Bài 1: Mô hình gia đình hạt nhân thay thế gia đình truyền thống

Chia sẻ


Xây dựng một hệ giá trị gia đình Việt Nam gồm tổng hòa giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trở thành nguồn lực mạnh mẽ thực hiện mục tiêu phát triển con người, phát triển đất nước đang là yêu cầu đặt ra khi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Do đó, việc nhận diện thực trạng và đưa ra những giải pháp xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc để thực hiện thành công Nghị quyết của Đảng trong lĩnh vực gia đình là hết sức cần thiết.

Gia đình Việt đang có sự biến đổi sâu sắc về cấu trúc và quy mô, chức năng, thang giá trị, mối quan hệ giữa gia đình với cộng đồng. Sự biến đổi ấy đã và đang làm cho chất lượng cuộc sống gia đình được cải thiện, mang lại những giá trị nhân văn mới, tạo nên những thành tựu góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam.

Xu hướng biến đổi giá trị gia đình truyền thống sang giá trị gia đình hiện đại

Mô hình gia đình hạt nhân đang thay thế mô hình gia đình truyền thống và phổ biến trong xã hội hiện đại (Ảnh minh họa)Mô hình gia đình hạt nhân đang thay thế mô hình gia đình truyền thống và phổ biến trong xã hội hiện đại (Ảnh minh họa)

Trong những thập niên qua, gia đình Việt đã trải qua những biến chuyển quan trọng, từ gia đình truyền thống sang gia đình hiện đại với những đặc điểm mới và tự do hơn. Cùng với đó, quá trình hội nhập quốc tế, với sự hội nhập và giao lưu văn hóa làm xuất hiện những quan điểm cởi mở hơn về hôn nhân và gia đình. Có thể thấy rõ ràng nhất là sự biến đổi về cơ cấu, quy mô gia đình và các quan hệ xã hội trong - ngoài gia đình.
Trong bối cảnh xã hội Việt Nam bước vào giai đoạn công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH), hội nhập toàn cầu cả về kinh tế lẫn văn hóa, sự chuyển biến lớn lao tất yếu đã diễn ra khiến quy mô gia đình truyền thống không còn thích nghi được với hoàn cảnh xã hội mới. Nền kinh tế thị trường, sự du nhập của văn hóa nước ngoài đã làm cho xã hội đổi thay từng ngày. Sự thay đổi ấy diễn ra cả trong quan niệm của con người. Quy mô gia đình hiện đại được thu nhỏ lại theo xu hướng gia đình hạt nhân với số thành viên ít đi so với gia đình truyền thống.

Khảo sát từ nghiên cứu “Các giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới chủ trì thực hiện năm 2017-2019 cho thấy: Gia đình Việt Nam đang theo xu hướng hạt nhân hóa, giảm dần về quy mô, nhất là ở khu vực hiện đại như đô thị. Năm 2009, trung bình có 3,66 người/hộ, năm 2019, quy mô giảm xuống còn 3,6 người hộ.

Một sự biến đổi mang chiều hướng phát triển của gia đình nữa là sự bình đẳng. Ngày nay, sự bình đẳng trong gia đình được đề cao, những chuẩn mực lạc hậu được loại bỏ nhằm hướng đến một xã hội tiến bộ hơn. Đáng kể nhất là việc giải phóng phụ nữ trong gia đình, họ được đối xử bình đẳng và có nhiều điều kiện để phát triển. Điều đó làm cho phụ nữ nâng cao vị thế trong xã hội, gánh nặng gia đình dần được chia sẻ. Hội nhập kinh tế cũng làm cho mức sống của gia đình được tăng lên, đời sống gia đình được cải thiện ấm no, phát triển.

