Vị Giáo sư có “duyên” với Hà Nội
Sinh ra tại một làng quê nghèo vùng ven biển Đông Bắc đất nước (xã Hùng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng), nhưng GS.TS. NGND Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô không chỉ được biết đến là một chuyên gia đầu ngành sử học, một nhà quản lý tài ba, mà còn là một người nhiệt huyết, có nhiều đóng góp cho Hà Nội.
GS. TS Nguyễn Quang Ngọc chủ trì hội thảo xây dựng ngành Hà Nội học (ảnh: NVCC)
Khi đang là sinh viên khoa Sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1972, gác bút nghiên theo tiếng gọi của Tổ quốc, Nguyễn Quang Ngọc dành trọn 4 năm của tuổi 20 cho màu áo lính. Đến năm 1976, hoàn thành nhiệm vụ trong quân đội, ông được trở về tiếp tục học tập tại trường đại học. Năm 1977, tốt nghiệp đại học, ông được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy khoa Lịch sử, rồi lần lượt trở thành Chủ nhiệm Bộ môn, Phó Chủ nhiệm Khoa và Chủ nhiệm khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội. Ông đã cùng tập thể lãnh đạo khoa có nhiều đổi mới trong công tác giảng dạy, đào tạo, góp phần xây dựng khoa Lịch sử thành đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2000.
Cuốn giáo trình Tiến trình Lịch sử Việt Nam do T.S Nguyễn Quang Ngọc làm Chủ biên xuất bản lần đầu vào năm 2000 và tái bản đến nay có đến 16 lần, trở thành tài liệu môn học không thể thiếu trong giảng dạy tại Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung. Cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, xuất bản ở nhiều nước trên thế giới. Cuốn sách Hoàng Sa, Trường Sa - Chủ quyền của Việt Nam: Tư liệu và sự thật lịch sử được đánh giá là “một công trình nghiên cứu rất công phu và có hệ thống”, xuất bản lần đầu năm 2017, được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức dịch, xuất bản bằng tiếng Anh và được tái bản nhiều lần.
Trong quá trình công tác, cá nhân ông đã có nhiều đề tài nghiên cứu về Hà Nội như: Điều tra, nghiên cứu các di tích cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, di tích Ngô Quyền, Phùng Hưng, di tích chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa; Điều tra các di tích lịch sử - văn hóa 4 quận nội thành Hà Nội; tổ chức Hội thảo khoa học nhân Kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội. Năm 2009 ông đã chủ trì tổ chức thành công Hội thảo khoa học cấp Quốc gia Kỷ niệm 1.000 năm Vương triều Lý.
Năm 2005, là Viện trưởng Viện Việt Nam học và khoa học phát triển, ông luôn xác định lấy địa bàn Hà Nội là trọng tâm nghiên cứu và phục vụ của Viện, bắt tay vào xây dựng ngành học Hà Nội học. Năm 2010, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc trực tiếp tham gia xây dựng hồ sơ khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long thành Di sản Văn hóa Thế giới; tham gia tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội Văn hiến, Anh hùng, vì Hòa bình”, được công nhận là hoạt động khoa học nổi bật của Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; chủ trì xuất bản sách Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội (2012). Chủ biên, tác giả nhiều tập sách trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến được đánh giá cao như Địa chí Cổ Loa, Vương triều Lý....
Từ năm 2013 đến nay, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc là Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô, cá nhân ông đã tổ chức nhiều chương trình khoa học và đào tạo xác định những đặc trưng của không gian lịch sử văn hóa Thăng Long - Hà Nội, góp phần xây dựng chiến lược phát triển bền vững Thủ đô.
Trong hơn 50 năm hoạt động, ông đã chủ biên, đồng chủ biên, tác giả chính 10 đầu sách và xuất bản hơn 30 bài báo khoa học về Hà Nội, xây dựng thành công ngành học Hà Nội học phục vụ cho các chiến lược phát triển Thủ đô.
Với những đóng góp của mình, GS.TS. NGND Nguyễn Quang Ngọc đã được Thủ tướng Chính phủ 3 lần tặng Bằng khen; Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì các năm 2004, 2013; Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội 6 lần tặng Bằng khen. Năm 2014, được vinh danh là Trí thức tiêu biểu vì sự nghiệp phát triển Thủ đô. Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2006, Nhà giáo Nhân dân năm 2014; Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2014; 10 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ, cấp Thành phố và cấp Đại học Quốc gia Hà Nội; 11 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Trường và cấp Viện và nhiều Bằng khen của các bộ, ban, ngành...
THU HẰNG