Bước đầu hoàn thiện Cẩm nang cho người lao động tại Hàn Quốc, Nhật Bản
(PNTĐ) - Ngày 16/8, Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội (Hội LHPN Hà Nội) tiếp tục phối hợp với tổ chức ADRA Việt Nam tổ chức buổi hội thảo tham vấn ý kiến các chuyên gia để hoàn thiện cuốn Cẩm nang cho người lao động tại Hàn Quốc, Nhật Bản.

Đây là dự án rất có ý nghĩa, hướng tới nâng cao nhận thức về văn hóa doanh nghiệp cho người lao động nhập cư, nhà quản lý doanh nghiệp và đối tác kinh doanh giữa Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trước đó, Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội và ADRA đã tổ chức hội thảo tham vấn các chuyên gia trong nước, đại diện công ty phái cử, đơn vị đào tạo, hỗ trợ người lao động làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản về nội dung của dự án.
Theo ông Phạm Mạnh Cường – cán bộ giám sát và đánh giá tổ chức ADRA, cuốn cẩm nang dành cho người lao động tại Hàn Quốc và Nhật Bản được thiết kế với 5 phần chính: Giới thiệu chung về đất nước, dân số và lao động của Hàn Quốc, Nhật Bản; Văn hóa doanh nghiệp, công sở, xí nghiệp; Một số điều cấm kỵ của người Nhật, người Hàn; Thông tin liên lạc về các vấn đề của người lao động; Mẫu câu tiếng Nhật, tiếng Hàn thông dụng sử dụng trong môi trường doanh nghiệp.

Trao đổi tại hội thảo, các chuyên gia của Việt Nam cũng như Hàn Quốc, Nhật Bản đều đánh giá cao sự kỳ công và nội dung của cuốn cẩm nang. Tâm đắc với nội dung về cảnh báo cảnh giác cho thực tập sinh du học tại Nhật, Hàn về văn hóa doanh nghiệp, các quy tắc ứng xử, những điều cấm kỵ và nên kiêng kỵ…. trong cuốn cẩm nang, ông Hoàng Văn Hoàn – Trưởng phòng Tư vấn, Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc, Cục phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: “Một cuốn cẩm nang bài bản như này thật sự đáng quý và có ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh thị trường Việt Nam là về ngành này hầu như chưa có cẩm nang bài bản nào, hầu hết là sự bộc phát, truyền miệng của các công ty, cá nhân. Nhiều thông tin được đưa ra trong cuốn cẩm nang rất thiết thực, chẳng hạn liên lạc của các tổ chức, các Hiệp hội của Việt Nam ở nước ngoài hoặc của chính nước bạn. Hiện người Việt Nam sang các nước còn chưa để ý, dẫn tới thiệt thòi về quyền lợi, trong khi tại các nước đó rất quan tâm và chú trọng quyền bảo vệ con người”.

Tuy nhiên, ông Hoàn và các chuyên gia cũng cho rằng, cần thêm một số chỉnh sửa để cuốn cẩm nang hoàn thiện hơn, chẳng hạn sử dụng hình vẽ sinh động giúp người đọc hứng thú, dễ hiểu, dễ nhớ các nội dung được đề cập; đưa thêm vào cẩm nang những ý kiến, trải nghiệm của những người trước đó từng sang Hàn Quốc, Nhật Bản để tăng sức thuyết phục và độ phong phú thông tin; nói rõ hơn về văn hóa các nước để người lao động hiểu, không vi phạm, ứng xử đúng.
Bên cạnh đó, các đại biểu dự hội thảo cũng cho rằng, ngoài chia sẻ những kiến thức, kỹ năng trong giao tiếp tại nơi làm việc, cẩm nang cũng cân nhắc bổ sung thêm kiến thức xã hội, ứng xử tại Nhật Bản, Hàn Quốc. Vấn đề ngôn ngữ cũng cần được lưu tâm, tránh việc khi chủ lao động giao việc, do nghe hiểu và trao đổi của người Việt không rõ dẫn tới mâu thuẫn, bất đồng tại nơi làm việc…

Qua kiến trao đổi của các chuyên gia, đại biểu, bà Nguyễn Thị Hảo - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội đánh giá cao các ý kiến đóng góp và khẳng định: Những chia sẻ của các chuyên gia vô cùng quý giá, giúp cuốn cẩm nang được hoàn thiện hơn nữa về mặt hình thức cũng như nội dung. Mong rằng, từ các góp ý trên, sau khi được chỉnh sửa, cẩm nang sẽ thành người bạn đồng hành không thể thiếu của mọi người lao động Việt Nam tại Nhật Bản, Hàn Quốc; các kiến thức sẽ được lan tỏa, đi vào thực tế và giúp các thanh niên, thực tập sinh đi làm việc hiệu quả hơn tại nước ngoài.