Phát huy vai trò, đóng góp của phụ nữ vào sự phát triển chung của đất nước

Nguyễn Thu Hà (thực hiện)
Chia sẻ

(PNTĐ) -Là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, năm 2022 đã khép lại với nhiều nỗ lực của các cấp Hội Phụ nữ trong cả nước. Từ những chương trình, hành động được cụ thể hóa khi đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống, các cấp Hội đã để lại nhiều dấu ấn nổi bật trong những phong trào, những sáng tạo trong các hoạt động, thể hiện vai trò của phụ nữ trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Phát huy vai trò, đóng góp của phụ nữ vào sự phát triển chung của đất nước - ảnh 1
   Hội LHPN Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị đối thoại Thủ tướng với phụ nữ Việt Nam ngày 15/10/2022        Ảnh: P.V 

Đầu xuân mới, bà Hà Thị Nga, Ủy viên Ban Chấp hành TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đã chia sẻ với Báo Phụ nữ Thủ đô về những thành công, thách thức của hoạt động Hội trong năm qua, cũng như những chương trình hành động trong giai đoạn tới để nâng cao vai trò của tổ chức Hội và vị thế của phụ nữ trong quá trình hội nhập và phát triển.  

Nhiều kết quả nổi bật của các cấp Hội trong năm 2022

Thưa Chủ tịch, năm 2022, một sự kiện quan trọng của phụ nữ cả nước Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đã được tổ chức thành công. Bà có thể điểm lại một số kết quả nổi bật mà các cấp Hội Phụ nữ trong cả nước đã đạt được trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết của Đại hội?

Bà Hà Thị Nga: Là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII Ban chấp hành Trung ương Hội đã quyết định lấy chủ đề năm 2022 là “Đổi mới, sáng tạo trong triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII”, theo đó từng cấp Hội đều nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong mọi hoạt động, có thể nêu một số kết quả nổi bật sau: 

Đổi mới trong chỉ đạo tổ chức các hoạt động chào mừng thành công Đại hội theo hướng thiết thực, hiệu quả. Thay vì tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ chào mừng theo truyền thống, Trung ương Hội đã hướng dẫn các tỉnh, thành Hội phát động cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước hưởng ứng thực hiện 3 nội dung: Hưởng ứng Tuần lễ áo dài, trồng cây xanh và nhắn tin ủng hộ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Kết quả đã có hơn 9,2 nghìn công trình và 6,6 triệu cây xanh được trồng (gấp 51 lần chỉ tiêu đề ra ban đầu); gần 19 tỷ đồng từ chương trình nhắn tin; “Tuần lễ áo dài” được đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ trên cả nước tích cực hưởng ứng với nhiều sự kiện tôn vinh giá trị áo dài, Hội thi duyên dáng áo dài, trao tặng áo dài cho phụ nữ khó khăn.

Triển khai Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII tới đông đảo cán bộ Hội phụ nữ các cấp với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến kết nối trên 4.000 điểm cầu, cho 60.000 cán bộ Hội từ Trung ương đến các cấp Hội trong cả nước (trong đó có gần 48.000 Chi hội trưởng tham gia). Đây là nhiệm kỳ đầu mà Nghị quyết được triển khai rộng và khẩn trương như vậy. Sau hội nghị, các cấp Hội đã khẩn trương xây dựng chương trình hành động triển khai nhiệm vụ giải pháp, cụ thể hóa nội dung Phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới” có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước. 

Chương trình “Mẹ đỡ đầu” nhằm hỗ trợ trẻ em mồ côi do Covid-19 hoặc có hoàn cảnh khó khăn do Hội khởi xướng đã thu hút được sự chung tay của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân trong toàn quốc.

Sau 1 năm thực hiện, các cấp Hội đã vận động, kết nối, hỗ trợ, đỡ đầu hơn 16.000 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có gần 3.000 trẻ mồ côi do dịch bệnh Covid-19 với tổng số tiền trên 87 tỷ đồng. Qua đó, góp phần lan tỏa giá trị nhân văn, truyền thống tương thân tương ái của con người Việt Nam với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. 

Hội nghị Thủ tướng đối thoại với Phụ nữ Việt Nam: Hội đã tham mưu tổ chức Hội nghị đối thoại của Thủ tướng Chính phủ để chị em phụ nữ và cán bộ Hội các cấp bày tỏ nguyện vọng, kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm, tạo điều kiện phát huy vai trò, sự đóng góp của phụ nữ vào sự phát triển chung của đất nước.

