Truyền thông hỗ trợ di cư an toàn, phòng ngừa mua bán người tại huyện Ba Vì
(PNTĐ) - Ngày 24/8/2024, Hội LHPN TP Hà Nội đã tổ chức Chương trình "truyền thông, tư vấn hỗ trợ di cư an toàn, phòng ngừa mua bán người” tại huyện Ba Vì.
Chương trình là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường năng lực của Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ”.
Trong quá trình phát triển, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, nhiều phụ nữ di cư ra nước ngoài để kết hôn với người nước ngoài, xuất khẩu lao động, học tập… Di cư nhìn chung đã tạo ra các cơ hội việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện trau dồi kỹ năng, thay đổi cuộc sống cho người lao động, góp phần vào sự phát triển của địa phương, đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh đó thì di cư cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết như việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người di cư, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Vẫn còn một tỷ lệ phụ nữ bị “di cư ép buộc” do là nạn nhân của tội phạm buôn bán người.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 35.933 lao động, trong đó chiếm số lượng cao nhất là thị trường Nhật Bản, sau đó đến Đài Loan, Hàn Quốc và 1 số thị trường khác…
Bên cạnh đó, một trong những kênh di cư “ép buộc” là nạn mua bán người vẫn luôn tiềm ẩn nhiều diễn biến hết sức phức tạp với tính chất, phương thức và thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi. Số liệu của Bộ Công an cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng đã phát hiện, đấu tranh 50 vụ mua bán người với 126 nạn nhân; mua bán trẻ em 48 vụ với 121 nạn nhân.
Với trách nhiệm của tổ chức chính trị - xã hội đại diện, chăm lo cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trong thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều hoạt động ý thiết thực, hiệu quả trong công tác hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương, phòng ngừa mua bán người như: Tổ chức các buổi truyền thông, tuyên truyền về kĩ năng di cư an toàn, các quy định pháp luật về lao động ở nước ngoài; phòng, chống mua bán người… Triển khai có hiệu quả hoạt động của 16 câu lạc bộ phòng, chống mua bán người tại cơ sở. Tích cực rà soát, nắm bắt thông tin phụ nữ di cư hồi hương tại địa phương; huy động các nguồn lực hỗ trợ chăm sóc y tế, tư vấn tâm lý, pháp lý… cho phụ nữ di cư hồi hương.
Từ tháng 2/2024, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN Hà Nội chính thức tiếp nhận và quản lí Văn phòng dịch vụ một điểm đến hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ (OSSO). Trong 6 tháng đầu năm 2024, Văn phòng đã tiếp cận và tư vấn cho 137 lượt phụ nữ di cư hồi hương, hỗ trợ nhiều lĩnh vực như pháp lí, tâm lí, giáo dục, y tế, việc làm…
Tại hội nghị truyền thông, ông Nguyễn Như Tuấn, Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chia sẻ về kĩ năng di cư an toàn, phòng tránh mua bán người đến gần 200 cán bộ, hội viên phụ nữ và phụ nữ di cư hồi hương trên địa bàn huyện Ba Vì, Hà Nội.
Cũng trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu đến từ Trung ương Hội LHPN Việt Nam, các tổ chức quốc tế; các ban, ngành, đoàn thể của Thành phố và Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Ba Vì và đã trao đổi, thảo luận, đưa ra các ý kiến chia sẻ các quy định liên quan đến các vấn đề pháp lý của các trường hợp cụ thể của phụ nữ di cư hồi hương; đề xuất các giải pháp, biện pháp hỗ trợ, các dịch vụ kết nối, chuyển tuyến phù hợp.
Đồng thời, các chuyên gia thuộc các lĩnh vực tư pháp, công an, chính quyền địa phương đã tư vấn cho phụ nữ di cư hồi hương về các vấn đề pháp lý như ly hôn, khai sinh cho con, đăng ký thường trú...