Tuyển sinh đầu cấp tại trường tiểu học dân lập: Tranh nhau vào lớp 1

Chia sẻ

PNTĐ-Mặc dù tiểu học là bậc phổ cập, nhưng, do cung lớn hơn cầu, một số trường dân lập như Nguyễn Siêu, Đoàn Thị Điểm, Lê Quý Đôn, Thực nghiệm... cũng phải tổ chức thi tuyển đầu vào.

 
Năm 2013, số lượng trẻ sinh năm Heo vàng tăng vọt càng làm cuộc đua này trở nên gay cấn… Trường tiểu học Nguyễn Siêu, năm nay chỉ tuyển hơn 200 HS lớp 1 nhưng đã có tới 1.000 bộ hồ sơ phát ra. Trường Đoàn Thị Điểm tuyển khoảng 530 trẻ nhưng chỉ tính riêng số CLB mở ra để phục vụ những bé có nhu cầu dự thi vào trường đã lên tới 30 lớp, tương ứng với gần 1.000 bé…

Gian nan đường vào trường
 
Tiểu học Nguyễn Siêu là trường đầu tiên mở màn thi tuyển vào 3 ngày giữa tháng Tư vừa qua, mỗi ngày sàng lọc 300 trẻ. Sắp tới, có thêm 2 trường nữa thi tuyển là tiểu học Lê Quý Đôn (thi ngày 26/5 và 2/6) và tiểu học Đoàn Thị Điểm (thi ngày 31/5)…
 
Để được trở thành HS Đoàn Thị Điểm, các bé sẽ phải trải qua một kỳ kiểm tra trắc nghiệm năng lực nhận biết, ghi nhớ, diễn đạt. Học sinh nào đăng ký lớp quốc tế, sau khi trúng tuyển còn phải kiểm tra tiếp khả năng ngoại ngữ. Với trường tiểu học Nguyễn Siêu, thi tuyển diễn ra từ sáng tới chiều. Trẻ có nguyên một ngày sinh hoạt tại trường để “ban giám khảo” quan sát, đánh giá về nhận thức, sức khỏe, kỹ năng sống…  Thậm chí, bé nào “đạt về văn hóa” nhưng bị cận thị, cân nặng dưới chuẩn, nói ngọng, nói lắp cũng bị loại…
 
Tuyển sinh đầu cấp tại trường tiểu học dân lập: Tranh nhau vào lớp 1 - ảnh 1
Để có thể được “chào đón” như thế này, các bé đã phải vượt qua
kỳ thi tuyển gắt gao
 
Tất cả các trường đều khẳng định, việc kiểm tra chỉ tập trung vào kiến thức các trẻ đã được học ở mẫu giáo. Tuy nhiên, theo các cha mẹ đã có con đi thi, nếu chỉ trông chờ vào trường mẫu giáo thì không thể đỗ được. Chị Mai có con mới đỗ vào tiểu học Nguyễn Siêu kể: Con phải thuộc làu 29 chữ cái. Vào phòng thi, cô giáo yêu cầu con khoanh vào chữ cái nào là phải làm được luôn. Bài kiểm tra logic có dạng nối hình với số tương ứng. Nếu không được luyện con sẽ lúng túng. Chẳng hạn bài nối phần 2 con gà với số chân gà tương ứng. Theo cách tư duy thông thường, trẻ chỉ hiểu gà có 2 chân nên sẽ nối với số 2 trong khi lẽ ra phải cộng tổng số chân của 2 con gà để nối với số 4.
 