Qua đối thoại, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan tổng hợp đầy đủ các ý kiến, rà soát lại toàn bộ chính sách về bình đẳng giới, chính sách đối với phụ nữ để tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện trong đó nhấn mạnh Chính phủ sẽ nghiên cứu, xây dựng chính sách để đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ, nhất là các nhóm phụ nữ đặc thù, phụ nữ làm việc ở khu vực phi chính thức, làm việc tại các khu công nghiệp, trong đó, có chính sách về lao động, đào tạo, bảo hiểm, nhà ở, nhà trẻ, trường học.

Tổ chức Hội thi dân vũ trực tuyến trong hệ thống Hội: Sau gần 3 tháng triển khai, Hội thi đã thu hút đông đảo cán bộ Hội LHPN các cấp và các đơn vị trực thuộc, các câu lạc bộ, tổ, nhóm phụ nữ dân vũ rèn luyện thể dục, thể thao tham gia hưởng ứng. Ban Tổ chức đã nhận được 130 video bài dự thi, trong đó có 260 tiết mục của 65 tỉnh, thành, đơn vị trực thuộc.

Hội thi đã được cấp ủy, chính quyền ghi nhận và đánh giá cao; góp phần thu hút, tập hợp, vận động phụ nữ tham gia hoạt động Hội, thúc đẩy phát triển phong trào/CLB dân vũ rèn luyện sức khỏe; nhiều hoạt động đồng diễn dân vũ với quy mô lớn được trình diễn tại nhiều sự kiện văn hóa thể thao lớn của các địa phương ( Huế, Đà Nẵng, Thái Bình, Hà Nội, Nghệ An...), trong đó có nơi duy trì thường xuyên trở thành sinh hoạt văn hóa cộng đồng (Hà Nội, Hà Tĩnh, Nghệ An, Bắc Giang…). 

Triển khai thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030: Là một trong những cơ quan sớm triển khai thực hiện dự án với nhiều hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ Hội 51 tỉnh/thành  phố; hướng dẫn thành lập các mô hình của Dự án (Tổ truyền thông cộng đồng, thủ lĩnh của sự thay đổi), xây dựng 12 đầu tài liệu, gần 3.000 bộ áp phích truyền thông về dự án phát đến các xã khu vực III; xây dựng 10 phim sitcom và talk ngắn với các nhân vật phụ nữ dân tộc thiểu số điển hình, phát trên các kênh của VTV5; chuyên mục điện tử “Phụ nữ dân tộc thiểu số và miền núi và ấn phẩm PNVN”; tổ chức các sự kiện truyền thông ”Khát vọng phát triển của phụ nữ và trẻ em DTTS”, tọa đàm “Tiếng nói của phụ nữ” với thông điệp chung tay xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi.

Phản biện xã hội đối với Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi): Hội đã huy động nguồn lực tổ chức nghiên cứu đề tài khoa học, hội thảo chuyên gia, hội thảo tại 3 khu vực (Bắc, Trung, Nam), các tỉnh/thành đều tổ chức góp ý đối với dự thảo Luật; TƯ Hội chủ trì tổ chức hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); ban hành 5 văn bản góp ý dự thảo Luật gửi Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra; xây dựng tài liệu góp ý dự thảo Luật của Hội gửi tới các Đoàn Đại biểu Quốc hội. Phần lớn các ý kiến đã được tiếp thu như: Xác định các hành vi bạo lực đảm bảo bao quát hơn các dạng thức của bạo lực; nguyên tắc về chống phân biệt đối xử, định kiến; các biện pháp trong phòng, chống bạo lực gia đình, trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam trong phòng, chống bạo lực gia đình...

Kỷ niệm năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022 và năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam 2022: Trung ương Hội tổ chức các đoàn đi thăm cấp cao; các diễn đàn và lễ kỷ niệm quan hệ hợp tác như Lễ kỷ niệm năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào; Diễn đàn “Phụ nữ Việt Nam - Lào - Campuchia hội nhập, hợp tác vì phát triển xanh và bền vững trong một thế giới có COVID-19” các hoạt động giao lưu hữu nghị, ký kết hợp tác với các tỉnh/thành phố giáp biên để tăng cường giao lưu giữa nhân dân các nước. Đây là chuỗi các hoạt động chính trị đối ngoại hết sức có ý nghĩa, tạo dấu ấn và góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Hội LHPN Việt Nam với Hội Phụ nữ hai nước Lào và Campuchia, mở ra giai đoạn hợp tác mới, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Bên cạnh những thành công đã đạt được, theo bà, hoạt động Hội còn có những khó khăn, hạn chế nào cần khắc phục, nhất là trong bối cảnh phục hồi sau những tác động ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19?

