Bài 2: Hòa giải không phải là "liều thuốc" chữa bạo lực gia đình

Chia sẻ

Hòa giải là một trong những giải pháp quan trọng để phòng ngừa bạo lực gia đình (BLGĐ) và đã được quy định trong luật. Tuy nhiên trong thực tiễn, hiệu quả của hòa giải trong phòng chống BLGĐ vẫn hạn chế, thậm chí có trường hợp còn khiến BLGĐ tồn tại dai dẳng hơn.

Bài 2: Hòa giải không phải là (Ảnh: minh họa)

20 năm bị bạo lực vẫn… hòa giải

Chung sống với một người chồng nghiện rượu, hay ghen, chị Nguyễn Thị M - một nạn nhân bị BLGĐ đã phải nhiều lần tìm đến nhà tạm lánh kể suốt 15 năm, chị bị chồng bạo lực tàn nhẫn. Ban đầu vì thể diện bản thân và muốn giữ hạnh phúc gia đình nên chị cam chịu “đòn chồng”. Nhưng sau đó, tần suất đánh vợ của chồng chị ngày càng tăng lên, chị không thể chịu nổi nên có ý định ly hôn. Tuy nhiên, hành trình ly hôn của chị thất bại vì những lần hòa giải của người thân, chính quyền địa phương và tòa án. Tất cả đều khuyên chị không ly hôn để giữ gia đình cho ba đứa con còn nhỏ.

Tổng hợp báo cáo từ các địa phương theo Thông tư số 23/2011/TT BVHTTDL và Thông tư số 07/2017/TT-BVHTTDL, từ năm 2013-2019 tổng số vụ BLGĐ là 157.937 vụ. Biện pháp xử lý người gây BLGĐ: Góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư có 102.962 vụ; tạm giữ, xử phạt hành chính có 10.269 vụ; xử lý hình sự 1.485 vụ. Số vụ BLGĐ được xử lý có nạn nhân nữ từ 16-59 tuổi là 80.841 vụ.

Lý lẽ từ những lần hòa giải mà chị nghe được vẫn là người phụ nữ chấp nhận hi sinh vì con cái. Rằng, ly hôn không tốt, những định kiến với phụ nữ ly hôn rất nặng nề, chị sẽ mất cả chì lẫn chài nếu… “bỏ chồng”.

Họ không chỉ khuyên chị mà còn tác động đến người thân trong gia đình cùng góp phần ngăn cản ý định ly hôn của chị. Đó là nguyên nhân mà bố mẹ chị tuyên bố nếu con gái ly hôn thì sẽ từ mặt vì làm mất danh dự của gia đình. Vì thế, chị vẫn phải tiếp tục “gắn bó” với người chồng bạo lực. Mỗi lần bị chồng đánh đập chị lại cam chịu, hoặc tìm đến nhà tạm lánh.

Chị M là một trong rất nhiều trường hợp phụ nữ bị BLGĐ vô tình trở thành “nạn nhân” của việc hòa giải. Với mục đích ngăn cản sự đổ vỡ hôn nhân, hàn gắn gia đình, bộ phận hòa giải luôn vun vào mà không để ý đến nạn nhân bị bạo lực có sống hạnh phúc thật sự hay không.

Thừa nhận tình trạng này, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống BLGĐ, bà Hà Quỳnh Anh (Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc UNFPA tại Việt Nam) cho biết đa phần các vụ việc BLGĐ hiện nay, các cơ quan có trách nhiệm đều thiên về xử lý mang tính hòa giải. Thực tế, có những trường hợp đã tiến hành hòa giải trong suốt 20 năm qua, nhưng người phụ nữ vẫn phải chịu BLGĐ hết năm này qua năm khác. Điều đó chứng tỏ công tác hòa giải không hiệu quả.