Vì thế, từ sau Tết, rất nhiều bà mẹ đã tất tả tìm lớp luyện thi cho con. Chị Hòa, khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính cho biết: Đầu tháng 3, chị đã đăng ký cho con học CLB Tuổi thơ, diễn ra vào ngày thứ 7 hàng tuần của trường tiểu học Đoàn Thị Điểm. Suốt một ngày ở trường, các cháu sẽ được luyện các kỹ năng như nối hình, nối số, được tập kể chuyện theo tranh, được học tiếng Anh… vốn là những nội dung thường xuất hiện trong các đề kiểm tra đầu vào của trường. “Sau mỗi buổi con lại mang về  3, 4 tờ giấy A4, có in đủ các dạng bài tập được luyện”. Nhiều mẹ khác lại bỏ ra tiền triệu để gửi con vào CLB Hành trang vào lớp 1 của trường Lê Quý Đôn với niềm tin “thi đâu học đó” cho dễ đậu.  Ngoài ra, bí quyết được truyền lại của các bà mẹ đi trước còn là nên cho con luyện thêm hàng ngày bằng bộ sách Chim Đa Đa, có bán tại các hiệu sách để rèn chỉ số IQ.
Tuyển sinh đầu cấp tại trường tiểu học dân lập: Tranh nhau vào lớp 1 - ảnh 2
Những sấp bài tập của một HS “luyện thi” ở CLB Tuổi thơ
trường tiểu học Đoàn Thị Điểm
 
Thi tuyển cũng được, nhưng không nên “gây hại” cho trẻ
 
Tất nhiên, đã là thi tuyển thì phải có người đỗ, kẻ trượt. Trên webtretho, một bà mẹ sau khi có con đỗ vào Nguyễn Siêu hỉ hả loan báo: “Mình mừng hơn bắt được vàng”. Trong khi những mẹ có con thi trượt thì ngậm ngùi. “Chẳng hiểu sao, khi ở nhà, con tự tin lắm. Ấy vậy mà khi đi thi lại im như thóc” - Một mẹ than.
 
Quyết không lùi bước, nhiều bà mẹ đã phòng thủ bằng cách đăng ký thi liền mấy trường. Hỏng trường này sẽ lập tức thi ngay trường khác. Đợt thi tuyển vào cuối tháng 4 vừa qua ở trường Nguyễn Siêu, con gái chị Chuyên ở khu Nam Trung Yên bị thiếu mất 1/2 điểm. Vào ngày 31 tới, cả gia đình chị sẽ lại hộ tống con đến thi tại trường Đoàn Thị Điểm.  
 
Theo GS. TS Lê Phương Nga, khoa GD Tiểu học, ĐH sư phạm Hà Nội, việc thi tuyển đầu vào phần nào cho thấy thương hiệu của ngôi trường đó. Tuy nhiên, hình thức thi, đề thi ra sao rất cần được nghiên cứu và quản lý chặt để không gây hại cho trẻ. Nhiều trường, khi Bộ GD-ĐT cấm không được tổ chức thi đọc, thi viết đã tìm cách “né” bằng hình thức thi khác. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, cách thi đó lại vượt quá suy nghĩ  hay tầm kiểm soát của trường.
 
Chẳng  hạn, không thi đọc, viết nhưng các trường lại yêu cầu trẻ cầm bút trong khi đây là kỹ năng khó, trẻ cần phải được học bài bản ở lớp 1. Nếu trẻ cầm bút sai sẽ rất khó sửa. Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng, theo quan niệm giáo dục hiện đại, mọi học sinh đều có thế mạnh nhất định. Các trường năng khiếu (nhạc, họa) thi tuyển để đánh giá là đúng nhưng giáo dục phổ thông toàn diện mà chỉ qua vài ba bài thi không thể kết luận em này giỏi, dốt…
 
 Trượt không có nghĩa là trẻ kém cỏi
 
Theo ông Phạm Xuân Tiến, trưởng phòng Tiểu học, Sở GD-ĐT, Hà Nội có đủ các trường học cho các trẻ. Vì thế, nếu không vào được trường ngoài công lập, trẻ vẫn có thể vào học trường công với chất lượng hiện đều đã đạt chuẩn. Việc muốn con được học trường tốt là nhu cầu chính đáng của PHHS. Nhưng, cha mẹ hãy nghĩ mình chỉ đang chọn một phương án tốt hơn cho con chứ không có phương án xấu. Nếu không may con thi trượt thì đừng gây áp lực hoặc cho rằng con mình kém cỏi. Hãy để cho trẻ vui vẻ và hạnh phúc.
 

Trung Thu

Tin cùng chuyên mục