Hội LHPN quận Cầu Giấy: Truyền thông về phòng chống bạo lực gia đình qua “phiên tòa giả định”
(PNTĐ) - Thực hiện sự chỉ đạo của Hội LHPN thành phố Hà Nội, sáng 25/6, Hội LHPN quận Cầu Giấy tổ chức phiên tòa giả định, xét xử lưu động vụ án về tội “Cố ý gây thương tích” theo điều 134 Bộ luật Hình sự, đối với bị cáo Nguyễn Văn Đức.
Theo cáo trạng của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quận Cầu Giấy, anh Nguyễn Văn Đức kết hôn với chị Lê Thị Mận vào năm 2014. Quá trình chung sống vợ chồng từng xảy ra mâu thuẫn, nên nhiều lần Nguyễn Văn Đức có hành vi chửi mắng, đánh đập đối với chị Mận.
Khoảng 21 giờ ngày 14/02/2024, Nguyễn Văn Đức đi nhậu về đến nhà, chị Mận ra mở cửa và nói với chồng: “Sao đi nhậu mà không nói, để ở nhà phải chờ cơm”. Sau đó hai bên có lời qua tiếng lại, Nguyễn Văn Đức nói “Thấy về muộn là biết rồi”.
Lúc đó chị Mận nói “Đợi đến khi muộn thì cơm nguội, canh lạnh hết rồi”. Nghe chị Mận nói vậy, Đức lấy tay gạt mạnh qua người chị Mận để đi vào nhà.
Bị gạt tay qua người, chị Mận ngã mạnh xuống đất, vùng bụng va chạm vào cầu thang. Thấy vợ bị ngã nhưng Đức bỏ mặc để đi vào phòng ngủ. Đến khoảng 3 giờ sáng hôm sau, chị không chịu nổi nên kêu con trai lớn dậy gọi hàng xóm nhờ đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Sau khi xuất viện, chị Mận đã trình báo sự việc với Hội Liên hiệp Phụ nữ phường để nhờ hỗ trợ giải quyết theo quy định pháp luật.
Kết quả giám định của Trung tâm pháp y - Sở Y tế kết luận chị Lê Thị Mận bị dập lá lách, phải cắt bỏ lá lách, tỷ lệ tổn thương cơ thể là 35%. Tại Cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Đức đã khai nhận hành vi của mình như đã nêu trên. Căn cứ các tình tiết và chứng cứ nêu trên, Viện kiểm sát nhân dân quận Cầu Giấy kết luận hành vi của bị can Nguyễn Văn Đức đã gây cho chị Lê Thị Mận bị dập lá lách, phải cắt bỏ lá lách, tỷ lệ tổn thương cơ thể là 35%.
Như vậy có đủ căn cứ để xác định hành vi của Nguyễn Văn Đức đã phạm vào tội “Cố ý gây thương tích” được quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 134 Bộ Luật hình sự.
Tại phiên tòa, sau nghi nghe bị cáo Đức trình bày, Thẩm phán đã phân tích rằng: Phần lớn phụ nữ Việt Nam luôn có đức tính hy sinh và chịu đựng. Vợ của bị cáo là một trong những người có đức tính tốt đẹp đó. Bị cáo không biết tôn trọng và quý mến vợ mình.
Bị cáo nghĩ rằng mình là người trụ cột trong gia đình, là người làm ra nhiều tiền nên buộc các thành viên khác phải phục tùng mình kể cả người vợ.
Sự nhận thức, suy nghĩ và hành động không đúng như vậy đã làm ảnh hưởng đến vợ, con của bị cáo làm cho gia đình của mình không còn là nơi hạnh phúc, không còn bình an đối với các thành viên trong gia đình nữa.
Còn với chị Lê Thị Mận - là nạn nhân của bạo lực gia đình, chị có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của mình, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ cho chị. Chính vì sự chịu đựng của chị làm cho bị cáo tiếp tục thực hiện vi phạm pháp luật, dẫn đến xảy ra vụ án hôm nay. Hậu quả là chồng bị đưa ra xét xử, còn chị thì bị thương tích nặng.
Nếu ngay từ lúc chồng có hành vi chửi, mắng, đánh, chị biết phản kháng lại bằng cách chọn lựa phương pháp hữu hiệu để khuyên răn chồng; nếu 2 vợ chồng biết nhờ người lớn tuổi hoặc chính quyền địa phương can thiệp khi không tự giải quyết được, để kịp thời ngăn chặn, hoặc xử phạt hành chính đối với những hành động bạo hành của bị cáo, để bị cáo biết sợ, biết hành vi của mình như vậy là sai… có thể sẽ tránh gây ra thêm những thiệt hại cho gia đình.
Sau khi nghe phân tích của Thẩm phán và các Hội thẩm nhân dân, bị cáo Nguyễn Văn Đức đã hiểu được lỗi sai. “Bị cáo cũng không ngờ việc làm của bị cáo lại để lại hậu quả nặng nề như vậy. Bị cáo không dám vi phạm nữa”. Nhưng dù không mong muốn, hành vi của bị cáo vẫn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thương tật cho chị vợ; không chỉ tổn thương về cơ thể mà còn làm ảnh hưởng đến tinh thần của vợ một cách nghiêm trọng, vi phạm luật phòng, chống bạo lực. Và hành vi của bị cáo có dấu hiệu của tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại điểm a, khoản 2, điều 134 Bộ luật Hình sự.
Xét thấy, bị cáo lần đầu phạm tội, khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, hành động bột phát, có nơi cư trú ổn định, Hội đồng xét xử đã tuyên bố bị cáo Nguyễn Văn Đức phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 134, điểm 1, khoản 1 Điều 51, Điều 65 BLHS, xử phạt bị cáo Nguyễn Văn Đức 02 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 04 năm, thời hạn tù tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Áp dụng điểm d điều 12 nghị quyết số 326/2016/UBTVQH của UB Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí tòa án, Bị cáo thuộc hộ nghèo nên không phải chịu án phí hình sự sơ thẩm.