Bài 4: Xây dựng và vun đắp giá trị gia đình trong thời kỳ mới

Chia sẻ

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định: Xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Gia đình hạnh phúc vừa là động lực, vừa là mục tiêu của mỗi cá nhân cũng như toàn xã hội. Trong thời gian qua, việc xây dựng và vun đắp giá trị gia đình Việt trong thời kỳ mới như định hướng của Đảng đã được triển khai bằng nhiều hình thức.

Xây dựng gia đình văn hóa bằng Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình

Tính từ thời điểm Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) ban hành Kế hoạch số 4747/KH-BVHTTDL ngày 19/10/2018 thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” và triển khai tại 12 tỉnh, thành phố đến nay, kết quả cho thấy, việc thực hiện Bộ tiêu chí đã trở thành cách làm hiệu quả để xây dựng, bảo vệ và vun đắp giá trị gia đình Việt, từ đó ổn định hạnh phúc gia đình, góp phần xây dựng xã hội văn minh, hạnh phúc.

Tại một số địa phương như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế… đã có cách làm sáng tạo, lồng ghép việc thực hiện “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” vào nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, đoàn thể, trường học hoặc trong sinh hoạt cộng đồng của các câu lạc bộ, nhà văn hóa. Mỗi gia đình khi đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí đều ý thức hơn về việc bảo vệ, giữ gìn hạnh phúc gia đình theo hướng tiến bộ, văn minh.

Hà Nội là 1 trong số 12 tỉnh, thành phố được lựa chọn triển khai thực hiện thí điểm bộ tiêu chí. Tại xã Phú Cường (Ba Vì) và phường Khương Trung (quận Thanh Xuân), các gia đình tham gia thí điểm được tư vấn, lựa chọn đăng ký thi đua, trong đó có 32% gia đình đăng ký thực hiện tiêu chí ứng xử con với cha mẹ, cháu với ông bà; 25% gia đình đăng ký nội dung ứng xử vợ chồng... Sau một thời gian triển khai, chương trình đã tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành và cộng đồng về công tác gia đình. Các địa phương lồng ghép nội dung bộ tiêu chí với các hoạt động mô hình, câu lạc bộ hoặc sinh hoạt đoàn thể, được thực hiện đều đặn, xuyên suốt, như: Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, mô hình gia đình phát triển bền vững, câu lạc bộ gia đình văn hóa, văn nghệ... Đặc biệt, nhiều gia đình tham gia đăng ký thi đua thực hiện bộ tiêu chí trở thành điển hình, gương mẫu trong văn hóa ứng xử, được cộng đồng đánh giá cao...

Gia đình bà Nguyễn Thị Lê (phố Vương Thừa Vũ, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân) là một trong 300 gia đình tại phường Khương Trung tham gia thực hiện thí điểm bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ VHTTDL triển khai, cam kết thực hiện bộ tiêu chí khiến các thành viên càng ý thức hơn về giữ gìn hạnh phúc gia đình. Bà Lê cho biết: “Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình rất thiết thực, ai cũng có thể thực hiện tốt”.

Sau 2 năm triển khai, đời sống văn hóa trong mỗi gia đình và cộng đồng dân cư đã có chuyển biến rõ nét. Mối quan hệ trong gia đình thêm gắn kết, yêu thương, chia sẻ, góp phần lan tỏa chuẩn mực đạo đức, nét đẹp ứng xử trong mỗi gia đình. Ông Nguyễn Văn Hùng, Tổ dân phố số 4 phường Khương Trung, quận Thanh Xuân cho biết, trước đây, địa phương từng xảy ra bạo lực gia đình chỉ vì xích mích nhỏ nhặt… Từ khi được tuyên truyền, người dân nhắc nhở nhau thực hiện tốt các tiêu chí, nêu cao tinh thần gương mẫu, nhờ đó, tổ dân phố ngày càng văn hóa, không khí gia đình đầm ấm, vui vẻ hơn.

Năm 2020, Hà Nội tiếp tục nhân rộng “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” tại 5 địa bàn dân cư bao gồm: Xã Yên Bình (huyện Thạch Thất), xã Kim Sơn (huyện Gia Lâm), xã Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ), phường Vĩnh Tuy (quận Hai bà Trưng), xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn). Hầu hết các hộ gia đình đã đăng ký thực hiện và đánh giá cần thiết thực hiện tiêu chí ứng xử trong gia đình.

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa có hiệu quả thiết thực khi gắn kết với xã hội bằng những việc làm cụ thể. Nhiều gia đình văn hoá tiêu biểu xuất sắc đã được tuyên dương nhằm nhân rộng, phát huy nét đẹp truyền thống trong thời đại mới như gia đình tam, tứ đại đồng đường chung sống hòa thuận; Gia đình khuyến học, hiếu học; Gia đình hiến đất đai, vườn tược để làm đường giao thông, xây dựng trường học, thiết chế văn hóa...

