Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Doãn Toản
Phát huy truyền thống vẻ vang của phụ nữ trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
(PNTĐ) -Phát huy khí phách của Bà Trưng, Bà Triệu, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với khí thế của “Đội quân tóc dài” Đồng khởi Bến Tre, phong trào phụ nữ “Ba đảm đang”- một cao trào cách mạng sôi nổi, tràn đầy nhiệt huyết của phụ nữ miền Bắc, là mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam, là bằng chứng sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của nghị lực phi thường, sự thông minh, sáng tạo, phẩm chất cao đẹp và sức mạnh của phụ nữ Việt Nam, con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam.
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Doãn Toản, Ủy viên Ban Thường vụ, trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy Hà Nội và Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy, Hội LHPN Hà Nội và Huyện ủy Đan Phượng phối hợp tổ chức Hội thảo “Phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” - Giá trị lịch sử và thời đại” nhằm giáo dục truyền thống, ôn lại lịch sử vẻ vang đầy tự hào của Thủ đô và phong trào phụ nữ.
Chương trình là hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ Thành phố Hà Nội (17/3/1930 - 17/3/2025), 60 năm phong trào phụ nữ “Ba đảm đang”, 115 năm Ngày quốc tế phụ nữ 8/3 và 1985 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), đúc rút những bài học lịch sử, bài học kinh nghiệm để vận dụng sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và hoạt động Hội, phong trào phụ nữ trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.

Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, phụ nữ luôn là lực lượng quan trọng, có nhiều đóng góp to lớn, tạo nên những dấu ấn đậm nét, là những chiến sĩ chống ngoại xâm kiên cường dũng cảm; là người lao động cần cù, sáng tạo, thông minh; là người giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giữ gìn, phát triển bản sắc và tinh hoa văn hóa dân tộc; là những người mẹ dịu hiền, đảm đang, trung hậu, đã sản sinh ra những thế hệ anh hùng của dân tộc anh hùng.
Ra đời trong bối cảnh đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc XHCN đối với tiền tuyến miền Nam, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Lúc này, chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu nước. Tất cả chúng ta hãy đoàn kết nhất trí, triệu người như một, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, toàn miền Bắc đã dấy lên các phong trào: “Ba sẵn sàng” của thanh niên, “Ba điểm cao” của công nhân viên chức, “Ba quyết tâm” của trí thức, “Hai giỏi” của phụ lão…

Với tinh thần yêu nước, nhạy bén, thông minh, sáng tạo, phụ nữ huyện Đan Phượng đã có sáng kiến “Ba đảm nhiệm” với các nội dung: Gánh vác thêm phần việc lao động của chồng, con, anh, em hoàn thành mọi nhiệm vụ sản xuất ở địa phương để chồng, con, anh, em yên tâm sẵn sàng đi chiến đấu; Khuyến khích chồng, con, anh, em gia nhập bộ đội hoặc tiếp tục ở lại bộ đội chiến đấu cho đến ngày không còn một tên lính Mỹ trên đất nước ta; Tích cực tham gia mọi công tác chính quyền, đoàn thể, bảo vệ trị an, phục vụ chiến đấu ở địa phương, sẵn sàng gia nhập quân đội, chiến đấu giết giặc khi Tổ quốc cần.
Phong trào được Trung ương Hội chính thức phát động tại Chỉ thị ngày 22/3/1965 với tên gọi ban đầu là “Ba đảm nhiệm”, được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm gợi ý đổi tên thành “Ba đảm đang” với các nội dung: Đảm đang sản xuất, công tác thay thế chồng, con đi chiến đấu; Đảm đang công việc gia đình để chồng con yên tâm chiến đấu; Đảm đang phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết.
Hưởng ứng phong trào “Ba đảm đang” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, bám sát chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội và Tỉnh ủy Hà Tây, Hội LHPN Hà Nội và Hà Tây đã cụ thể hóa nội dung, triển khai sâu rộng phong trào tới các cấp Hội và các tầng lớp phụ nữ. Chỉ sau một thời gian ngắn, đã có 50 vạn phụ nữ thuộc các lứa tuổi, thuộc mọi thành phần ghi tên tình nguyện “Ba đảm đang” với khí thế thi đua sôi nổi.
Hàng nghìn nữ thanh niên, trong đó có nhiều chị vừa rời ghế nhà trường đã hăng hái gia nhập đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, sẵn sàng đi tới vùng đất lửa, mở các con đường chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam. Hàng vạn đơn tình nguyện cho chồng con đi chiến đấu. Toàn Hà Nội dấy lên phong trào “Phụ nữ Thủ đô đảm đang sản xuất, công tác thay thế nam giới đi chiến đấu; ra sức đẩy mạnh sản xuất và bảo vệ sản xuất, chăm sóc mẹ già, nuôi dạy con tốt; phục vụ chiến đấu và chiến đấu dũng cảm”.

