Phụ nữ “nói không” với rác thải nhựa: Khó hay dễ?

Kỳ 2: Hành động ngay vì sức khỏe và môi trường sống

Bài và ảnh: Thanh Quỳnh - Hồng Nhung
Chia sẻ

(PNTĐ) -Giải quyết ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra là một nhiệm vụ liên tục, lâu dài và kiên trì. Thời gian qua, cán bộ, hội viên phụ nữ Thủ đô không ngại khó, ngại vất vả đưa ra những cách làm sáng tạo, hiệu quả để cùng nhau thay đổi thói quen và tích cực lan tỏa thông điệp về “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa” đến cộng đồng với tinh thần hành động ngay vì sức khỏe và môi trường sống.

Kỳ 2: Hành động ngay vì sức khỏe và môi trường sống - ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Ngờ, hội viên Chi hội 3, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm giới thiệu sản phẩm làn nhựa đi chợ tại Chương trình Phát động hưởng ứng ngày Môi trường thế giới diễn ra sáng 3/6/2023.

U70 lấy “sống xanh” làm niềm vui
“Mỗi khi đêm về, căn bệnh về cột sống khiến của tôi cứ đau nhức lắm. Không ngủ được, tôi lại dậy đi… nhặt rác. Không chỉ làm đẹp thêm cho phố phường, mà với tôi, “rác” còn “biến” thành tiền, thành những chiếc làn, chiếc rổ vừa đẹp, vừa độc đáo, mang đi công đức nhà chùa hoặc tặng những hoàn cảnh khó khăn. Mỗi việc tôi làm sẽ góp một phần nhỏ bé để thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần, và tích cực “nói không” với túi nilon ”- bà Nguyễn Thị Ngờ, hội viên Chi hội 3, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ. 

Bà Nguyễn Thị Ngờ (69 tuổi) cũng là thí sinh xuất sắc đạt giải Nhất cuộc thi “Tìm kiếm sáng kiến tuần hoàn rác thải nhựa” do Hội LHPN quận Bắc Từ Liêm phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) tổ chức vào tháng 3/2023. Phía sau phần thưởng xứng đáng ấy là một câu chuyện đầy nhân văn của người phụ nữ gần chục năm nay làm việc thiện không ngơi nghỉ.

Nếu những năm trước đây, bà đi thu gom, nhặt vỏ chai… vừa góp phần làm sạch môi trường, vừa bán đi có tiền để trang trải cuộc sống và làm từ thiện. Vốn khéo léo, nên khi nhìn thấy các hàng bán hoa quả bỏ đi nhiều dây buộc hàng, bà Ngờ nghĩ ra việc dùng chúng để đan thành rổ, làn nhựa vì đây là loại dây có độ cứng, chắc, độ bền lại không thua kém chất liệu tre, trúc, hạn chế việc thải chất thải nhựa khó phân hủy ra môi trường… Thế là bà đến cửa hàng để xin dây. Để nhanh chóng có đủ nguyên liệu, bà còn xin dây nhựa được dùng chằng gạch ngói trong các công trình xây dựng, sau khi sử dụng thường bị cắt bỏ, vứt đi, đôi khi vứt bừa bãi, gây cản trở giao thông hoặc đốt gây hại cho môi trường. Mang về, bà rửa sạch từng sợi rồi phơi và bắt đầu mày mò, học hỏi cách làm rồi đan.

 Một cái làn nhựa mất tầm 4 tiếng, một cái sàng to khoảng 7 tiếng là bà đan xong. Mỗi lần đi chùa làm công quả, bà mang những sản phẩm mình làm được lên chùa Tĩnh Lâu (phường Bưởi, quận Tây Hồ) gần nhà mình tặng cho nhà chùa. Chổi để nhà chùa quét, sàng để các sư đựng bát, đĩa… Một năm tầm 2-3 lần như thế, bà lại mang vài chục sản phẩm các loại mình làm được đến tặng nhà chùa.

Nghe bà nói dùng dây nhựa để tái chế đan làn nhựa, mọi người ủng hộ, nhiều chủ cửa hàng còn gom sẵn số lượng nhiều rồi gọi điện thoại cho bà tới lấy. Tiếng lành đồn xa, những sản phẩm từ… rác của bà Ngờ đã được nhiều người tìm đến. Có người mua để mang đi tặng các nhà chùa tận miền Nam, Huế, Ninh Thuận…, có người thấy chiếc làn đẹp quá nên đến tận nhà bà Ngờ hỏi mua. “Bán được tiền tôi cũng dùng vào làm việc thiện”- bà Ngờ cười. 

Những vật dụng xinh xắn do bà Ngờ tái sinh từ rác đã được bà mang đến nhiều hội chợ cấp quận và thành phố. Sản phẩm của bà cũng được trưng bày tại Ngày hội Phụ nữ Thủ đô sáng tạo, khởi nghiệp năm 2022, phát động hướng ứng ngày Môi trường thế giới do Thành Hội tổ chức. Qua đó, chị em hào hứng mua. 

 “Mặc dù thu nhập từ đan giỏ không nhiều nhưng quan trọng là giúp con cháu có ý thức sống xanh, giảm rác thải nhựa và bảo vệ môi trường sống”, bà  Ngờ chia sẻ. 

