Muốn bình đẳng, phụ nữ phải tăng cơ hội phát triển bản thân

MÙA MUA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Đa phần các bố mẹ vùng dân tộc thiểu số cho rằng con gái chỉ cần học hết lớp 5, biết đọc và viết tên mình. Sau đó, ở nhà giúp bố mẹ, học làm nông, học thêu thùa may vá, học làm dâu nhà người, như thế tương lai mới được nhà chồng coi trọng. Vì quan niệm này mà nhiều gia đình đã khiến con gái không có cơ hội phát triển bản thân, mất quyền bình đẳng trong gia đình và xã hội.

Vào những năm 2000 trên những vùng quê xa xôi, những vùng dân tộc thiểu số nói chung và ở quê hương mình - một xã biên giới Việt - Lào thuộc huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên (hiện nay) nói riêng, việc đến trường học chữ đối với những đứa trẻ còn là một điều cực kỳ xa lạ. Chúng mình là những đứa trẻ người Mông, sinh ra trong một xã hội sử dụng ngôn ngữ và có văn hóa hoàn toàn khác biệt với người Kinh, không nói tiếng Kinh, không hiểu tiếng Việt.

Khi đó, đa phần các bạn nhỏ đến trường đầy sợ hãi và xa lạ. Nhưng điều đó chỉ đúng một phần, một phần còn đến từ những rào cản văn hóa khác như tư tưởng của những người làm cha mẹ chẳng hạn. Chính những cản trở của bố mẹ, phụ huynh mới là rào cản lớn nhất cho những đứa trẻ đến trường, đặc biệt là các trẻ em gái.

Hồi đó, trong xã mình có một chị gái đi học, có thai ngoài ý muốn. Và, rất nhanh, chị trở thành tấm gương để người lớn khuyên lũ trẻ con chúng mình đừng đến trường. Đến mức, một học sinh tiểu học như mình còn nhớ như in câu chuyện, như thể nó diễn ra ngay trước mắt mình vậy. Với người Mông việc con gái có chửa không chồng là nỗi ô nhục của dòng họ, làm mất thanh danh của gia đình. Vì thế mà sai lầm của một bạn nữ được đem ra để làm gương, làm mẫu ngăn cản con đường đến trường của bao bé gái khác.

Hồi đó, đã không ít lần mình trở thành người dẫn đường cho cô chủ nhiệm vào tận nhà các bạn nữ để vận động đến lớp. Trên con đường đầy bùn đất, trơn trượt vì trời mưa trên nền đất dốc, có những đoạn không đi được, mấy cô trò phải cởi dép ra để đi chân đất cho khỏi ngã. Những tưởng con đường lầy lội, tối tăm này là hiện thân của những rào cản vô hình mà không dễ để nhận ra, khiến các bạn nhỏ không thể đến trường. Nhưng hóa ra, con đường thuyết phục bố mẹ các bạn cho con em đến trường còn khó hơn. Nhiều bố mẹ kiên quyết không cho các bạn đến lớp, vì là con gái nên ở nhà phụ mẹ hái rau lợn, làm việc nhà. 

Muốn bình đẳng, phụ nữ phải tăng cơ hội phát triển bản thân - ảnh 1
Mùa mua (người đeo gùi) Ảnh: NVCC 

Thật may mắn là bố mẹ mình không phải người quá trọng nam khinh nữ. Là con gái đầu của bố mẹ, mình luôn được khuyến khích đi học. Những ngày cuối cấp hai, mình nói học xong cấp 2 muốn đi học tiếp. Bố mẹ mình chỉ nói “con cảm thấy tự tin đi học sẽ tốt hơn ở nhà thì con cứ đi thôi”. Trong gia đình bố cũng hay nói “dù là con gái hay con trai, ai học tốt thì học". Thỉnh thoảng bố hay động viên mình “con trai thì bố đã chuẩn bị được đủ đất làm ăn, có của để dành rồi, còn con là con gái nhân lúc đang ở với bố mẹ thì cố gắng đi học. Mai này về nhà chồng không biết ra sao nên đi học để có công việc, kỹ năng tốt hơn thì đời mới đỡ khổ”.  