Lịch sử Thủ đô mãi mãi khắc ghi hình ảnh sáng ngời của hàng vạn phụ nữ Ba đảm đang, chị em không chỉ thay thế nam giới hăng say trong lao động, sản xuất, lo toan công việc gia đình, động viên chồng con đi chiến đấu, xây dựng kiến thiết Thủ đô và chi viện cho tiền tuyến, mà còn mưu trí, sáng tạo, dũng cảm trong chiến đấu, cùng quân dân Hà Nội lập nên kỳ tích Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không.
Tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do - Tất cả cho tiền tuyến”; “Làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm”, “Địch đánh ban ngày ta sản xuất ban đêm”, “Tay cày tay súng”, “Tay búa tay súng”, “Tim có thể ngừng đập, máy không thể ngừng chạy”, trở thành hiện thực cuộc sống, phấn đấu thực hiện “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, chi viên sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt.
Qua phong trào “Ba đảm đang”, phụ nữ Hà Nội cùng phụ nữ và nhân dân miền Bắc đã làm tròn nhiệm vụ hậu phương lớn đối với tiền tuyến miền Nam. Xứng đáng với lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang chống Mỹ cứu nước”. 60 năm đã trôi qua nhưng dấu ấn của phong trào “Ba đảm đang” mãi là niềm tự hào của phụ nữ, nhân dân Thủ đô và cả nước.
Hội thảo “Phong trào Phụ nữ “Ba đam đảng” - Giá trị lịch sử và thời đại” được tổ chức ngày hôm nay là dịp để chúng ta cùng tri ân các thế hệ đi trước đã cống hiến, hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay, đồng thời khẳng định vai trò, tầm vóc, ý nghĩa, giá trị và những bài học kinh nghiệm quý báu để kế thừa và vận dụng sáng tạo trong kỷ nguyên mới của dân tộc.
Trong quá trình chuẩn bị Hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được nhiều bài tham luận tâm huyết, sâu sắc của các vị đại biểu từ nhiều cơ quan, các nhà khoa học, nghiên cứu, cán bộ Hội qua các thời kỳ, các nhân chứng lịch sử của thời kỳ “Ba đảm đang”, đại biểu Hà Nội và một số tỉnh, thành miền Bắc.
Tại hội thảo ý nghĩa này, chúng tôi mong muốn các đại biểu sẽ tập trung phát biểu, phân tích làm rõ những giá trị lịch sử của phong trào “Ba đảm đang”, những bài học giáo dục truyền thống, bài học về lãnh đạo và vận động phụ nữ trong thời kỳ mới. Hội thảo cũng là cơ hội để lắng nghe những chia sẻ xúc động của các cô, các chị nhân chứng lịch sử của một thời kỳ gian khổ nhưng đầy hào hùng của dân tộc Việt Nam, với những nội dung: Đảng bộ huyện Đan Phượng lãnh đạo phong trào phụ nữ “Ba đảm đang”- những bài học kinh nghiệm; Hội LHPN Việt Nam lãnh đạo phong trào phụ nữ “Ba đảm đang”, góp phần vào thắng lợi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược và xây dựng CNXH ở miền Bắc; Phong trào Phụ nữ “Ba đảm đang”- giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm;
Phụ nữ Thủ đô đảm đang sản xuất và công tác, xây dựng hậu phương miền Bắc vững mạnh để tăng cường chi viện cho miền Nam; Phụ nữ Đan Phượng với tinh thần quyết tâm Ba đảm nhiệm - khởi đầu phong trào thi đua sôi nổi và rộng khắp của phụ nữ toàn miền Bắc; Nữ tự vệ nhà máy cơ khí Mai Động thi đua chiến đấu và phục vụ chiến đấu góp phần vào Chiến thắng 12 ngày đêm năm 1972.
Từ phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” suy nghĩ về công tác giáo dục truyền thống xây dựng người phụ nữ Thủ đô thời đại mới; Phụ nữ Thủ đô tiếp nối truyền thống - vững vàng hội nhập quốc tế; Phụ nữ Ba Đình tự hào tiếp nối truyền thống phong trào “Ba đảm đang”, tích cực thi đua xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại...
Trong khuôn khổ Chương trình Hội thảo này, Ban Tổ chức đã phối hợp với Bảo tàng phụ nữ Việt Nam giới thiệu tới quý vị đại biểu triển lãm ảnh “Phong trào “Ba đảm đang” - mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam” – gồm những hình ảnh tiêu biểu nhất của thế hệ những phụ nữ Thủ đô và phụ nữ các tỉnh miền Bắc hăng hái thi đua ba đảm đang; góp phần làm nên thắng lợi lịch sử mùa xuân năm 1975.