Đại diện các gia đình tại phường Khương Trung, quận Thanh Xuân ký cam kết thực hiện quy tắc ứng xử trong gia đình ở các nhóm vợ chồng, cha mẹ, ông bà con cháu, anh, chị em.Đại diện các gia đình tại phường Khương Trung, quận Thanh Xuân ký cam kết thực hiện quy tắc ứng xử trong gia đình ở các nhóm vợ chồng, cha mẹ, ông bà con cháu, anh, chị em. (Ảnh: Q.A)

Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch
Vấn đề đặt ra là làm sao để giá trị ấy tiếp tục thấm sâu, thực sự là mạch nguồn cho gia đình phát triển trong bối cảnh mới. Hội LHPN Việt Nam có vai trò quan trọng và trách nhiệm to lớn trong vận động xã hội chung tay vun đắp các giá trị văn hóa gia đình. Với 50,2% dân số là nữ giới, gần 27 triệu hộ gia đình, việc vận động, tuyên truyền, giáo dục để hội viên, phụ nữ và các thành viên trong gia đình, cộng đồng chung tay giữ gìn trao truyền gia phong, gia đạo, thái độ hành vi ứng xử văn minh, trở thành nền nếp, chuẩn mực phổ biến là nội dung thường xuyên của tổ chức Hội Phụ nữ. Hơn 10 năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã đưa các tiêu chí văn hóa vào nội hàm của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” vào triển khai thực hiện tại 100% cơ sở Hội.

Là một trong 100 gia đình vừa được Hội LHPN Hà Nội biểu dương trong Cuộc vận động “Gia đình 5 không, 3 sạch”, gia đình bà Nguyễn Thị Quốc Khánh (phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng) trở thành tấm gương góp phần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân trong tổ dân phố về việc xây dựng hạnh phúc gia đình, bảo vệ môi trường sống. 10 năm qua, gia đình bà Khánh có 4 thế hệ chung sống nhưng luôn đầm ấm, hoà thuận. Bà Khánh cho biết, xác định việc xây dựng hạnh phúc gia đình là trách nhiệm, nên các thành viên luôn ứng xử đúng mực, tích cực nâng cao trình độ, văn hoá, trau dồi kiến thức nuôi dạy con, động viên, hỗ trợ lẫn nhau trong công việc, xây dựng văn hoá gia đình…

Những tiêu chí ứng xử cụ thể trong gia đình theo Bộ tiêu chí ứng xử

1. Tiêu chí ứng xử vợ chồng: Chung thủy; Nghĩa tình

Vợ chồng có tình cảm trước sau như một, không thay đổi; Chăm sóc nhau; Cùng có trách nhiệm trong nuôi dạy con, làm việc nhà, đóng góp tài chính gia đình; Lắng nghe, cùng nhau thảo luận những vấn đề chung, hòa nhã với nhau.

2. Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu:

Gương mẫu; Yêu thương Cha mẹ, ông bà làm gương tốt cho con, cháu trong cử chỉ, hành động, lời nói; Quan tâm, chăm sóc con cháu khi con cháu còn nhỏ; Trao truyền các giá trị truyền thống, kinh nghiệm sống cho con cháu; Giáo dục, động viên con cháu giữ gìn nền nếp, gia phong; Có tình cảm gắn bó tha thiết.

3. Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà:

Hiếu thảo; Lễ phép. Con, cháu có lời nói, cử chỉ, hành động thể hiện sự kính trọng, biết ơn, giúp đỡ cha mẹ, ông bà; Thăm hỏi, chăm sóc động viên, nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà khi cha mẹ, ông bà ốm đau, già yếu.

4. Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em:

Hòa thuận; Chia sẻ Anh, chị, em tôn trọng, bảo nhau điều hay, lẽ phải; Anh chị bao dung đối với em, em kính trọng anh chị; Cùng chia sẻ với nhau tình cảm hoặc vật chất lúc vui buồn, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn.

Nơi gia đình bà Khánh ở là khu dân cư đông, ngõ chật hẹp. Trước đây, nhiều người chỉ biết làm sạch khuôn viên nhà mình mà không tham gia vệ sinh ngoài ngõ phố, cống rãnh thường xuyên tắc. Bà đã cùng chính quyền, đoàn thể, giám sát, đôn đốc các hộ thực hiện đầy đủ tiêu chí “Gia đình 5 không, 3 sạch”, nâng cao nhận thức về vai trò của gia đình, trách nhiệm của các thành viên trong xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Vận động chị em thực hiện pháp luật về hôn nhân gia đình, sinh đẻ có kế hoạch để nuôi con khoẻ, dạy con ngoan…