Bà Hà Thị Ngà: Đây là năm đầu nhiệm kỳ nên khối lượng công việc lớn, nhiều văn bản hướng dẫn phải triển khai, bên cạnh đó, tình hình kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn ổn định, vì vậy, khi triển khai thực hiện hoạt động Hội cũng gặp một số khó khăn vướng mắc như: 

Phát huy vai trò, đóng góp của phụ nữ vào sự phát triển chung của đất nước - ảnh 2
 Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga trò chuyện với cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Phú Xuyên.   
Ảnh: Hoàng Lan

 Trong bối cảnh dịch chuyển lao động nhiều sau đại dịch, công tác nắm bắt tình hình tư tưởng, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ có lúc chưa kịp thời; vẫn còn xảy ra các vụ xâm hại, bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em. 

Về công tác vận động và huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp/tổ chức, mạnh thường quân, hội viên, phụ nữ để tổ chức các hoạt động hỗ trợ xã biên giới, triển khai các chương trình xã hội từ thiện gặp nhiều trở ngại trong điều kiện kinh tế, xã hội các địa phương còn khó khăn từ hậu quả đại dịch Covid 19.

Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính tạo nên sự thay đổi về cán bộ ở một số cơ sở, một số cán bộ chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng công tác Hội nên cũng ảnh hưởng đến việc tổ chức triển khai các phong trào thi đua và hoạt động Hội.

Trong khi đó, cơ sở vật chất ở cấp cơ sở còn chưa đảm bảo (hiện còn 778 cơ sở Hội thiếu máy tính hoặc đang dùng chung với các đoàn thể khác nên ảnh hưởng đến việc sử dụng các phần mềm phục vụ hoạt động Hội), chế độ cho cán bộ không chuyên trách cấp xã và chi hội trưởng còn bất cập. 

Một bộ phận cán bộ Hội chậm đổi mới, chưa tích cực chủ động tham mưu, cụ thể hóa phong trào thi đua, cuộc vận động thành hoạt động cụ thể phù hợp với đặc thù từng cơ sở.

Nghiên cứu, xây dựng những chính sách để giúp phụ nữ nâng cao quyền năng
Trong thời gian qua, nhiều cú sốc kinh tế toàn cầu từ biến đổi khí hậu, thiên tai đã cản trở thu hẹp khoảng cách giới, khiến cho phụ nữ dễ bị tổn thương, bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập. Theo bà, để giải quyết vấn đề việc làm cho phụ nữ giúp họ phát triển kinh tế, ổn định đời sống, nâng cao quyền năng, chúng ta cần có những chính sách gì trong năm 2023 và thời gian tới?

Bà Hà Thị Nga: Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế và đời sống của nhân dân, đặc biệt là khiến cho phụ nữ càng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc ổn định cuộc sống, tìm kiếm việc làm và khởi sự kinh doanh. 

 Để giải quyết việc làm cho phụ nữ, giúp họ phát triển kinh tế, ổn định đời sống, nâng cao quyền năng kinh tế, trong năm 2023 và các năm tiếp theo, Hội LHPN Việt Nam sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành đề xuất với Ban Bí thư và Chính phủ nghiên cứu và xây dựng các chương trình, chính sách, đề án như: 

Một là, triển khai các chương trình, đề án nâng cao nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, với mục tiêu thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, tập trung vào các đối tượng là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Hai là, nghiên cứu và ban hành các chính sách đảm bảo lồng ghép vấn đề giới, bình đẳng giới trong đào tạo nghề, có các giải pháp hỗ trợ, bảo đảm cho người lao động nữ có cơ hội lựa chọn ngành nghề đúng với năng lực, sở trường, giá trị nghề nghiệp phù hợp với thị trường lao động và có các chính sách đào tạo nghề ưu tiên cho đối tượng phụ nữ yếu thế.

Ba là, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ doanh nhân nữ, phụ nữ có dự định khởi sự kinh doanh được tiếp cận nguồn lực đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn vay ưu đãi của các chương trình, dự án, vốn tín dụng thương mại phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời, tăng cường các cuộc đối thoại chính sách về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nữ với sự tham gia của lãnh đạo Trung ương, bộ, ngành...

Bốn là, phối hợp đồng bộ giữa các ngành, địa phương để tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển sinh kế, hạn chế di cư lao động để không tác động tiêu cực đến đời sống gia đình; triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, khuyến khích phụ nữ tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác để phát triển các sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) mang lại hiệu quả kinh tế tốt hơn.

Năm là, phát triển các dịch vụ gia đình như chăm sóc người già, trẻ em... để giảm bớt thời gian làm việc  nhà, giúp phụ nữ có cơ hội được đào tạo, đầu tư cho chuyên môn nghiệp vụ.

Phụ nữ Thủ đô đã nêu cao tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”

Cùng với cả nước, thời gian qua, các cấp Hội LHPN Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình, mô hình, phần việc để đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ mang bản sắc riêng của Phụ nữ Thủ đô. Bà đánh giá về hiệu quả của những phong trào, mô hình đó như thế nào?