Cán bộ Hội “thích” nhặt rác 
Là một trong những cán bộ Hội Phụ nữ say mê công tác Hội, 2 năm nay bà Lâm Thị Hiệu, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ Tân Xuân 3, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội dần thay đổi thói quen sử dụng các vật liệu thủy tinh để thay thế các chai nhựa dùng 1 lần. Các loại hộp đựng đồ của gia đình bà đều được thay thế bằng nhựa an toàn, có thể tái sử dụng nhiều lần. Mỗi lần đi chợ, bà Hiệu xách làn đi chợ, một số thực phẩm khô thì được gói trong túi giấy. Kể từ khi nghe thông báo của Hội Phụ nữ các cấp về thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, bà Hiệu càng tích cực hơn trong việc tuyên truyền vận động chị em phụ nữ, người thân gia đình và lấy mình làm gương để thực hiện việc phân loại, thu gom, tái chế rác thải, nhất là rác thải từ nhựa vừa để bảo vệ môi trường, vừa có nguồn quỹ để hoạt động phong trào được sôi nổi hơn. 

Kỳ 2: Hành động ngay vì sức khỏe và môi trường sống - ảnh 2

Hàng ngày, sau khi thu xếp công việc gia đình xong xuôi, bà Hiệu xách tài liệu đến gõ cửa từng nhà và thông qua các buổi hội họp, bà vận động chị em phụ nữ và hướng dẫn cách phân loại, làm sạch và dự trữ rác thải có thể tái chế được ngay tại gia đình. Cứ cách ngày, bà lại đến gia đình họ để nhận gom rác tái chế mang về. Ban đầu, ai nấy cũng đều thắc mắc với mức lương hưu ổn định, con cái thành đạt, sao bà lại “thích” đi nhặt rác đến thế? Nhưng từ khi biết được việc bà nhặt rác để có thêm nguồn quỹ giúp phụ nữ, trẻ em thì việc làm hữu ích của bà, ai cũng vui vẻ hưởng ứng, thậm chí vận động cả chồng, con, cháu trong việc phân loại rác thải, hạn chế sử dụng đồ nhựa 1 lần. 

“Nhà tôi chỉ rộng 40m2, ban đầu gom được bao nhiêu chai nhựa và rác tái chế về, tôi để ở góc nhà, chiếm khá nhiều diện tích, ảnh hưởng đến sinh hoạt. Để thuận tiện hơn, cứ thu gom được một ít, tôi lại bán ngay nhưng lại mất rất nhiều thời gian và công sức. May mắn thay, được sự chấp nhận của lãnh đạo tổ dân phố cho mượn một góc của nhà văn hóa tổ dân phố Tân Xuân 3 làm “Ngôi nhà xanh - cộng đồng nhân ái”. Hàng tuần, vào Chủ nhật, tôi và một số chị em trong Chi hội đi thu gom rác thải nhựa ở nhà dân mang về ngôi nhà xanh, phân loại để bán lại, dành số tiền đó tặng cho phụ nữ khuyết tật và trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn” - bà Hiệu nói. 

“Ngôi nhà xanh - cộng đồng nhân ái” ở Tổ dân phố Tân Xuân 3 là một trong rất nhiều mô hình “Chống rác thải nhựa” mà Hội LHPN phường Xuân Đỉnh thí điểm thực hiện và mong muốn nhân rộng ra nhiều chi hội khác trong phường. Bà Lê Thị Lý, Chủ tịch Hội LHPN phường Xuân Đỉnh cho biết, Hội đã triển khai có hiệu quả nhiều phong trào, mô hình có ý nghĩa, góp phần thực hiện tốt cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, xây dựng nhiều mô hình bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng sản phẩm từ nhựa điển hình như Mô hình “Thu đổi bếp lò than tái chế thành các chậu hoa”, “Đổi phế liệu lấy cây xanh”, xây dựng mô hình “Phụ nữ Xuân Đỉnh nói không khi sử dụng túi nilon”, thực hiện làn nhựa đi chợ, “Biến điểm rác, chân rác thành vườn hoa, đoạn đường bích họa, nở hoa, đoạn đường phụ nữ tự quản”. 

Từ tháng 3/2022, Hội đã tham gia cuộc thi “Phụ nữ Bắc Từ Liêm chung tay phòng chống rác thải nhựa”, do Hội LHPN quận phối hợp với tổ chức GreenHub; duy trì phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, tổ chức các chiến dịch ra quân bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa, thu gom phân loại rác thải tại nguồn; “Mô hình ngôi nhà xanh - cộng đồng nhân ái thu gom phế liệu và rác thải nhựa gây quỹ hỗ trợ phụ nữ khuyết tật và trẻ em mồ côi… Đó là những những hoạt động thiết thực, ý nghĩa, hiệu quả, có sức lan tỏa và tính nhân văn sâu sắc, đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp.

(Còn nữa)

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hội LHPN quận Hoàng Mai: Tập huấn chuyên đề về học tập và làm theo Bác Hồ

Hội LHPN quận Hoàng Mai: Tập huấn chuyên đề về học tập và làm theo Bác Hồ

(PNTĐ) - Thiết thực hưởng ứng các hoạt động chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024),  Hội LHPN quận  Hoàng Mai phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị Quận tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" cho 250 cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn.
Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

(PNTĐ) - Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), các cấp Hội Phụ nữ cả nước đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm giáo dục truyền thống, tham gia chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đặc biệt là hội viên phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Hội LHPN quận Tây Hồ: Đẩy mạnh kiểm tra hoạt động vay vốn ngân hàng trên địa bàn

Hội LHPN quận Tây Hồ: Đẩy mạnh kiểm tra hoạt động vay vốn ngân hàng trên địa bàn

(PNTĐ) - Nhằm tiếp tục đưa hoạt động ủy thác cho vay để giải quyết việc làm cho hộ cận nghèo, đối tượng chính sách từ nguồn vốn vay của ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSSH) được hiệu quả, kịp thời phát hiện vấn đề cần khắc phục…  thời gian qua, Hội LHPN quận Tây Hồ đã xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm tra, giám sát với công tác ủy thác cho vay trên địa bàn quận.