Cần phải nói thêm rằng, chính tư tưởng “lấy chồng rồi chỉ lo cho nhà chồng” cũng dẫn đến việc con gái và cả xã hội đều mong con gái dựa vào nhà chồng và chồng để sống, bản thân không thật sự tự ý thức độc lập và rèn luyện tư tưởng độc lập. Mọi người cho rằng con đường dẫn đến cuộc sống tốt hơn của một người con gái là lấy được người chồng giàu, chọn được người chồng tốt.

Nếu không chọn được người chồng tốt, đó là cái số nó khổ. Thật tiếc, mọi người không dạy cho con gái rằng: Bố mẹ chỉ nuôi được các con lớn, không nuôi được các con già, nên các con cần học tính độc lập, học kỹ năng, học kiến thức để có cuộc sống tốt hơn. Khi mình có khả năng sống và làm việc độc lập, có kỹ năng tốt, có công việc ổn định, việc phụ thuộc vào chồng hay nhà chồng hay người khác, tự nhiên không cần phải nhắc đến nữa.
Sinh ra và lớn lên trong một cộng đồng nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ, mình mong sẽ là một trong những trường hợp hiếm hoi để chứng minh rằng dù là con gái nhưng vẫn có thể học cao, bôn ba, kiếm sống, có đóng góp tích cực cho xã hội. Khi nghe người ta nói đi nói lại chuyện con gái không cần và không nên đi học.

Con gái đi học chỉ có tấm gương chửa hoang, mình đã thật sự mong muốn tạo ra một câu chuyện con gái thành công với con đường đi học khác. Bên cạnh việc mong muốn đi học để cuộc sống tốt hơn và còn nhận được sự động viên, chia sẻ, khích lệ của bố mẹ, mình đã xách đồ xuống thị trấn, cách nhà tròn một ngày đường để thi vào trường nội trú cấp huyện học tiếp cấp 3. Lúc đó, mình có quyết tâm mãnh liệt, phải thi đỗ vào trường nội trú. 

Bằng sự nỗ lực cùng chút may mắn, cuối cùng mình đã đỗ vào trường nội trú huyện ở tận Mường Nhé và đã vượt qua khoảng cách từ vùng quê đến thành phố để học, khám phá những thứ mà trên quê không có.

Cuối cùng, mình cũng vượt qua được. Rồi trở thành nữ sinh của Học viện Phụ Nữ Việt Nam. Tốt nghiệp đại học, mình tự tin rằng học được kỹ năng, kiến thức để phục vụ cuộc sống của mình. Công việc hiện tại không chỉ tạo ra công ăn việc làm ổn định cho chính mình, mà còn góp phần tạo ra công ăn việc làm cho những người phụ nữ người Mông ở quê, những người đã không có được cơ hội đi học để tăng vốn sống, kỹ năng và cơ hội phát triển bản thân.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

(PNTĐ) - Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), các cấp Hội Phụ nữ cả nước đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm giáo dục truyền thống, tham gia chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đặc biệt là hội viên phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Hội LHPN quận Tây Hồ: Đẩy mạnh kiểm tra hoạt động vay vốn ngân hàng trên địa bàn

Hội LHPN quận Tây Hồ: Đẩy mạnh kiểm tra hoạt động vay vốn ngân hàng trên địa bàn

(PNTĐ) - Nhằm tiếp tục đưa hoạt động ủy thác cho vay để giải quyết việc làm cho hộ cận nghèo, đối tượng chính sách từ nguồn vốn vay của ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSSH) được hiệu quả, kịp thời phát hiện vấn đề cần khắc phục…  thời gian qua, Hội LHPN quận Tây Hồ đã xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm tra, giám sát với công tác ủy thác cho vay trên địa bàn quận.
Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo

Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo

(PNTĐ) - Tối 22/4, Hội LHPN quận Đống Đa tổ chức “Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo”. Phó chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương; Phó Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy; Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Đống Đa Nguyễn Anh Cường đến dự.