Về quê nghỉ hè

Linh Lan
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trước dịp hè, mẹ chồng tôi không may bị ngã rạn xương. Vì vậy, nếu như mọi năm, cứ hè đến là bà thu xếp lên thành phố chơi với cháu nội ít bữa thì năm nay bà gọi điện bảo tôi đưa con về chơi với bà.

Thực lòng, tôi không muốn con về quê dài ngày vì sợ con về đó điều kiện ăn ngủ không tốt. Rồi tôi đã lên kế hoạch học hè cho con. Năm sau con tôi thi chuyển cấp nên không học trước, tôi sợ con khó đạt kết quả cao.

Song, bà nội của con đã nói vậy mà cứ khăng khăng không đồng ý thì cũng kỳ. Vì vậy, tôi miễn cưỡng cho con về quê với điều kiện “con cho cháu về một tuần rồi sẽ về đón cháu”. Con tôi cũng kì kèo: “Con về đó mấy ngày thôi, ở quê chán lắm”.

Ngày đầu tiên con ở quê, tôi vừa sốt ruột, vừa nhớ con nhưng đợi đến khuya vẫn không thấy con gọi điện về như tôi đã dặn. Cuối cùng, tôi đành gọi điện trước thì mẹ chồng tôi là người cầm máy. Bà bảo: “Con Chíp nó chơi cả ngày mệt quá, giờ đã ngủ ngon rồi”. Thì ra, ngày đầu tiên ở quê, con theo chân các anh chị em họ ra đồng đào khoai, bắt châu chấu, cào cào, rồi còn được lội kênh. Tối đến, con ăn một mạch hết 2 bát cơm với tép rang khế mà không cần ai phải giục giã rồi tự động lên giường đi ngủ.

Về quê nghỉ hè - ảnh 1
Ảnh minh họa

Trong cuộc nói chuyện với mẹ chồng, tôi băn khoăn là ở quê không có điều hòa, sợ con không quen. Bà nội con cười: “Không sao, gió ở quê còn mát hơn cả điều hòa, con cứ yên tâm”.

Quả nhiên, những ngày sau, khi tôi chủ động gọi về, những lời kể của con với tôi không phải là phàn nàn ở quê thiếu thốn cái này, cái nọ. Ngược lại, con khoe là được tắm nước giếng mát lắm. Tối đến, bà còn trải chiếu ra sân cho các cháu vừa nằm chơi, vừa ngắm trăng. Con còn bắt được cả ve bay sà vào tận chiếu. “Ở quê cái gì cũng thích, cũng lạ mẹ ạ. Con rất thích ở quê”, con tôi vui vẻ nói.

Vèo cái đã gần tới ngày tôi hẹn về đón con về. Thế nhưng, khác với lời kì kèo “con chỉ ở quê mấy ngày thôi”, lần này, con lại bảo: “Mẹ cho con ở quê thêm mấy ngày nữa với bà. Con chưa thích lên thành phố đâu mẹ”. Rồi chẳng để cho tôi có cơ hội hỏi thăm thêm, con đã tạm biệt mẹ vì còn bận sang nhà chị họ cùng bọn nhỏ làm diều để sáng sớm sau đi thả diều.

Từng đó năm tôi nuôi con lớn, cho con tham gia bao nhiêu lớp học, có những khóa học lên tới cả chục triệu đồng. Đôi lúc tôi còn tự nghĩ là mình đã tạo điều kiện rất tốt cho con phát triển. Ít nhất so với các anh chị em ở quê, con tôi cũng được học tập bài bản hơn.

Vậy mà hóa ra không phải vậy. Sau mỗi ngày ở quê với bà nội, tôi thấy con dường như đã thu hoạch được rất nhiều điều mới lạ. Con đã biết thế nào là diều no gió, không còn nhầm lẫn giữa quả dừa non và quả cau, biết cách đào giun để làm mồi câu cá, biết hạt đậu đen, đậu xanh nằm trong quả đậu như thế nào... Rồi con còn lớn hơn, biết tự lập, tự thức dậy, gấp chăn màn, biết cách luộc ngô khoai cho bữa sáng mà không cần có bố mẹ theo sau hỗ trợ.

Cảm ơn không gian quê, cảm ơn “thầy giáo” bà nội đã giúp cho con tôi lớn lên như thế. Nhất định hè sang năm, tôi sẽ lại đưa con về quê...

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi)

Lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi)

(PNTĐ) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đang công bố dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến góp ý theo quy định. Dự thảo Luật gồm 9 chương và dự kiến 50 điều, được xây dựng bám sát chủ trương của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, điều ước quốc tế và thực tiễn trong nước; bảo đảm tính kế thừa, phát triển và kiến tạo hành lang pháp lý đổi mới phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN).
 “Bữa ăn trưa 0 đồng” tiếp sức mùa thi nơi ngoại ô Hà Nội

“Bữa ăn trưa 0 đồng” tiếp sức mùa thi nơi ngoại ô Hà Nội

(PNTĐ) - Hòa cùng không khí thi cử nghiêm túc và căng thẳng trên khắp cả nước, các thí sinh tại điểm thi thuộc xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn đã gần như hoàn thành các môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Trong thời gian nghỉ trưa để chuẩn bị cho buổi thi chiều, các em học sinh đã nhận được sự tiếp sức đầy yêu thương từ chính quyền địa phương, Hội LHPN và người dân nơi đây – bằng những bữa cơm trưa hoàn toàn miễn phí, ấm áp nghĩa tình.