Nghịch lý của hòa giải

Theo chuyên gia tư vấn tâm lý, TS Đinh Đoàn, hòa giải trong cộng đồng có truyền thống lâu đời để các bên có bất đồng tự thỏa thuận và đồng thuận chấm dứt tranh chấp, nối lại quan hệ đoàn kết, tương thân tương ái. Cùng với sự phát triển của xã hội, hòa giải ở cơ sở tiếp tục đóng vai trò rất quan trọng trong giải quyết vướng mắc, bất đồng mới phát sinh hoặc vi phạm pháp luật nhỏ tại cộng đồng, tránh khiếu kiện ra cơ quan nhà nước, tòa án, giúp bảo vệ quyền của các nhóm yếu thế; đặc biệt là phụ nữ trong các vụ việc liên quan đến bình đẳng giới và BLGĐ. Tuy nhiên, việc triển khai công tác hòa giải vẫn gặp nhiều khó khăn và hiệu quả hòa giải trên thực tế thấp hơn so với kỳ vọng. Nhiều vụ việc BLGĐ dù đã được hòa giải nhưng các bên liên quan “bằng mặt nhưng chưa bằng lòng”. Các nhóm yếu thế, nhất là phụ nữ vẫn phải chịu thiệt thòi với suy nghĩ “nhịn để cho yên”. Ở nhiều gia đình, cộng đồng sau những lần hòa giải BLGĐ, bất đồng vẫn âm ỉ tiếp diễn. Có nhiều trường hợp phụ nữ bị chồng bạo hành kéo dài và yêu cầu ly hôn nhưng cán bộ hòa giải vẫn kiên trì thuyết phục, khuyên vợ chồng nên về “đóng cửa bảo nhau” thay vì ra tòa ly hôn.

Tại Hội thảo lấy ý kiến đối với hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) sửa đổi, bổ sung ngày 8/10/2020, bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình - Bộ VH-TT-DL cho rằng: Hiện nay, việc tổng hợp các vụ BLGĐ đang theo ngành dọc, mỗi cơ quan, tổ chức tập hợp theo đối tượng chức năng nhưng không có cơ chế chia sẻ nên số liệu thiếu nhất quán, trùng lặp và chưa phản ánh đầy đủ tình hình BLGĐ. Nguyên nhân chính là do bất cập của Luật Phòng, chống BLGĐ hiện hành, đặc biệt là các quy định về nạn nhân BLGĐ hay xử lý các thủ phạm gây ra bạo lực, các biện pháp đảm bảo phòng chống BLGĐ.

Lý giải vì sao lại có nghịch lý sau hòa giải bạo lực vẫn tiếp tục tồn tại, thậm chí còn kéo dài và trầm trọng hơn, TS Đinh Đoàn cho rằng nguyên nhân là do cán bộ hòa giải thiếu kỹ năng. Trong nhiều trường hợp hòa giải BLGĐ, người hòa giải vẫn còn mang nặng định kiến giới, cho rằng đàn ông đánh vợ là chuyện bình thường và phụ nữ hư hỏng nên mới bị đánh. Do đó, khi hòa giải vẫn thiên về phụ nữ nên cam chịu và tha thứ cho hành vi bạo lực của chồng.

Theo kết quả điều tra của Bộ VHTTDL từ 63 tỉnh/ thành, có 14 nguyên nhân chính dẫn đến BLGĐ, trong đó nguyên nhân: Cán bộ thiếu kỹ năng tư vấn, hòa giải, truyền thông và chế tài xử lý chưa mạnh, chưa hợp lý thiên về hòa giải, phê bình, góp ý.

Hòa giải BLGĐ bất cập vì… luật

Báo cáo kết quả 12 năm thi hành Luật Phòng, chống BLGĐ của Bộ VHTTDL cho thấy đang có những bất cập trong công tác hòa giải từ chính những quy định của luật. Cụ thể, khoản 7 Điều 12 của Luật Phòng, chống BLGĐ quy định nguyên tắc không hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp đối với vụ việc thuộc tội phạm hình sự và vụ việc không thuộc hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý hành chính. Trong khi đó, BLGĐ là một vấn đề có tính đặc thù mà công tác hòa giải cần được tiến hành sau khi vụ việc đã được xử lý hành chính, hay hình sự, để đạt được mục tiêu cuối cùng là xây dựng gia đình hạnh phúc. Đây là một điểm bất cập cần sửa đổi.

