại thành, giữa vùng thành phố và núi cao, giữa vùng công nghiệp phát triển và vùng nông nghiệp đơn thuần. Sự chênh lệch này cũng kéo theo có sự chênh lệch nhất định trong lĩnh vực giáo dục. Vì vậy, điều đáng ghi nhận là trong những năm gần đây, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội liên tiếp ban hành một số nghị quyết mang tính đặc thù liên quan đến giáo dục, có các chính sách hỗ trợ phù hợp và kịp thời cho học sinh. “Mục tiêu của cuộc Tọa đàm là tìm ra được một số giải pháp để các cấp lãnh đạo, các tổ chức, đoàn thể, các thầy cô, các bậc phụ huynh giúp các em vượt qua khó khăn, học giỏi”- PGS.TS Bùi Thị An bày tỏ.

Tìm giải pháp khuyến khích nữ sinh viên - học sinh vượt khó, học giỏi - ảnh 2
PGS.TS Bùi Thị An 

Các tham luận tại Tọa đàm đã nêu ra nhiều vấn đề về những trở ngại, khó khăn đối với các học sinh gặp khó khăn, ảnh hưởng đến việc học tập, dẫn đến nguy cơ có thể phải gián đoạn học tập, đánh mất những cơ hội tốt đẹp trong tương lai. Trong đó có các nữ học sinh, sinh viên. Cô Đỗ Thị Ngọc Thúy, giáo viên Trường THPT Ngọc Hồi- Thanh Trì cho biết, hậu quả của việc nữ sinh nói riêng và học sinh nói chung phải ngừng học tập do khó khăn là sẽ mất đi cơ hội học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng, khó có được một nghề nghiệp ổn định trong tương lai. Khi các em đi làm sớm còn bị bóc lột sức lao động, dụ dỗ, lôi kéo sa vào các tệ nạn xã hội, nếu lấy chồng sinh con sớm sẽ không có thu nhập, không tự chủ về kinh tế thì vai trò sẽ bị giảm sút, nảy sinh mâu thuẫn gia đình, không hạnh phúc và có nhiều hệ lụy đáng tiếc khác… Cùng với đó là ảnh hưởng đến nỗ lực xóa bất bình đẳng giới của xã hội.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó ban Gia đình Xã hội, Hội LHPN Hà Nội cho biết, những năm qua với chức năng quan tâm chăm lo đến phụ nữ, trẻ em, Ban Thường vụ  Hội LHPN Hà Nội đã triển khai trong các cấp Hội PN thực hiện các giải pháp khuyến khích học sinh vượt khó vươn lên trong học tập. Tham luận của Hội LHPN Hà Nội cũng đã nêu một số giải pháp khuyến khích nữ học sinh, sinh viên cũng như các em học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn, như: Tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ với tư cách là người bà, người mẹ trong gia đình, quan tâm thực hiện Luật Trẻ em, nhất là quyền được học tập; Tăng cường khai thác nguồn lực xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân, sự ủng hộ của cán bộ, hội viên phụ nữ cho hoạt động khuyến học, hỗ trợ các điều kiện về vật chất, tinh thần giúp trẻ em được đến trường.

Phát biểu tại toạ đàm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc khuyến học - khuyến tài, khuyến khích học sinh vượt khó trong học tập. Đồng thời, ông Lê Mạnh Hùng cũng đánh giá cao vai trò của gia đình và dòng họ trong việc khuyến khích trẻ em, học sinh học tập.

Tìm giải pháp khuyến khích nữ sinh viên - học sinh vượt khó, học giỏi - ảnh 3
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng phát biểu tại toạ đàm

"Một dòng họ có nhiều gia đình, trong đó có gia đình khó khăn nhưng cũng có gia đình ở mức khá. Vì vậy, gia đình không khó khăn cần hỗ trợ những gia đình khó khăn hơn. Từ đó giúp con em trong dòng họ vượt khó, vươn lên trong học tập", Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam chia sẻ.

