Bà và các cháu

Lan Hương
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bà gọi điện thoại cho cháu nội xong thì mặt buồn rười rượi khiến ông biết ngay là “có chuyện”. Quả nhiên, ông vừa ướm lời thì bà đã thở hắt ra: “Con với cháu, nói chả được. Mình bảo nó điều hay lẽ phải chứ có xui dại nó đâu mà nó cắm ca cắm cảu”.

Đó chẳng phải là lần đầu tiên ông nghe bà than thở như vậy về các cháu nội, ngoại. Nhưng lần này có vẻ căng hơn, vì bà tuyên bố: “Thôi từ nay mặc kệ cả nhà nó. Tôi không dại mà dây vào. Rồi nó lại bảo là bà lắm chuyện”. Nói xong, bà bỏ vào phòng. Bữa trưa đến, bà ngồi ăn với ông mà chẳng nói câu nào, cứ như thể ông mới là người gây chuyện.

Lo bà giữ ấm ức trong lòng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, nhất là huyết áp lại tăng, đợi lúc bà đi nghỉ trưa, ông liền gọi điện cho cháu nội. Thằng cháu cũng lập tức trút hết tâm tư vào ông.

- Khổ quá, cháu biết là bà thương cháu, lo cho cháu ông ạ. Nhưng mà giờ cháu lớn rồi, cháu biết phải làm gì. Bà thì cái gì cũng lần mần cầm tay chỉ việc. Sáng nay cháu đang ngủ, bà gọi mấy lần. Tưởng là chuyện gì gấp, ai dè bà chỉ hỏi: Cháu đã dậy chưa. Rồi bà ca cẩm thanh niên bây giờ không có đứa nào sống khoa học, toàn ngủ ngày, cày đêm lại còn lười vận động. Bà giục cháu dậy ngay, rồi ra hồ chạy vài vòng cho khỏe người. Lúc đó cơn buồn ngủ của cháu đang lên, cháu mới hơi nặng lời với bà, thế là bà giận.

- Thì ông thấy bà nói vậy cũng không sai. Cháu cố gắng sinh hoạt điều độ cho ông bà vui. Bà thì lúc nào cũng lo các cháu bị ốm.

- Cháu biết rồi. Nhưng cháu làm ở công ty nước ngoài, nhiều khi sếp triệu tập họp vào ban ngày bên họ, lại là tối muộn bên mình nên cháu không thể bảo tôi còn phải đi ngủ được. Cháu ngủ ngày, thì lúc khác cháu sẽ tập thể dục. Vấn đề là ông bà chỉ cần nhắc vậy là được rồi còn cháu sẽ tự khắc sắp xếp công việc. Mà đâu phải cứ chạy bộ như bà mới là tốt, cháu thích tennis hơn ông ạ.

Bà và các cháu - ảnh 1
Ảnh minh họa

Ông biết là cháu lại đang vội bước vào cuộc họp online với công ty nên dừng máy. Đúng là vẫn chỉ là sự khác biệt thế hệ, bà mong muốn các cháu thế này, nhưng chưa chắc đã phù hợp với quan điểm, cách sống của các cháu.

Ông bà còn có một cô cháu ngoại du học ở Pháp. Cũng vì chênh lệch múi giờ nên lắm hôm, mờ sáng ở Việt Nam bà đã thức dậy để canh giờ gọi sang cho cháu. Rồi cũng lại là những lời dặn kiểu như “Bà rất là lo ở bên đấy cuộc sống hiện đại, rồi nhỡ ra cháu lại ăn chơi bỏ học, la cà vũ trường xập xình”, “Cháu không được yêu sớm, ở bên đó đàn ông thoáng hơn bên mình”, rồi thì “Cháu nghe giảng bằng tiếng Pháp có hiểu bài không? Cháu phải tranh thủ ra ngoài đường gặp người bản xứ mà luyện thêm tiếng nhé”... Cứ thế, cứ mỗi khi nghĩ ra tình huống gì trong đầu là bà lại gọi sang, nhắc nhở cháu không được thế này, thế khác.

