Bà ở đây với tôi!

Chia sẻ

Đứa con trai độc nhất ra nước ngoài làm việc mấy năm, không yên tâm để mẹ sống một mình ở tuổi xế chiều, liền bàn với mẹ vào nhà dưỡng lão “ở tạm”.

Bà ở đây với tôi! - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Ban đầu nghe con nói vào nhà dưỡng lão, bà rất sốc, vì chưa bao giờ nghĩ đến cảnh tuổi già không được sống cùng con. Vì lẽ đó mà ngày xưa, bất chấp tuổi tác đã cao, bà vẫn quyết làm mẹ để có nơi nương tựa tuổi già. Nhưng sau khi nghe con phân tích, bà thấy thuận cho mình tiện cho con nên đồng ý.

Bà là chị cả của một đàn em thơ trong gia đình mẹ mất sớm, một mình cha tảo tần nuôi các con. Ngoài vai trò làm chị, bà gần như kiêm luôn vai trò của một người mẹ, phụ cha lo cho các em ăn học, dựng vợ gả chồng đầy đủ. Đến lúc nhìn lại, bà đã thuộc dạng “quá lứa lỡ thì”. Bà quyết định làm mẹ đơn thân. Khi có con rồi, mọi yêu thương, kỳ vọng bà gửi hết vào con. Thằng bé từ lúc sinh ra cho đến khi trưởng thành như một báu vật, học giỏi, ngoan, hiếu thảo. Nó làm việc tốt, được công ty cử đi làm dự án phát triển thị trường ở nước ngoài mấy năm.

Vào nhà dưỡng lão, bà gặp ông - người đàn ông góa vợ hơn chục năm nay. Con cháu ông nhiều nhưng đứa nào cũng có phận đứa nấy, ông sống riêng một mình ở quê rồi quyết định chọn sống nốt quãng đời còn lại trong nhà dưỡng lão. Thời gian đầu mới chuyển vào, con cháu kéo đến năn nỉ về nhà chúng sống, vì đứa nào cũng sợ mang tiếng “bất hiếu” khi để cho bố vào nhà dưỡng lão. Nhưng chẳng đứa nào thuyết phục nổi bố nên thuận theo ý ông.

Từ ngày bà chuyển vào đây, ông thấy cuộc sống có nhiều niềm vui hơn. Bà có nhiều sự đồng cảm, hiểu được mọi tâm tư, nguyện vọng trong lòng ông. Họ dần trở thành tri kỷ của nhau. Ngày Tết, ngày lễ, con cháu vào đón ông về nhà chơi, ông đi nhưng nhanh chóng quay về với bà. Lần nào, con cháu ông có việc hỷ vui, muốn ông ở lại chơi vài tuần, bà trở thành “chuyên gia” căn dặn chúng để ý sức khỏe, chuyện ăn uống, ngủ nghỉ của ông cho hợp lý. Ông có bệnh già nên cần uống loại thuốc nào, kiêng ăn thực phẩm gì… Con cháu ông nghe bà dặn mà lòng rưng rưng, thầm cảm ơn cuộc sống đã đưa bà đến bầu bạn với ông.

Thấm thoát, 5 năm trôi qua, con trai bà trở về nước, nhanh chóng đến đón mẹ. Nó lên kế hoạch cuối năm sẽ cưới vợ, rồi sẽ sinh con để bà có cháu bế bồng. Từ nay, cuộc sống của bà lại được vui vầy bên con cháu. Thoạt nghe, bà mừng lắm nhưng nghĩ đến chuyện xa ông, lòng chợt bùi ngùi. Từ lúc biết chuyện hết tháng bà sẽ chuyển về nhà, ông cứ như người ốm dở, bần thần, đến bữa chẳng muốn ăn, đêm không buồn ngủ, cứ trằn trọc cả đêm.

Sáng ra, thấy ông hốc hác mặt mày, bà thấy lòng xót xa. Ông đổ bệnh trước ngày bà về nhà, bà dỗ dành ông ăn cho nhanh khỏe. Cầm lấy tay bà, ông run run: “Bà ở lại đây với tôi được không? Con cháu chúng nó đều có phận cả, bà về đó liệu có… cô đơn?”. Bà lặng đi, cố giấu nỗi buồn. Ngày con trai đến đón mẹ, bà tần ngần: “Mẹ không về có được không? Mẹ tìm thấy nguồn vui khi sống ở đây con ạ”. Con trai bà sững lại rồi nhanh chóng hiểu ra khi thấy ánh mắt ông khắc khoải từ đằng xa. “Nếu mẹ vui, con đồng ý. Chỉ cần mẹ sống vui, sống khỏe, con đều ủng hộ mẹ”.

Rồi, nó tiến về phía ông, trong bóng chiều hoàng hôn, hai người đàn ông, một già một trẻ tin tưởng bắt tay nhau, hứa với nhau nhiều điều vì hạnh phúc của một người phụ nữ ở tuổi xế chiều.

NGUYỄN AN

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.