Bàn về những biến đổi của gia đình Việt, PGS.TS Trần Thị Minh Thi (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, bình đẳng là một giá trị của xã hội hiện đại. Đa số người dân đánh giá khá cao tầm quan trọng của bình đẳng, cho thấy gia đình Việt đang thích ứng với sự thay đổi của xã hội hiện đại, ủng hộ bình đẳng giới trong quan hệ vợ chồng. Sự xuất hiện các nhân tố mới như di cư lao động, tôn trọng tự do cá nhân, sự độc lập về kinh tế giữa bố mẹ và con cái trong đời sống gia đình hiện đại cũng góp phần làm chuyển dịch từ gia đình lớn nhiều thế hệ sang gia đình nhỏ.

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Thi, gia đình ngày càng nhận thức cao về tầm quan trọng của trách nhiệm, chia sẻ trong đời sống gia đình. Các gia đình có mức độ hiện đại hóa càng cao, mang nhiều đặc điểm hiện đại như: Sống ở đô thị, có việc làm, có học vấn, mức sống cao, ở các khu vực kinh tế phát triển thì các giá trị chia sẻ, trân trọng càng được các cặp vợ chồng thể hiện rõ. Con cái tiếp tục là một giá trị trong đời sống hôn nhân, nhưng người Việt Nam không còn mong muốn có nhiều con, nhất là nhóm mang nhiều đặc điểm hiện đại. Các giá trị của con cái đang được chuyển dần từ giá trị xã hội (ưa thích con trai), an sinh (có người chăm sóc khi về già), sinh kế (có nguồn lao động) sang giá trị tâm lý - tình cảm (gắn kết hôn nhân, hoàn thiện bản thân).

Gia đình có nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển

Trong quá trình đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định sự ổn định của gia đình chính là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Theo đó, nhiều chủ trương chính sách về công tác gia đình đã được ban hành và triển khai. Đây chính là những cơ hội thuận lợi để gia đình phát triển văn minh, tiến bộ.

Theo PGS, TS Nguyễn Hữu Minh (Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới - Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), gia đình có vai trò quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của mỗi cá nhân mà cả trong việc thực hiện các chức năng xã hội, giữ gìn và chuyển giao các giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đầu tư cho gia đình cũng là đầu tư cho phát triển bền vững. Chính vì vậy, Nghị quyết của các kỳ đại hội Đảng đều nhấn mạnh sự quan tâm đến gia đình với tư cách là “tế bào của xã hội”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung năm 2011) đã nhấn mạnh: Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách”. Cùng với các Nghị quyết và Cương lĩnh của Đảng, Trung ương Đảng và Chính phủ cũng đã ban hành những chỉ thị cụ thể về vấn đề này.

Quán triệt những quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, vấn đề xây dựng gia đình đáp ứng những yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đã được quan tâm trong những năm gần đây. Năm 2003, Vụ Gia đình - cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác xây dựng gia đình được thành lập (trực thuộc Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, nay thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Sau khi cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề gia đình được kiện toàn, đã có nhiều hoạt động được triển khai nhằm mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam, trong đó có việc thực hiện các mô hình gia đình “ấm no, tiến bộ và hạnh phúc”.

Những chính sách đó đã giúp nâng cao đời sống của các hộ gia đình. Kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020 của Tổng Cục Thống kê cho thấy, sử dụng đồ dùng lâu bền là một tiêu chí cho thấy hộ gia đình có mua sắm tài sản, thiết bị, phương tiện để phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hay không. Trên cả nước có tới 99,9% hộ gia đình có đồ dùng lâu bền. Tỷ lệ này đã đạt 100% ở khu vực thành thị, một số vùng kinh tế và các hộ gia đình có mức thu nhập thuộc nhóm 2 trở lên. Về số lượng, một số loại đồ dùng lâu bền chủ yếu trên 100 hộ có xu hướng tăng nhanh trong giai đoạn 2010-2020 như: Xe máy, điện thoại, tủ lạnh, máy giặt, máy điều hòa, bình tắm nước nóng (những đồ dùng thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt của hộ gia đình). Năm 2010 cứ 100 hộ dân thì có 96 xe máy, 128 máy điện thoại, gần 40 tủ lạnh, 9 máy điều hòa, hơn 17 máy giặt và 13 bình tắm nước nóng thì con số này năm 2020 tương ứng là 156 xe máy, gần 210 máy điện thoại, 85 tủ lạnh, 51 máy điều hòa, 54 máy giặt và hơn 42 bình tắm nước nóng. Sự gia tăng đáng kể số lượng đồ dùng lâu bền trong hộ gia đình cho thấy đời sống của hộ dân cư ngày càng được cải thiện, hiện đại và tiện nghi hơn.

Ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch) cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư (khóa IX) về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, 15 năm qua, công tác quản lý nhà nước về gia đình đã tạo sự chuyển biến tích cực. Kinh tế hộ gia đình thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự tăng trưởng tổng thu nhập quốc dân hàng năm. Phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở phát triển, ngày càng có nhiều gia đình văn hoá, khu phố văn hoá, làng văn hoá, cụm dân cư văn hoá được bình xét, tôn vinh góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Công tác xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm đã giúp cho hàng triệu gia đình thoát nghèo và nâng cao mức sống. Nhiều chính sách về an sinh xã hội, hỗ trợ cho các gia đình đặc biệt khó khăn, gia đình có công với cách mạng, gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được ban hành. Công tác DSKHHGD, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã đạt được những thành tích đáng kể, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội ngày càng ổn định và phát triển. Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 hàng năm được tuyên truyền sâu rộng hơn, đã trở thành một ngày kỷ niệm quan trọng của nhiều gia đình, gắn với văn hóa ứng xử trong gia đình, với trách nhiệm xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, khẳng định vai trò, vị trí của gia đình đối với xã hội và xã hội đối với gia đình trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước.

"Thành tựu của công tác gia đình góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội
Công tác gia đình đã và đang trở thành một trong những nội dung trong chương trình công tác của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội. Một số nhiệm vụ đề ra trong Chỉ thị số 49-CT/TW đã hoàn thành và đạt mục tiêu. Kinh tế hộ gia đình đã thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự tăng trưởng tổng thu nhập quốc dân hàng năm… Gia đình là một giá trị lý tưởng trong ý thức của hầu hết người dân. Những giá trị nhân văn mới, tiêu biểu là bình đẳng giới và quyền trẻ em, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao. Các giá trị chung thủy, yêu thương, chia sẻ và bình đẳng trong hôn nhân luôn được gia đình Việt Nam coi trọng. Những thành tựu của công tác gia đình đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện thành công Mục tiêu Thiên niên kỷ về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh…

TS Phạm Gia Cường 

Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội, Ban Tuyên Giáo Trung ương

"Phát triển kinh tế hộ gia đình trở thành yêu cầu thường xuyên

Kinh tế thị trường tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực của đời sống xã hội và cá nhân, tạo ra thay đổi trong quan niệm và hoạt động kinh tế của mỗi hộ gia đình và xã hội. Hộ gia đình được pháp luật quy định là một loại hình kinh tế. Các chính sách tín dụng, chính sách giảm nghèo, chính sách về đất đai, quản lý xã hội… đều lấy hộ gia đình làm đối tượng thụ hưởng. Chính phủ đã có chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, cùng nhiều giải pháp để chăm lo đời sống nhân dân, song sự nỗ lực, vươn lên của mỗi người dân, mỗi gia đình là giải pháp căn cơ, quyết định. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh giải pháp phát triển kinh tế hộ gia đình. Khi kinh tế gia đình ổn định, phát triển, sẽ tạo điều kiện để mỗi cá nhân có điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế, văn hóa tốt hơn. Phát triển kinh tế hộ gia đình trở thành yêu cầu thường xuyên của mỗi hộ gia đình.

TS Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam

(Còn nữa)

THU HÀ



Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Xe ôm “ông nội”

Xe ôm “ông nội”

(PNTĐ) - 4 đứa cháu ra đời khiến ông bà quay như chong chóng trong khi trước đó ông bà tuyên bố “con ai người đó lo, ông bà chỉ chơi chứ không chăm cháu”.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.