Tránh bị trượt vì “đứng núi này trông núi nọ“

HOÀNG LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã chính thức công bố điểm thi tốt nghiệp THPT. Ngoài mục tiêu xét tốt nghiệp, điểm thi tốt nghiệp còn giúp thí sinh xét tuyển vào các trường đại học. Vậy, thí sinh cần làm gì sau thời điểm quan trọng này?

Tránh bị trượt vì “đứng núi này trông núi nọ“ - ảnh 1
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của trường Đại học Hà Nội Ảnh: Hanu

Bắt đầu đăng ký xét tuyển đại học từ 22/7 
Theo quy định, sau khi công bố điểm thi tốt nghiệp THPT, chậm nhất ngày 26/7, các sở GD-ĐT phải xét công nhận tốt nghiệp và gửi giấy chứng nhận kết quả thi chậm nhất vào ngày 30/7/2022. Từ ngày 24/7-3/8/2022, thí sinh có nguyện vọng sẽ nộp đơn phúc khảo bài thi. Từ ngày 22/7/2022 đến 17h ngày 20/8/2022, thí sinh thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia.

Năm nay, các nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành, các phương thức tuyển sinh ở tất cả các cơ sở đào tạo được xếp thứ tự từ 1 đến hết (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất). Dù xét tuyển theo phương thức nào, thì nguyện vọng của thí sinh vẫn sẽ được xử lý cùng trên một hệ thống và mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất, trong số các nguyện vọng đã đăng ký khi đảm bảo điều kiện trúng tuyển.

Theo ông Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, đây là điểm rất mới trong quy trình xét tuyển đại học. Nếu như các năm trước, thí sinh có thể đăng ký trực tiếp bằng phiếu hoặc trực tuyến thì năm nay, thí sinh đều phải đăng ký theo hình thức trực tuyến. Thí sinh dù trúng tuyển đại học theo phương thức nào, nếu không đăng ký trực tuyến, sẽ không được công nhận kết quả.

Tính đến ngày 21/7/2022, trước thời điểm hệ thống đăng ký xét tuyển đại học của Bộ GD-ĐT và Cổng dịch vụ công quốc gia bắt đầu hoạt động (ngày 22/7), nhiều trường đại học như Đại học Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Ngân hàng… cũng đã công bố danh sách thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thẳng, xét tuyển kết hợp, xét tuyển bằng xét học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực… Tuy nhiên, đối với thí sinh chưa may mắn trúng tuyển sớm, cơ hội vẫn chưa hết vì các em có thể đăng ký xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT khi nhiều trường đại học vẫn đang dành từ 50-60%, thậm chí chỉ tiêu cao hơn cho phương thức này.

Tuy nhiên, cũng theo ông Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Nông Lâm TP HCM, muốn tăng cơ hội trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, đặc biệt là vào các trường, ngành học yêu thích, thí sinh cần đánh giá mức điểm đạt được, có thể tham chiếu với kết quả điểm chuẩn trúng tuyển của trường đó vào các năm trước để đánh giá. Trên cơ sở đó, thí sinh sẽ tính toán, cân nhắc lựa chọn các nguyện vọng phù hợp. 

Đừng để “ra về tay trắng”
Theo TS. Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hà Nội, hiện nay, một số trường đại học xét tuyển với nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Chẳng hạn Đại học Hà Nội xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT, thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế, thí sinh học lớp chuyên, song ngữ THPT chuyên, THPT trọng điểm, thí sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba cấp tỉnh/thành phố, thí sinh tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, thí sinh tham dự vòng thi tháng cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia… Sau ngày 22/7, các thí sinh sẽ không thể đăng ký xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm lên Cổng thông tin của Bộ, trừ những thí sinh đã có kết quả trúng tuyển sớm muốn xác nhận mình sẽ nhập học bằng các phương thức đó. 

Sau khi được xác định trúng tuyển, nếu đó đúng là ngành thí sinh yêu thích và có nguyện vọng theo học, để đảm bảo chắc chắn cơ hội trúng tuyển, thí sinh nên đặt nguyện vọng đó là nguyện vọng số 1 trên hệ thống xét tuyển chung và không nên thay đổi nguyện vọng. Chẳng hạn, thí sinh trúng tuyển vào ngành A theo phương thức xét tuyển kết hợp, sau đó khi thấy điểm thi tốt nghiệp THPT cao nên lại xét tuyển thêm ngành B và đặt ngành B vào nguyện vọng số 1. 

Tuy nhiên, nguyên tắc xét tuyển đại học là thí sinh đã đỗ nguyện vọng 1 thì hệ thống sẽ tự động lọc ảo và loại bỏ các nguyện vọng sau của thí sinh dù có trúng hay không. Trong trường hợp này, thí sinh mong muốn được học ngành A cũng không còn cơ hội thay đổi, vì hệ thống đã xác nhận thí sinh đỗ ngành B theo nguyện vọng 1. 

Lời khuyên của TS. Dũng đưa ra cho các thí sinh là nếu đã trúng tuyển sớm vào nguyện vọng yêu thích thì hãy tự tin đặt nguyện vọng đó lên vị trí số 1 và đừng thay đổi. 

Còn theo ông Trần Đình Lý, các năm trước, thí sinh có thể trúng tuyển bằng nhiều phương thức và lựa chọn nhập học 1 phương thức thì năm nay thí sinh chỉ được xét trúng tuyển theo 1 phương thức. Vì vậy, thí sinh phải tính toán kỹ, tránh “đứng núi này trông núi nọ” rồi lại “xôi hỏng, bỏng không”. Khoảng thời gian từ 22/7-20/8/2022 là rất quan trọng vì thí sinh được đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng không giới hạn, lựa chọn phương thức trúng tuyển. Sau 17h ngày 20/8/2022, hệ thống đăng ký tuyển sinh chung sẽ “khóa sổ”, nên thí sinh không thể thay đổi nguyện vọng đăng ký.
Các đợt bổ sung (nếu có) của cơ sở đào tạo chỉ diễn ra trong khoảng từ tháng 10 đến tháng 12/2022. Tuy nhiên, những thí sinh đã trúng tuyển và xác nhận nhập học thì không được xét tuyển bổ sung, trừ các trường hợp được thủ trưởng cơ sở đào tạo cho phép không nhập học. 

Vì vậy, theo ông Trần Đình Lý, thí sinh cần cân nhắc và lựa chọn kỹ nguyện vọng về trường, ngành theo học, tránh học trường, ngành, nghề mà mình không yêu thích chỉ để “chống trượt”.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.