Mặt khác, dựa vào quá nhiều phương án hòa giải có thể để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Người dân và cán bộ chính quyền không nắm được và không rõ khi nào thì phải xử lý một tình huống bằng hòa giải, và khi nào cần áp dụng biện pháp khác. Nhiều vụ việc nạn nhân bị bạo hành rất nghiêm trọng song địa phương vẫn áp dụng các biện pháp hòa giải không hiệu quả. Luật Phòng, chống BLGĐ cũng chưa có quy định cụ thể tiêu chuẩn về đạo đức, chuyên môn, kỹ năng của tổ hòa giải cũng như các điều kiện chính sách cho người thực hiện công việc này.

Theo bà Hà Quỳnh Anh, nếu vẫn giữ các điều khoản hoà giải trong Luật PCBLGĐ thì Nhà nước phải đảm bảo có đầy đủ năng lực để đảm bảo hoà giải được coi như là một quá trình dài hạn.

Luật sư Nguyễn Bích Lan (Trưởng văn phòng luật sư số 5 - Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng Luật Phòng, chống BLGĐ hiện hành chưa quy định rõ những trường hợp nào được gọi là mâu thuẫn tranh chấp trong gia đình, trường hợp nào là xem là hành vi BLGĐ. Chính vì vậy nên khi áp dụng vào thực tiễn chưa thống nhất khi xác định vụ việc BLGĐ với vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình để có những biện pháp xử lý phù hợp: như cần hòa giải trong trường hợp nào, và không cần hòa giải trong trường hợp nào. Đây cũng là khoảng trống trong Luật cần được sửa đổi, bổ sung.

 

(Còn nữa)

HẠ THI 

 

 

Tin cùng chuyên mục

Đánh mất hạnh phúc

Đánh mất hạnh phúc

(PNTĐ) - Đồng hồ điểm báo đã 12 rưỡi đêm. Ông An cứ trằn trọc mãi vẫn không sao ngủ được. Đêm thanh vắng, tiếng con tắc kè kêu trong đêm thanh vắng nghe càng não nùng.
Hạnh phúc bất ổn vì “con anh, con em”

Hạnh phúc bất ổn vì “con anh, con em”

(PNTĐ) - Anh chị bước vào cuộc hôn nhân kiểu “rổ rá cạp lại”, mang theo “con anh, con em” để cùng nhau xây dựng một gia đình mới. Những tưởng, sẽ gây dựng được một tổ ấm sau những đổ vỡ trước đó, nhưng mọi thứ lại một lần nữa bất ổn với họ.
Mẹ chồng là tri kỷ

Mẹ chồng là tri kỷ

(PNTĐ) - Ngày về làm dâu, chị Nguyễn Bích Nhung (32 tuổi, huyện Quốc Oai, Hà Nội) kể, mẹ chồng nói với chị: “Một khi mẹ đón con về làm dâu thì mẹ sẽ coi con như con gái trong nhà. Mẹ không muốn con dâu phải khổ vì ngày xưa làm dâu mẹ đã khổ lắm rồi…”.
Kho báu của bố

Kho báu của bố

(PNTĐ) - Năm nào cũng thế, trước ngày sinh nhật tôi mấy ngày, bố tôi thể nào cũng gọi điện cho con gái và trịnh trọng thông báo: “Tôi đã cất vào kho lưu trữ của cô rồi nhé”. Kho lưu trữ của bố là một chiếc hộp thiếc, và thứ bố cất là tờ lịch của ngày 25 tháng 4”.