Ông Lê Mạnh Hùng cho rằng, việc khuyến khích và hỗ trợ học sinh, sinh viên vượt qua khó khăn không phải là nhiệm vụ của một cá nhân, một tổ chức xã hội cụ thể, mà cần sự chung tay, góp sức của tất cả mọi người, giống như câu nói "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu". "Các cơ quan thông tấn báo chí, các cơ quan truyền thông tiếp tục dành sự quan tâm, ủng hộ, bằng ngòi bút trách nhiệm và tâm huyết để có những bài viết phản ánh chân thực về những học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng không ngừng vươn lên, đạt nhiều thành tích cao trong học tập’- Ông Hùng nêu. Bên cạnh đó, tuyên dương những tấm gương của các nhà hảo tâm luôn sẵn sàng chia sẻ, đồng cảm và giúp đỡ trẻ em, học sinh có hoàn cảnh khó khăn cũng như tôn vinh các doanh nghiệp, các thầy cô giáo hết mình giúp sức, hỗ trợ học sinh khó khăn… cũng là việc làm vô cùng cần thiết.

Tìm giải pháp khuyến khích nữ sinh viên - học sinh vượt khó, học giỏi - ảnh 4
Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh tổng hợp các giải pháp hiệu quả từ Tọa đàm

Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh chia sẻ, tuy Hà Nội không còn hộ nghèo nhưng tại tất cả các quận, huyện, kể cả các quận phát triển kinh tế, vẫn còn hộ cận nghèo và gia đình khó khăn. Đặc biệt, Hà Nội là một địa phương phát triển dân số cơ học nhanh, trong đó còn nhiều học sinh, sinh viên gặp khó khăn về vật chất hay có những khiếm khuyết về cơ thể. Do đó, việc khuyến khích học sinh, sinh viên vượt khó học tập là một trong những nhiệm vụ quan trọng vừa mang tính nhân văn vừa là sự đầu tư cho sự phát triển của tương lai.

Đánh giá về buổi Tọa đàm, Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội cho biết, tọa đàm "Một số giải pháp khuyến khích nữ sinh viên - học sinh vượt khó học giỏi" đã nhận được nhiều giải pháp, từ vĩ mô có tính chất chủ trương, đường lối đến một số giải pháp cụ thể: phát huy nội lực của học sinh, sinh viên, bằng việc chia sẻ, động viên, trao gửi niềm tin, tạo cơ hội, thúc đẩy nghị lực tự vươn lên của mỗi cá nhân trong tự học, tự nghiên cứu, tự rèn luyện; giúp đỡ động viên về mặt vật thể hiện ở việc trao thưởng, trao học bổng, miễn giảm học phí nhằm giúp đỡ học sinh, sinh viên về tài chính hoặc cơ sở vật chất như trang thiết bị học tập thông minh, hiện đại; cần xác định vai trò của gia đình, của nhà trường, của xã hội, của dòng họ trong việc khuyến khích, động viên học tập để không ai bị bỏ lại phía sau; tiếp tục đẩy mạnh các phong trào học tập như Thủ tướng Chính phủ đã phát động, học thường xuyên, học suốt đời, xây dựng xã hội học tập; lan tỏa các tấm gương hiếu học, các nghị lực phấn đấu vươn lên, thực hiện tốt công tác động viên, khen thưởng, truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong học tập và rèn luyện.

 

Tin cùng chuyên mục

"Ngàn lá cờ Tổ quốc vì Trường Sa thân yêu"

"Ngàn lá cờ Tổ quốc vì Trường Sa thân yêu"

(PNTĐ) - Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Trường THCS Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội đã phát động phong trào trong toàn nhà trường hưởng ứng chương trình "Ngàn lá cờ Tổ quốc vì Trường Sa thân yêu".
Nặng áp lực, bất an với môn thi thứ 3 vào lớp 10

Nặng áp lực, bất an với môn thi thứ 3 vào lớp 10

(PNTĐ) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đang lấy ý kiến về dự thảo Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở (THCS) và tuyển sinh trung học phổ thông (THPT). Trong đó, quy định về phương thức, môn thi thứ 3 vào lớp 10 đang khiến nhiều phụ huynh và học sinh bất an; hay quy định về cộng điểm ưu tiên không còn phù hợp với thực tiễn…