Ba “không gian an toàn” dành cho phụ nữ và trẻ em

Chia sẻ

Xây dựng không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em nói riêng và mọi người nói chung là hình mẫu xã hội lý tưởng mà chúng ta đang hướng tới. Nó bao gồm ba lĩnh vực cơ bản, đó là: Không gian an toàn nơi công cộng; Không gian an toàn trong gia đình và Không gian an toàn trong lĩnh vực riêng tư.

GS.TS Lê Thị Quý trong một tiết dạy về bình đẳng giới cho sinh viên đại học Thăng LongGS.TS Lê Thị Quý trong một tiết dạy về bình đẳng giới cho sinh viên đại học Thăng Long

Ba lĩnh vực này có mối quan hệ mật thiết không thể tách rời. Chúng tương tác và ủng hộ lẫn nhau tạo thành một thành trì vững chắc và hoàn hảo. Về thời gian, nó trải dải trong suốt cuộc đời con người.

Không gian an toàn nơi công cộng: Điều này bao hàm việc phụ nữ và trẻ em có thể sống trong một không gian “sạch” cả về môi trường tự nhiên lẫn môi trường xã hội. Họ có thể tới nơi làm việc, trường học, nhà trẻ, cơ quan công quyền, cửa hàng, chợ, quán ăn, công viên, nơi giải trí… với cảm giác an toàn, được bảo vệ, tôn trọng, trao quyền và có thể tiếp cận thông tin, giáo dục, hoạt động giải trí, hỗ trợ, dịch vụ…

Không gian an toàn trong gia đình: Phụ nữ và trẻ em được dảm bảo sống, học tập, phát triển, nghỉ ngơi, giải trí… an toàn và bình đẳng trong tổ ấm của mình mà không bị bạo hành hoặc đe dọa bạo hành, không bị hành hạ, ngược đãi, bị sỉ nhục, bị bắt cóc, hãm hiếp… bởi các thành viên khác trong gia đình hoặc các cá nhân, tổ chức tội phạm.

Không gian an toàn trong lĩnh vực riêng tư: Phụ nữ và trẻ em không bị bắt buộc lao động quá sức. Họ cần được bảo đảm không bị kiểm soát thô bạo trong đời sống riêng, được tôn trọng nhân phẩm trong suy nghĩ, ước mơ, tình yêu và được thực hiện các nhu cầu chính đáng của mình nếu nhu cầu đó không xâm hại đến văn hóa tập thể của gia đình. Phụ nữ và trẻ em không bị bắt buộc hy sinh vô điều kiện cho người khác và được tạo cơ hội bình đẳng, tự chủ để phát triển cá nhân.

Phụ nữ và trẻ em thường bị coi là nhóm yếu thế trong xã hội và gia đình, vì vậy họ thường bị kiểm soát trong lĩnh vực riêng tư để được “giáo dục” theo quan điểm của người gia trưởng và trật tự phụ quyền.

Theo báo cáo của Hội LHPN Việt Nam tại Hội thảo khoa học “Không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em - Khuyến nghị chính sách” tại Hà Nội ngày 24/6/2019 thì chỉ riêng năm 2018, có tới 8.056 phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình, chiếm 85,14% tổng số người bị bạo lực gia đình. Còn theo thống kê của UN Women, 34,4% phụ nữ Việt Nam từng bị bạo lực tình dục, xếp thứ hai ở khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều vụ xâm hại, quấy rối tình dục xảy ra tại nơi làm việc, nơi công cộng và trong gia đình. Cũng năm 2018 có 1.579 trẻ em bị xâm hại và hơn 2.000 vụ bạo lực học đường được phát hiện. Trung bình mỗi ngày có 4,6 trẻ em bị xâm hại tình dục. Trẻ bị xâm hại ở cả ba nơi: Công cộng, trường học và gia đình.

Thực trạng này đặt ra cho chúng ta một vấn đề quan trọng là phải quan tâm xây dựng, bảo vệ không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Phải giảm thiểu nguy cơ phụ nữ và trẻ em gái khi ở trong gia đình tiếp tục là nạn nhân bị người thân xâm hại, bạo hành, đến trường có thể bị thầy giáo, bạn học nam xâm hại, trên xe bus cũng bị quấy rối. Chúng ta hẳn vẫn chưa quên các vụ dâm ô, cưỡng bức trong thang máy gây bức xúc dư luận xảy ra thời gian cách đây chưa lâu.

Hiện nay, phải ghi nhận là đã có nhiều cơ quan chức năng đang tham gia bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em như các cấp chính quyền, Công an, Cục Trẻ em, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội bảo vệ quyền trẻ em, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, các cơ quan truyền thông… Ở góc độ pháp luật, chúng ta cũng đã có những đạo luật bảo vệ cho phụ nữ, trẻ em đi vào cuộc sống, cụ thể như Luật Trẻ em; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật phòng chống buôn bán người hay những Nghị định, Quyết định của Chính phủ trong nỗ lực tạo khung pháp lý vững chắc bảo vệ phụ nữ và trẻ em.

Xây dựng không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em cũng chính là xây dựng không gian an toàn cho con người là một việc khó khăn và lâu dài. Nó đòi hỏi không chỉ có mục tiêu rõ ràng, mà còn cần một kế hoạch, lộ trình cụ thể thích ứng với từng giai đoạn, điều kiện của sự phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước, phải từng bước đẩy lùi các hủ tục chống phụ nữ và trẻ em và các hoạt động tội phạm.

Bên cạnh đó, chúng ta cần tạo ra một phong trào mạnh mẽ để tiếp tục hoàn thiện và thực thi pháp luật về không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Điều này đòi hỏi sự phối hợp, kết nối của tất cả các cơ quan, tổ chức chính phủ và xã hội dân sự, gia đình, trường học và chính phụ nữ và trẻ em cũng cần học các kỹ năng bảo vệ an toàn cho bản thân. Pháp luật cũng cần nghiêm minh hơn nữa để giáo dục và trừng trị tội phạm.

Ngoài ra, cần nhấn mạnh vai trò của gia đình và nhà trường trong việc giáo dục trẻ em hiểu và thực hiện an toàn. Sau cùng là cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của truyền thông, phim ảnh trong việc hạn chế sản xuất các bộ phim có nhiều hình ảnh khiêu dâm và bạo lực góp phần làm băng hoại đạo đức xã hội.

"Cuộc thi viết “Các vấn đề gia đình thời nay” lần thứ XI năm 2021 với chủ đề “Chung tay vì môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái” diễn ra từ ngày 1/10/2021 đến ngày 1/12/2021. Tác phẩm dự thi gửi về địa chỉ email: moitruongantoan2021@gmail.com hoặc gửi qua đường bưu điện theo địa chỉ: Báo Phụ nữ Thủ đô, số 7 Tôn Thất Thuyết, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Kính mời bạn đọc tham gia.

GS.TS Lê Thị Quý,
Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và Phát triển

 

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.