Cô cháu ngoại của ông bà mềm tính hơn anh họ nó, nên chỉ “vâng dạ”. Tuy nhiên, bà không biết rằng, đã có lần ông tâm sự với cháu gái thì nó thật thà “khai” rằng: “Ôi, bà dặn thì cháu vâng thôi, chứ cháu có làm theo không thì bà làm sao kiểm soát được. Bà có biết ở đây thế nào đâu mà bảo đàn ông thoáng hơn bên mình. Ở đâu thì cũng có người này, người kia. Bà còn sợ cháu đi vũ trường nhưng cháu làm gì có nhiều tiền mà đi nhảy nhót, chơi bời...

Với lại, cháu lớn rồi, cháu biết cái gì đúng sai, cái gì không nên làm để ảnh hưởng tới tương lai và gia đình mình. Bà chỉ cần nhắc một hai lần là được, đằng này, bà cứ chi tiết quá nhiều lúc cháu cũng hơi mệt khi nghe điện của bà, ông ạ”.

Là người đứng giữa, ông hiểu cả bà và cháu. Trong mắt bà, các cháu luôn còn nhỏ, cần có bà chỉ bảo. Còn các cháu thì lại thấy mình đã có những bước trưởng thành riêng, có suy nghĩ, quan điểm riêng. Vì vậy đôi lúc bà và các cháu không tìm được tiếng nói chung.

Lần này, ông sẽ nói chuyện để bà hiểu và tin tưởng các cháu hơn. Việc của bà giờ đây là mạnh dạn buông tay để các cháu tự bước đi, tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Bà chỉ cần lo giữ gìn sức khỏe, sống thật khỏe mạnh. Còn với các cháu, ông cũng sẽ phân tích để các cháu hiểu hơn cho ông bà.

Điều gì tiếp thu được từ bà thì vui vẻ tiếp thu, không thì nhẹ nhàng giải thích lại cho bà hiểu chứ đừng lúc nào cũng sẵng giọng với bà. Dù gì thì bà và các cháu cũng mãi là bà cháu mà, phải không.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

(PNTĐ) - Dạy trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em là việc mà bất cứ bậc phụ huynh nào cũng nên thực hiện càng sớm càng tốt để đảm bảo an toàn cho trẻ. Rất nhiều vụ việc cáo buộc xâm hại trẻ em đã xảy ra có lẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều bố mẹ và toàn thể xã hội về vấn nạn này.
Chị chồng ở nhà bên

Chị chồng ở nhà bên

(PNTĐ) - Căn hộ nhà chị Huyền ngay sát vách, mẹ chồng bảo: "Vợ chồng trẻ ở gần chị gái, tiện nhờ cậy nhau". Lúc đó, Linh thấy hợp lý, nhưng sống gần nhau rồi cô mới thấy nhiều điều phức tạp.
Nhà có hai con gái

Nhà có hai con gái

(PNTĐ) - Ngày đó, khi sinh ra chị Bơ là con gái, mẹ đã thầm nghĩ: “Không sao, vẫn còn... 1 suất sinh nữa”. Nhưng đến khi có thêm em Bắp cũng là... con gái, thì mẹ từng cảm thấy hụt hẫng trong lòng.
Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ

Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ

(PNTĐ) - Gần đây, không ít gia đình phải đối diện với “cơn sóng ngầm” đầy thách thức: Tình trạng trẻ em phạm tội ngày càng trẻ hóa và diễn biến phức tạp, gióng lên hồi chuông cảnh báo về những vết rạn trong mối quan hệ gia đình, đặt ra bài toán cấp thiết về trách nhiệm định hướng, chở che con trẻ trước những vấp ngã nhỏ có nguy cơ trở thành những hệ lụy khôn lường.
Con cái là khoản đầu tư “lỗ” của cha mẹ

Con cái là khoản đầu tư “lỗ” của cha mẹ

(PNTĐ) - Diễn đàn “Trẻ cậy cha, già cậy ai?” nhận được nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, trong xã hội hiện đại, cả cha mẹ và con cái nên thay đổi quan niệm cha mẹ về già phải cậy con, mà hãy nên chủ động tương lai, chuẩn bị cuộc sống tự do, tự tại, dành một khoản tiền để dưỡng già, bởi con cái cũng phải lo tương lai của chúng.