Theo bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” là một trong những cuộc vận động của Trung ương Hội nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ trong việc phát huy giá trị tốt đẹp của gia đình thời kỳ mới, hướng đến xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Tại các cấp Hội Phụ nữ, công tác xây dựng, duy trì, nhân rộng các mô hình như: Mô hình Câu lạc bộ (CLB) xây dựng gia đình hạnh phúc, CLB “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng... được đẩy mạnh, có ý nghĩa tích cực, là cầu nối truyền tải thông tin, giao lưu, chia sẻ về giáo dục gia đình, chăm sóc và nuôi dạy con, nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên, hỗ trợ phát triển kinh tế... Thông qua đó, các cán bộ Hội nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em để kịp thời chia sẻ, giúp đỡ về vật chất, tinh thần, tạo điều kiện cho chị em xây dựng hạnh phúc gia đình. Các mô hình tư vấn, hỗ trợ hôn nhân, gia đình an toàn cho phụ nữ và trẻ em được triển khai rộng khắp 63 tỉnh, thành; Mô hình địa chỉ tạm lánh để bảo vệ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, động viên, hướng dẫn các chị em về kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình, tư vấn giải quyết các vấn đề liên quan đến hôn nhân… góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, ổn định an ninh trật tự xã hội.

Gia đình Việt Nam có xu hướng đề cao các giá trị tinh thần hơn vật chất

Theo kết quả đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ “Nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc trong giai đoạn hiện nay” của Vụ Gia đình - Bộ VHTTDL, các gia đình Việt Nam thường đề cao yếu tố tình cảm, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình hơn là các yếu tố vật chất. Điều này cho thấy yếu tố vật chất có thể chỉ là điều kiện đảm bảo để xây dựng gia đình hạnh phúc. Khi điều kiện vật chất đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu thì yếu tố quyết định gia đình hạnh phúc chính là các giá trị tinh thần… Do đó về mặt chính sách, nhà nước cần tiếp tục nâng cao điều kiện sống cho các gia đình nói chung, song song với quá trình đó là sự đầu tư, nuôi dưỡng, duy trì các hệ giá trị tốt đẹp của gia đình để xây dựng đời sống tinh thần của thiết chế xã hội cơ bản này.

Tiến sĩ Trần Tuyết Ánh – Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VHTTD

(Còn nữa)

HÀ NHUNG - QUỲNH ANH

Tin cùng chuyên mục

Ai cũng chọn việc nhẹ, việc nặng sẽ dành phần ai?

Ai cũng chọn việc nhẹ, việc nặng sẽ dành phần ai?

(PNTĐ) - Trong trận hỏa hoạn kinh hoàng xảy ra tại chung cư mini Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội, Nguyễn Quốc Trung - chiến sĩ Đội Phòng cháy, chữa cháy Công an quận Thanh Xuân bị ngạt khí vì tham gia cứu chữa người bị nạn. Sau 11 ngày điều trị tích cực tại Bệnh viện Bạch Mai, ngày 22/9, Trung may mắn cùng 10 bệnh nhân bị thương trong vụ cháy đã được xuất viện.
“Có sao” nếu vợ mình nhỉnh hơn chồng?

“Có sao” nếu vợ mình nhỉnh hơn chồng?

(PNTĐ) - Thời gian qua, diễn đàn “Vợ “nhỉnh” hơn chồng, có sao không?” trên Báo Phụ nữ Thủ đô đã nhận được rất nhiều ý kiến của độc giả gửi đến hộp thư của Báo. Trái ngược với nhiều ý kiến ủng hộ vợ giỏi hơn chồng, một số độc giả lại phản đối, cho rằng hôn nhân sẽ không hạnh phúc khi vợ giỏi hơn chồng mà cả vợ lẫn chồng đều cần biết cách vun vén, sẻ chia.
Đừng xem chồng chỉ là “công cụ” để có con

Đừng xem chồng chỉ là “công cụ” để có con

(PNTĐ) - Trong khi người vợ đang tìm cách để ly hôn càng nhanh càng tốt, thì người chồng cũng âm thầm đến văn phòng luật sư tìm hiểu mọi quy định, điều kiện bảo vệ quyền nuôi con của mình. Thậm chí, anh giành quyền nuôi cả hai đứa con, với mục đích để người vợ cần con mà không cần chồng ấy phải… trả giá.
Con dâu “làm quan”, nhà chồng cứ... nhờ

Con dâu “làm quan”, nhà chồng cứ... nhờ

(PNTĐ) - Nghe tin Thủy được bổ nhiệm làm phó giám đốc, ngay tối đó, mẹ chồng Thủy gọi điện lên, vừa chúc mừng câu trước thì câu sau đã gửi gắm: “Con chính là người mở đường cho cả họ nhà mình đấy nhé. Con liều liệu mà làm”.