Bà Hà Thị Nga: Thời gian vừa qua, mặc dù phải đối mặt với những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 song các cấp Hội LHPN Hà Nội luôn tích cực hưởng ứng các phong trào, hoạt động mà Trung ương phát động, đồng thời có sự chủ động, sáng tạo và có cách làm riêng để có những hoạt động, chương trình thiết thực, nhân văn đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ như phong trào vận động cán bộ hội viên phụ nữ tham gia phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước” góp phần thực hiện Chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” và chương trình “Mẹ đỡ đầu”.

Đặc biệt, các cấp Hội Phụ nữ Thủ đô đã phát huy được nguồn nội lực từ những phụ nữ doanh nhân, nữ trí thức cũng như kết nối với nhiều tổ chức trong nước và quốc tế để có nhiều hình thức phong phú trong tổ chức hoạt động an sinh xã hội. Hội LHPN Thành phố đã phát động Chương trình “Vòng tay nhân ái - Tết ấm yêu thương” xuân Quý Mão 2023. Chương trình này mong muốn huy động tối đa các nguồn lực xã hội hóa để chuẩn bị 10.000 phần quà Tết cho phụ nữ yếu thế, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật, trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Nội và một số tỉnh biên giới trong Chương trình “Đồng hành với phụ nữ biên cương”.

Qua những chương trình, hoạt động trên, các cấp Hội Phụ nữ Thủ đô càng khẳng định vai trò, vị thế của mình, đồng thời, góp phần tập hợp thu hút hội viên phụ nữ và củng cố tổ chức Hội ngày càng phát triển. 

Có thể nói, với cách làm chủ động và tích cực như vậy, tôi hy vọng và tin tưởng Hội LHPN Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy và gặt hái nhiều kết quả cao hơn nữa về công tác đảm bảo an sinh xã hội trong thời gian tới. 

Trong số báo đặc biệt mừng xuân Quý Mão, bà có lời nhắn nhủ gì với các cấp Hội Phụ nữ và phong trào phụ nữ Thủ đô trong giai đoạn mới?

Bà Hà Thị Nga: Nhân dịp bước sang năm mới 2023 và đón xuân Quý Mão, tôi xin gửi tới hội viên, phụ nữ và cán bộ Hội các cấp lời chúc sức khỏe, gia đình bình an, hạnh phúc và nhiều thành công trong công việc. 

Năm 2022 là một năm đầy cơ hội nhưng cũng không ít thách thức khi Việt Nam đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19. Tuy vậy, phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Thủ đô nói riêng đã nỗ lực vượt lên khó khăn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước. Hội Phụ nữ Thủ đô cũng đã tích cực phát huy được vai trò đại diện của mình, chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em. 

Tôi tin tưởng rằng với truyền thống tốt đẹp, tinh thần không ngại khó ngại khổ và khát vọng xây dựng một môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em, sẽ tiếp tục là hành trang quý báu của các cấp Hội, của hội viên, phụ nữ Việt Nam nói chung, hội viên, phụ nữ Hà Nội nói riêng trong năm mới Quý Mão 2023. 

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Lan tỏa tình đoàn kết, giao lưu, hội nhập và phát triển

Lan tỏa tình đoàn kết, giao lưu, hội nhập và phát triển

(PNTĐ) - Triển khai Đề án “Phát huy vai trò của phụ nữ Thủ đô trong xây dựng Thành phố hòa bình, sáng tạo giai đoạn 2023-2026”, Hội LHPN Hà Nội tổ chức Chương trình Festival “Phụ nữ Thủ đô vì hòa bình, phát triển” góp phần lan tỏa tinh thần đoàn kết, giao lưu, kết nối, hội nhập và phát triển giữa phụ nữ Hà Nội và phụ nữ quốc tế, vì bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.
Hội LHPN Hà Nội thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại huyện Mường Nhé, Điện Biên

Hội LHPN Hà Nội thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại huyện Mường Nhé, Điện Biên

(PNTĐ) - Thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” và chuẩn bị đón Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024, từ ngày 25-28/1/2024, đoàn công tác của Hội LHPN Hà Nội do bà Lê Kim Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội dẫn đầu đã tới hai xã đồng hành thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa của tỉnh Điện Biên là Leng Su Sìn và Sín Thầu, thăm Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Điện Biên, đồn biên phòng Leng Su Sìn, Sín Thầu, ĐBP A Pa Chải, và thăm Hội LHPN tỉnh Điện Biên, Hội Phụ nữ huyện Mường Nhé và 2 xã đồng hành.