Trẻ nhỏ tò mò: Tính xấu hay phẩm chất tốt?
ĐSGĐ-Những đứa trẻ với sự tò mò dường như luôn chứa đựng trong đầu óc của chúng hàng tá câu hỏi, hàng vạn những thắc mắc cần được giải quyết...
Những người lớn với tính cách tò mò, tọc mạch thường bị đánh giá là có tính xấu vì luôn thích xen vào chuyện của người khác. Nhưng với đối tượng là trẻ em, sự tò mò lại được đánh giá là mang tính học hỏi nên rất được khuyến khích. Trí tuệ của mỗi đứa trẻ có thể được nhận thấy thông qua sự tò mò của chúng. Tò mò chính là mong muốn được khám phá, được trải nghiệm, được nhận thức… Ngược lại, với những đứa trẻ thiếu sự tò mò, chúng bị đánh giá là quá nhút nhát, e ngại sự mạo hiểm, ngại tiếp xúc, học hỏi.
Trẻ con thường đặt ra hàng tá câu hỏi nhờ người lớn giải đáp giúp chúng. Nhưng nếu bố mẹ của trẻ mặc kệ và hiếm khi trả lời những thắc mắc của con, chính họ đang kiềm chế trí tưởng tượng của con mình, khi đứa trẻ thực sự mong muốn được tìm hiểu, khám phá thế giới mà chúng đang sống. Nhưng khi con bạn cứ liên tục hỏi mấy chục câu hỏi cùng một thời điểm, làm thế nào để trẻ hiểu được là chúng đang hỏi quá nhiều và bạn không thể trả lời hết được những thắc mắc của chúng.
![]() |
Ảnh minh họa |
Khi sự tò mò quá giới hạn
Sự tò mò là điều cần thiết với mỗi người để thỏa mãn “cơn khát” của mình trước những kiến thức, thông tin mà mình chưa nắm rõ. Tuy vậy, sự tò mò có những ranh giới nhất định mà chúng ta không nên vượt quá vì có thể gây ảnh hưởng đến bản thân mình và nhiều người xung quanh. Trong trường hợp trẻ quá tò mò vì một vấn đề nào đó, tò mò đến độ trẻ tỏ ra lén lút, giấu diếm người lớn để “điều tra” một vấn đề mà trẻ đang quan tâm, chúng ta cần phải giải thích để trẻ nhận thức được rằng tính tò mò cũng cần có những giới hạn, những ranh giới của nó chứ không được đi quá đà.
Nhiều trẻ vượt qua những giới hạn của sự tò mò khi trẻ ở độ tuổi lên sáu. Bố mẹ cần phải bắt đầu dạy trẻ cách kiềm chế những câu hỏi mang tính chất cá nhân trước những người lớn khác như “bác thường ngủ dậy vào lúc mấy giờ”, “cô có yêu chú Huy nhiều không”…
Khi trẻ lên bảy tuổi, trẻ cần học nguyên tắc không được “xâm phạm” vào không gian riêng tư của người khác nếu không được cho phép, như trong phòng ngủ của bố mẹ chẳng hạn. Trẻ cần phân biệt được các vấn đề chung và các vấn đề mang tính riêng tư. Nhờ vậy, trẻ sẽ xác định được điều gì mình không nên xâm phạm hoặc không nên cố tìm hiểu một cách cặn kẽ vì đó là những vấn đề hết sức tế nhị và riêng tư của những người xung quanh.
![]() |
Ảnh minh họa |
Vì sao trẻ tò mò?
Để đáp ứng “cơn khát” về kiến thức, đôi khi trẻ vượt quá giới hạn của sự tò mò và khao khát muốn tìm hiểu thế giới quanh mình. Một số trẻ lại hỏi quá nhiều chỉ với mục đích thu hút sự chú ý của người lớn. Đôi khi, việc trẻ đặt ra quá nhiều câu hỏi đơn giản chỉ vì những nhu cầu đặc biệt về tình cảm hoặc muốn được biểu lộ. Những thay đổi trong cuộc sống, sự ra đời của một em bé trong gia đình cũng có thể ảnh hưởng đến trẻ.
Ở tuổi lên ba là sự khởi đầu của quá trình xã hội hóa. Lúc này, trẻ bị buộc phải học và làm quen với nhiều kỹ năng xã hội khác nhau. Điều này ít nhiều khiến trẻ căng thẳng và không thoải mái. Việc liên tiếp đặt ra nhiều câu hỏi cũng là cách để trẻ giải tỏa các vấn đề của mình và bớt đi những lo lắng.
Thiết lập giới hạn
Đôi khi bạn bị… choáng ngợp bởi những câu hỏi của con. Những câu hỏi đó khiến cho bạn thấy mệt mỏi và đôi lúc khá căng thẳng. Vì vậy, bạn cũng cần “thiết lập” các giới hạn cho điều này, nhưng không có nghĩa là bạn được quyền từ chối tất cả những câu hỏi của trẻ.
Nhưng chúng ta không được phép đưa ra những quy định quá ngặt nghèo đến nỗi trẻ không có cơ hội được tự do khám phá và phát triển trong không gian của chúng.
Dù là những người lớn nhưng không phải chúng ta là người biết hết mọi thứ. Nếu bọn trẻ hỏi bố mẹ những câu mà người lớn chưa có câu trả lời, hãy thành thật với trẻ là bạn chưa biết chứ đừng cố tình lảng tránh hoặc tìm cách đổ lỗi cho trẻ là tại sao trẻ cứ hay muốn làm phiền tới bạn.
Người lớn cũng có thể thiết lập cho mình những không gian riêng bằng việc thông báo cho bọn trẻ biết rằng lúc này bạn đang tập trung vào một vấn đề khác (như đang xem báo, xem TV chẳng hạn) nên bạn cần có một không gian riêng tư, không bị quấy rối bởi những câu hỏi và tiếng ồn của trẻ con. Bạn có thể gợi ý cho con chơi ở phòng khác hoặc ra ngoài chơi (trong trường hợp trẻ đã đủ tuổi) trong khoảng thời gian này.
Bạn nên thiết lập những quy định cụ thể với trẻ về những khoảng thời gian bạn có thể dành hoặc không dành được cho con. Nếu không, sự “quấy rối” liên tục của đứa trẻ sẽ khiến bạn mất kiên nhẫn, thậm chí phát điên. Lúc đó, chính đứa trẻ sẽ cảm thấy bị tổn thường vì cho rằng bố, mẹ chúng chưa bao giờ quan tâm đến nhu cầu chính đáng của chúng, dù chỉ là việc trả lời một câu hỏi.
Vũ Hà (Theo Le Monde)